- Thưa cô! Sang năm tới em trai em sẽ thi ĐH, tuy nhiên trước các diễn biến của kì thi năm nay thì cả nhà vô cùng lo lắng. Vì chương trình thí điểm năm nay có thể nói là thất bại hoàn toàn, chắc chắn năm sau Bộ sẽ có những cải tiến, tuy nhiên thực sự sẽ là cải tiến hay cải lùi thì không ai biết trước được. Cả nhà em rất hoang mang, có ý định chọn cho em đi du học cho an toàn, tuy nhiên em trai em lại muốn học trong nước. Cô có thể cho em lời khuyên được không ạ? (Bùi Ngọc Ánh, 24 tuổi)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng Đại học Hà Nội:
- Bộ GD&ĐT luôn lắng nghe ý kiến của giáo viên, phụ huynh, học sinh... và có những cải tiến phù hợp sau mỗi đợt thi. Khi em trai em nỗ lực học hết mình, đạt điểm cao thì không có gì phải lo lắng. Trong trường hợp điểm của mình chưa cao thì cơ hội vẫn còn nhiều vì các em vẫn còn các đợt xét tuyển khác. Việt Nam có gần 400 trường đại học, cao đẳng cùng với hàng trăm chương trình đào tạo cử nhân liên kết với nước ngoài, chắc chắn em của em sẽ chọn được trường và ngành phù hợp với nguyện vọng và khả năng kinh tế của gia đình. Du học không có nghĩa là "an toàn" vì yêu cầu của các trường đại học nước ngoài cũng rất cao. Hồ sơ của mình có thể được một trường nào đó lựa chọn cho vào học khá dễ dàng nhưng quá trình học là một quá trình đào thải theo hình chóp rất khắt khe. Ngoài ra còn vấn đề rào cản ngôn ngữ cần phải vượt qua. Nếu em của em thích học trong nước thì gia đình nên lắng nghe nguyện vọng này của em; người đi học nước ngoài cần có quyết tâm rất lớn để đối mặt với nhiều thử thách trong một môi trường mới lạ.
- Kính thưa bà Nguyễn Thị Cúc Phương.
Cả nước đã và đang lên cơn sốt của tuyển sinh Đại học. Nhìn vào bảng điểm chuẩn của Đại học Hà Nội cao vọt rất nhiều so với năm trước. Môn Tiếng Pháp lên tới 10,25 điểm (năm 2014) điểm trúng tuyển là 20. Dự kiến 2015 là 30,25 điểm. Điểm cao như vậy, liệu nhà trường có thấy tin tưởng không? (cụm thi đại học nghiêm túc và chưa nghiêm túc là có thực). Đại học Hà Nội đang ở top đầu hay tốp giữa của Hệ thống các trường Đại học Việt Nam? Dẫu biết rằng bước vào đời có rất nhiều khó khăn nhưng cơ hội của học sinh chuyên Ngoại ngữ có tươi sáng không khi mà xã hội đánh giá “Ngoại ngữ chỉ là phương tiện chứ không phải là công cụ”, khi mà tất cả đều tập trung vào khối Kinh tế - Kỹ thuật? Học ở trường Đại học Hà Nội liệu có được học tiếp văn bằng 2 (kinh tế) của trường không? Xin trân trọng cảm ơn! (Trần Hoàn, 47 tuổi, 1/138 Quang Trung - Nam Định)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng ĐH Hà Nội:
Điểm xét tuyển của các ngành ngoại ngữ cao là điều đáng mừng vì nhà trường có thể chọn được các sinh viên giỏi, có chất lượng. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông lần này. Ngoại ngữ là phương tiện nhưng nếu làm chủ tốt phương tiện này thì các em có nhiều cơ hội để thành công. Khi học giỏi một ngành ngôn ngữ lúc ra trường các em có thể làm nhiều vị trí khác nhau: biên dịch, phiên dịch, biên tập viên của các cơ quan truyền thông, hướng dẫn viên du lịch, trợ lý thư ký của các doanh nghiệp nước ngoài... Khi nào Việt Nam còn quan hệ ngoại giao với các quốc gia thì lúc đó sinh viên ngoại ngữ vẫn có việc.
