Theo tờ trình vừa được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị gửi UBND TP HCM, dự án có ba hợp phần chính. Trong đó, hợp phần một có kinh phí đầu tư lớn nhất, khoảng 200 triệu USD, với mục tiêu bảo vệ vùng lõi Gò Dưa ở Thủ Đức khỏi ngập úng.
Hợp phần nêu trên bao gồm nhiều hạng mục được đầu tư, như: cải tạo, xây dựng đê bao, cống, trạm bơm, hệ thống thoát nước mưa và tích trữ nước thông qua các hồ điều tiết. Ngoài ra, hệ hống thông tin rủi ro lũ lụt sẽ được thiết lập, tích hợp với các nền tảng công nghệ của TP HCM nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành trên địa bàn.
Hợp phần thứ hai tập trung vào cải thiện hệ thống thoát nước, xử lý nước thải cho khu vực lõi Gò Dưa, kinh phí đầu tư ước tính 150 triệu USD. Trong đó, nhiều hạng mục lớn sẽ được triển khai, bao gồm xây dựng hệ thống thoát nước mưa, thu gom nước thải cho lưu vực dự án. Các hệ thống này sẽ kết nối những công trình đã xây trước đây nhằm hoàn chỉnh mạng lưới thoát nước cho khu vực. Đồng thời, hợp phần này bao gồm xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất dự kiến 130.000 m3 mỗi ngày đêm.
Hợp phần còn lại ước tính kinh phí khoảng 80 triệu USD, tập trung vào các phần việc hỗ trợ triển khai dự án như: giải phóng mặt bằng, tư vấn, quản lý cùng các loại thuế.
Trong tổng kinh phí thực hiện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đề xuất vay Ngân hàng Thế giới 350 triệu USD (khoảng 8.085 tỷ đồng) để đầu tư các hạng mục thuộc hợp phần một và hai, còn lại sử dụng vốn đối ứng trong nước. Khi được thông qua và hoàn tất công tác chuẩn bị, dự án được lên kế hoạch triển khai giai đoạn 2026-2030.
Theo đơn vị đề xuất, toàn bộ công trình trên khi hoàn thành sẽ giảm nguy cơ ngập úng trong khu lõi đô thị ở TP Thủ Đức và góp phần cải thiện môi trường. Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho khoảng 360.000 người đang sinh sống tại khu Gò Dưa hiện hữu cùng 1,5 triệu người khác trên địa bàn Thủ Đức.
Liên quan dự án trên, chính quyền TP HCM hồi tháng 1 năm nay cũng đề xuất Thủ tướng và các bộ liên quan đưa vào danh mục vận động nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới nhằm triển khai trong thời gian tới.
TP Thủ Đức rộng khoảng 211 km2 với hơn một triệu dân, được thành lập đầu năm 2021, trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức cũ. Nơi đây được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước. Tuy nhiên, sau ba hai năm thành lập, thành phố phía Đông TP HCM chưa có nhiều thay đổi đáng kể, nhất là các lĩnh vực đầu tư hạ tầng.
Gia Minh