Các nhà nghiên cứu Nga phát hiện 430 quả "bom khí" khổng lồ có thể phát nổ tạo ra miệng hố lớn ở Bắc Cực và đe dọa gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng tới châu Âu. Từ năm 2014 đến nay, 17 miệng hố lớn đã hình thành ở bán đảo Yamal và Gydan thuộc Siberia do những vụ phun trào khí methane dữ dội ở lớp đất đóng băng vĩnh cửu bị tan chảy. Miệng hố mới nhất xuất hiện hồi tháng 7/2020 dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Giáo sư Vasily Bogoyavlensky ở Viện Dầu khí Nga tại Moskva hôm 7/9 cảnh báo nhiều quả bom hẹn giờ nằm gần nơi lắp đặt đường ống dẫn khí tự nhiên quan trọng trong mạng lưới cung cấp cho Tây Âu. Ông cho biết khoảng 7.185 gò đất được nhận dạng thông qua phân tích ảnh vệ tinh và 430 gò (chiếm 5 - 6%) trong số đó thực sự nguy hiểm.
Theo Bogoyavlensky, các khu vực có nguy cơ cao nằm gần ba mỏ khí lớn trên bán đảo Yamal là Bắc Tambey, Nam Tambey và Tây Seyakha. "Những gò đất nguy hiểm này cần được khơi thông và hút hết khí. Đây là công việc phức tạp đối với quân đội. Tất nhiên, họ phải tiến hành hết sức cẩn thận bởi bên dưới là quả bom khí", Bogoyavlensky nhấn mạnh.
Chỉ có 3 trong số 17 vụ nổ gần đây có nhân chứng và đều phát nổ do lửa. "Chúng tôi tin rằng mồi lửa là do sự phóng tĩnh điện gây ra, khiến các gò đất kiểu này càng trở nên nguy hiểm. Ở miệng hố Seyakha, một người phụ nữ địa phương bị thu hút bởi gò đất phồng lên và ghé qua hàng ngày. Nhưng vào ngày vụ nổ xảy ra, cô ấy cảm nhận được một số rung động giống như mặt đất đang hít thở. Cô ấy nhanh chóng rời đi ngay trước khi nơi đó phát nổ. Nếu nán lại lâu hơn, người phụ nữ có thể mất mạng và trở thành nạn nhân đầu tiên", Bogoyavlensky nói.
Bogoyavlensky giải thích gò đất phồng to hình thành khi khí methane bốc lên từ lớp đất sâu qua những vết nứt ở khu vực tan chảy, lấp đầy các khoảng trống trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu. Thông thường, khoảng trống bị bịt kín bởi lớp đất đóng băng dày tới 10 m. Tuy nhiên, kích thước của chúng ngày càng tăng dưới áp suất khí và cuối cùng phát nổ, thổi bay những khối đất đá đóng băng ra xa 900 m từ tâm chấn. Gò đất chứa đầy khí gas có thể mở rộng gần một mét mỗi năm trước khi phát nổ.
An Khang (Theo Siberian Times)