Trong quá trình học tại Trường, các em sinh viên học ngành ngôn ngữ có thể học cùng một lúc hai chương trình, tức là học một ngành khác như Quản trị kinh doanh, Quản trị du lịch và lữ hành, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng nếu sau năm thứ nhất đạt điểm trung bình trung học tập là 7,0 và có đủ trình độ tiếng Anh vì các chương trình này đều dạy bằng tiếng Anh. Còn việc anh hỏi Trường Đại học Hà Nội đứng ở top nào thì xin phép để học sinh và phụ huynh đánh giá.

Phó hiệu trưởng ĐH Hà Nội, Nguyễn Thị Cúc Phương và bà Nguyễn Mai Chi, Trưởng ban Phát triển Kinh doanh cấp cao ACCA Việt Nam tại tòa soạn VnExpress.
- Kính thưa các cô,
Mục tiêu và ước mơ của em từ thời cấp 3 là tương lai sẽ khởi nghiệp kinh doanh, cống hiến giá trị cho mọi người và xã hội. Theo cô, em nên tập trung ngành học nào để có thể giúp cho em trong lĩnh vực khởi nghiệp sau này? Hiện tại em thấy các ngành như quản trị kinh doanh, marketing,... đều cần cho người khởi nghiệp, tuy nhiên, trong trường đại học thì chỉ chọn một ngành để học. Vậy xin cô tư vấn cho em câu hỏi như trên ạ. Em xin chân thành cảm ơn cô ạ! (Huỳnh Nhật Tuấn, 19 tuổi, Thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi)
- Bà Nguyễn Mai Chi, Trưởng ban Phát triển Kinh doanh cấp cao ACCA Việt Nam:
Chào em, chúc mừng em đã có mục tiêu và ước mơ đáng ngưỡng mộ. Theo cô thì em nên chọn ngành tài chính - kế toán để khởi nghiệp. Những kỹ năng và kiến thiết trong lĩnh vực kế toán - tài chính sẽ giúp đảm bảo sự thành công của một doanh nghiệp, khi đó em có thể lựa chọn làm chủ bất kể ngành nghề kinh doanh nào. Theo học bằng cấp nghề nghiệp chuyên nghiệp quốc tế như ACCA của Anh quốc sẽ giúp em không chỉ vững vàng được kiến thức chuyên môn, tài chính kế toán, tiếng Anh mà còn trang bị được kỹ năng quản trị chiến lược là yếu tố của người lãnh đạo.

- Cô cho em hỏi về cơ hội việc làm ngành xã hội học trong tương lai? (lê thanh nhiên, 18 tuổi)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Xã hội học là một ngành quan trọng, được coi trọng tại các nước phát triển vì ngành này nghiên cứu ảnh hưởng của xã hội tới tư duy, hành vi của con người. Như vậy, ứng dụng của ngành xã hội học rất rộng lớn, từ quản lý công việc tới đời sống gia đình, quan hệ xã hội, truyền thông… Ở Việt Nam nghề này bắt đầu phát triển nên sẽ có tương lai.
- Điểm thi ba môn tổng hợp toán, văn, pháp 15,5 điểm. Tôi muốn tư vấn trường và cơ hội việc làm? (nguyễn thị quỳnh anh, 18 tuổi, tp hòa bình)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Nếu em muốn học tiếng Pháp thì ở miền Bắc có trường Đại học Hà Nội, trường Đại học Ngoại ngữ Đại học Quốc Gia, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội I có đào tạo cử nhân tiếng Pháp để làm các nghề như biên dịch, phiên dịch, giáo viên, hướng dẫn viên du lịch, biên tập viên, trợ lý thư ký các dự án với nhiều nước nói tiếng Pháp.
- Nếu em muốn có công việc kinh doanh riêng thì có cần thiết phải học đại học không ạ? Liệu em học ngành Quản trị kinh doanh thì có thể quản trị một doanh nghiệp nhỏ ngay khi ra trường không? Điểm của em không cao lắm 27 điểm đã nhân, liệu em có khả năng đỗ không? (Mạnh Nghĩa, 17 tuổi, Hà Nội)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Với số điểm 27 thì khả năng đỗ vào các khoa của trường ĐH Hà Nội là không nhiều. Em nên chuẩn bị cho mình phương án dự phòng. Nếu yêu thích Đại học Hà Nội, em có thể tìm hiểu thông tin về các chương trình liên kết đào tạo của Đại học Hà Nội với hình thức xét tuyển dựa trên học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Nếu em quan tâm đến ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính hoặc Marketing thì có thể xem xét chương trình học Cử nhân Quản trị kinh doanh Tài chính & Marketing của Đại học La Trobe giảng dạy tại Đại học Hà Nội từ năm 2003. Chương trình này tuyển sinh liên tục trong năm và khai giảng vào tháng 2 và tháng 8 hàng năm.
Nếu em muốn làm công việc kinh doanh riêng, ví dụ như doanh nghiệp gia đình, em nên trang bị cho mình các kiến thức căn bản về quản trị một doanh nghiệp. Có những người nổi tiếng rất giàu có dù họ chưa hề tốt nghiệp một trường đại học nào. Tuy nhiên, họ vẫn phải tìm hiểu, học hỏi mỗi ngày. Điều đó có nghĩa là kiến thức luôn cần thiết và có lẽ sẽ tốt hơn nếu em có thể học tập được nhiều kiến thức để giảm thiểu những sai lầm trong kinh doanh.
- Em sắp trở thành sinh viên của một ngành "tiếng hiếm", được biết là cơ hội việc làm sau này sẽ ít hơn các bạn khác. Bản thân em lại không có khả năng học thêm các văn bằng kế toán, tài chính.... Em muốn nhờ cô định hướng một số ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân, ngoài biên phiên dịch ra thì em còn cơ hội nào khác không ạ? (Linh, 18 tuổi)
- Bà Nguyễn Mai Chi, Trưởng ban Phát triển Kinh doanh cấp cao ACCA Việt Nam:
Chào em, cô tin tưởng rằng nếu em có quyết tâm thì em sẽ có thể học được bất kỳ văn bằng, chứng chỉ nào, kể cả kế toán, tài chính như chứng chỉ ACCA. Theo học chứng chỉ nghề nghiệp chuyên nghiệp quốc tế ACCA được thừa nhận rộng khắp trên 183 nước trên thế giới, em có thể thu thập được kỹ năng, kiến thức cần thiết trong lĩnh vực kế toán tài chính cho bất kỳ loại hình kinh doanh nào. Điều này giúp em có thể tự do lựa chọn công việc và công ty em muốn làm việc. Chúc em quyết tâm và có lựa chọn sáng suốt.
- Cho em hỏi về ngành quản trị kinh doanh ạ. Sau khi ra trường thì mình có thể xin việc ở đâu và cơ hội việc làm của ngành này như thế nào ạ? Em xin cảm ơn. (Nguyen Tien, 18 tuổi)
- Cô Nguyễn Thị Cúc Phương:
Sinh viên sẽ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác nhau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh. Sinh viên có thể lựa chọn làm việc trong lĩnh vực marketing, quản trị nhân sự, bán hàng, quản trị tài chính... Ngành quản trị kinh doanh đang được giảng dạy tại Đại học Hà Nội sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức nền tảng về kinh doanh và sinh viên sẽ lựa chọn hướng đi nghề nghiệp thông qua việc chọn các môn học tự chọn cho các ngành Quản trị nhân sự, Quản trị tác nghiệp, Marketing, Quản trị tài chính. Ngoài ra, sinh viên cần có những kỹ năng mềm bổ trợ để có thể có được cơ hội tiếp cận tốt hơn với các nhà tuyển dụng. Nhiều sinh viên tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Hà Nội đã tìm được việc làm tại nhiều công ty lớn và các công ty có yếu tố nước ngoài dựa trên nền tảng kiến thức chuyên môn được học và khả năng giao tiếp tiếng Anh thành thạo.

- Em muốn hỏi là có phải chỉ con gái mới nên học kế toán không ạ? (Trịnh Hạnh Lê, 18 tuổi)
- Cô Nguyễn Thị Cúc Phương:
Không chỉ có con gái mới học kế toán. Ở Việt Nam, phần lớn sinh viên ngành kế toán là nữ nhưng ở Mỹ hay Hàn Quốc, lớp học của ngành kế toán lại có rất nhiều sinh viên nam. Tố chất để làm nghề kế toán là sự cẩn thận, tập trung cao, do vậy bạn nào có những tố chất này đều có thể làm nghề này. Trong các doanh nghiệp kiểm toán có rất nhiều nam giới làm việc.
- Kính gửi chị Nguyễn Mai Chi, em học chuyên ngành tài chính nhưng hiện tại đang làm trái ngành. Nếu muốn chuyên sâu vào ngành tài chính và ACCA thì học lên ngành gì và ở đâu sẽ hiệu quả nhất? (Trần Phương, 23 tuổi)
- Bà Nguyễn Mai Chi, Trưởng ban Phát triển Kinh doanh cấp cao ACCA Việt Nam::
Chào em, nếu em đã học chuyên ngành tài chính, đây sẽ là lợi thế để em học chuyên sâu và lên cao chứng chỉ nghề nghiệp chuyên nghiệp quốc tế ACCA. Học chương trình này sẽ giúp em trở thành chuyên gia tài chính toàn diện, không chỉ vững vàng về kiến thức chuyên môn tài chính - kế toán, trau dồi tiếng Anh chuyên ngành mà còn được trang bị kỹ năng quản trị chiến lược, lãnh đạo doanh nghiệp. Chứng chỉ này được công nhận trên toàn cầu cũng như được các nhà tuyển dụng, các chuyên gia tài chính - kế toán đánh giá rất cao. Vì thế, nếu em có được chứng chỉ ACCA, đây sẽ là lợi thế, bằng chứng cho năng lực của em trước các nhà tuyển dụng và các công việc nhiều thử thách. Em có thể theo học chứng chỉ này với chương trình Sunway Hanu, Đại học Hà Nội.

- Cô có thể cho em biết điều kiện để theo học chương trình OBU là như nào được không ạ? (Nguyễn Thúy Quỳnh, 17 tuổi)
- Cô Nguyễn Thị Cúc Phương:
Sinh viên cần tốt nghiệp THPT và có khả năng tiếng Anh tốt tương đương IELTS 6.0 để có thể học chương trình OBU - Cử nhân kế toán ứng dụng của Đại học Oxford Brookes Anh. Nếu sinh viên chưa có tiếng Anh tương đương IELTS 6.0, có thể theo học tiếng Anh tại chương trình của Sunway Hanu của trường Đại học Hà Nội trước khi học chuyên ngành.
- Thưa hai cô, em đang phân vân giữa Kế toán bên Đại học (ĐH) Hà Nội và Học viện (HV) Ngân hàng ạ. Em nghe mọi người tư vấn nói rằng nên học bên HV Ngân hàng vì sẽ chuyên về Kinh tế hơn, còn ĐH Hà Nội chuyên về ngôn ngữ sẽ không được chuyên sâu về kinh tế. Thêm vào đó e khá lo về khoản học phí vì điều kiện gia đình em không được khá giả. Chuyên ngành bên ĐH Hà Nội có lẽ vì giảng dạy bằng tiếng Anh nên khá cao, 2 năm tới là 15, 18 triệu, còn bên HV Ngân hàng tầm 6 triệu một năm. Em thực sự rất mong muốn được theo học ĐH Hà Nội vì theo em được biết đây là một môi trường học rất tốt, học chuyên ngành sinh viên được đào tạo tốt về tiếng Anh, thầy cô thân thiện, nhiệt tình, chương trình học khá nặng bắt buộc sinh viên phải thực sự có thái độ học tập nghiêm túc, chăm chỉ, và không có tiêu cực thi cử như một số trường ĐH khác. Nếu gia đình em vay tiền Ngân hàng, và trong khi học em đi làm thêm thì cũng sẽ lo được khoản tiền học phí, nhưng em rất lo về đầu ra, liệu sau này ra có công việc tốt không, có kiếm được tiền để trả nợ đúng thời hạn không, tại vì em thấy có rất nhiều trường đào tạo chuyên ngành Kế toán quá. Em rất mong được hai cô tư vấn cho em về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên chuyên ngành Kế toán của ĐH Hà Nội so với những trường khác ạ. Em cảm ơn nhiều ạ. (Đỗ Thị Lan Anh, 18 tuổi)
- Bà Nguyễn Mai Chi, Trưởng ban Phát triển Kinh doanh cấp cao ACCA Việt Nam:
Chào em, sự phân vân của em cũng là của rất nhiều bạn. Nếu em quyết định học kế toán theo chương trình Sunway Hanu, Đại học Hà Nội thì em sẽ có được chứng chỉ ACCA, là bằng cấp nghề nghiệp chuyên nghiệp được các nhà tuyển dụng và các chuyên gia tài chính - kế toán đánh giá cao. Ở Việt Nam, tất cả các công ty kiểm toán Big4 và các công ty hàng đầu Việt Nam lựa chọn ACCA làm chương trình đào tạo chính thức cho nhân viên của mình. Vì vậy, nếu em có được chứng chỉ này, em sẽ có cơ hội có được việc làm tốt, lương cao trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng. Chúc em có quyết định sáng suốt!
- Chào cô, em cũng là cựu sinh viên khoa pháp trường ĐH Hà Nội, em cũng đã được cô dạy một số môn khi ở trường. Hiện nay em đang làm cho một cty du lịch tại Hà Nội. Từ kinh nghiệm của bản thân cộng với hiểu biết và kinh nghiệm trong quá trình đi làm em thấy giáo trình đào tạo của mình còn quá xa so với nhu cầu thực tế tuyển dụng lao động hiện nay. Hiện nay lao động trong lĩnh vực du lịch có đến trên dưới 50% được đào tạo từ các trường ngoại ngữ, tỷ lệ nhân viên lấy từ ĐH Hà Nội cũng rất cao, tuy nhiên sinh viên mới ra trường cũng gặp khá nhiêu khó khăn khi thực hiện công việc liên quan lĩnh vực này. Thường sau thời gian thử việc 2-3 tháng, có những người lâu hơn, sau đó phải mất đến hàng năm làm việc nữa mới bắt đầu quen với công việc. Như vậy cả doanh nghiệp và người lao động đều gặp khá nhiều khó khăn.
Vậy nhà trường có nên có những liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng giáo trình phù hợp hữu hiệu nhất để sinh viên ra trường dễ dàng hoà nhập và bắt nhanh yêu cầu công việc thực tế hay không?
Cảm ơn cô. (Nguyen Thi Thanh, 36 tuổi, SN 25, Phung Khoang, Trung Van, Ha Noi)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Xin cảm ơn em đã ra trường nhưng vẫn luôn có những ý kiến đóng góp để nhà trường đổi mới chương trình phục vụ các em tốt hơn. Năm nay, trường sẽ xây dựng mới các chương trình cử nhân ngành ngôn ngữ trong đó sẽ có định hướng nghề rõ ràng hơn theo hướng bằng chính - phụ để các em được học thêm các nghề về du lịch, thương mại, quản trị... Ngành tiếng Pháp cũng sẽ đi theo xu hướng này. Nhà trường sắp mở thêm ngành truyền thông doanh nghiệp và đào tạo chứng chỉ trợ lý kế toán liên kết với Viện Đào tạo nghề Quốc gia CNAM của Pháp. Chương trình mới cũng sẽ kết nối chặt chẽ hơn nhà trường với doanh nghiệp để các em có cơ hội thực tập nhiều hơn.

- Con tôi muốn nộp bảng điểm bổ sung cho mình hỏi trường nào nhận nguyện vọng bổ sung cháu nó thi được 21,75 khối A. Xin cám ơn rất nhiều mình ở TP HCM. (Nguyễn thanh Hùng, 48 tuổi)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Anh có thể chờ tới ngày 25/8, sau khi công bố xong điểm xét tuyển đợt 1, các trường còn chỉ tiêu sẽ công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung cho từng ngành. Lúc đó, cháu có thể nộp hồ sơ vào ngành và trường mà cháu thấy phù hợp.
- Tôi có cháu đăng ký xét tuyển Đại học Hà Nội với thứ tự ưu tiên: 1 Quốc tế học, với kết quả xếp hạng 146/182 hồ sơ và 2 Ngôn ngữ Nga (tổng điểm là 26.25 đã nhân hệ số). Xin lời khuyên của cô Hiệu phó. Với 1 trong 2 ngành trên mà cháu rất yêu thích thì cơ hội việc làm của cháu sẽ ra sao nếu được học. Xin cám ơn (Lê Quang Trường, 66 tuổi, Hải Phòng)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương :
Thưa bác, sinh viên học xong ngành Quốc tế học có thể làm tại các cơ quan hợp tác quốc tế của Nhà nước, cơ quan ngoại giao, các đại sứ quán, tổ chức phi Chính phủ, dự án phát triển, cơ quan truyền thông. Sinh viên học ngành ngôn ngữ Nga có thể làm các vị trí công việc như biên dịch, phiên dịch, giảng viên, biên tập viên... Chúc cháu của bác trúng tuyển và học tập tốt!
- Tôi đã tốt nghiệp đại học và hiện nay muốn theo học ngành kế toán. Tôi đã được biết đến chương trình ACCA và hình đung là để theo học ACCA thì rất khó và tốn kém thời gian. Vậy hai cô có thể tư vấn giúp tôi thời gian sớm nhất có thể học xong là bao lâu, hoặc một chương trình kế toán có thể kết thúc trong 1-2 năm và học vào buổi tối? (Lê Hoàng Huy, 26 tuổi)
- Bà Nguyễn Mai Chi, Trưởng ban Phát triển Kinh doanh cấp cao ACCA Việt Nam::
Chào bạn! Chứng chỉ ACCA khó nhưng sẽ không quá khó nếu xác định được động cơ học, quyết tâm và có thái độ học nghiêm túc. Tùy thuộc vào văn bằng đầu vào, điều kiện của mỗi cá nhân và thời gian học, thông thường, thời gian hoàn tất chương trình là khoảng 2 năm. Bạn có thể tự học theo chương trình ACCA - X trực tuyến miễn phí, tự học trên trang web (www.accaglobal.com), theo học tại chương trình Sunway Hanu hoặc các trung tâm đào tạo được ACCA công nhận. Chương trình Sunway Hanu và các trung tâm này đều có lớp học buổi tối và cuối tuần. Mong bạn đăng ký học sớm để được hưởng chương trình ưu đãi, miễn phí đăng ký đầu vào với số lượng có hạn của ACCA. Chúc bạn học và thi tốt!
- Nếu điểm thi đại học 3 môn của em chỉ có 15,5 trên điểm sàn 0,5 điểm thì nên học đại học chính quy không? Hay nên đi theo các trường liên kết? hoặc trường đại học quốc tế? Hiện Đại học Hà Nội có những chương trình liên kết nào và giảng dạy về những chuyên ngành nào ạ? (Minh Thảo, 19 tuổi, Hà Nội)
Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Với điểm 15.5 thì cơ hội học các ngành chính quy tại các trường đại học chính quy lớn không nhiều. Em nên xem xét các chương trình liên kết có đầu vào xét tuyển nhẹ nhàng hơn. Ví dụ như tại Đại học Hà Nội, trường có các chương trình liên kết quốc như Cử nhân Quản trị kinh doanh Tài chính & Marketing của Đại học La Trobe (Australia), cử nhân Kế toán của Oxford Brookes University (Anh), cử nhân quản trị du lịch của IMC Krems (Áo) hoặc 2 chương trình cử nhân học bằng tiếng Anh với Đại học Sannio của Italy là Cử nhân Kinh tế doanh nghiệp và Cử nhân Thống kê và bảo hiểm. Các chương trình này đều giảng dạy tại Đại học Hà Nội nhưng văn bằng là do trường đại học đối tác cấp. Trong quá trình học, các em có thể đi học chuyển tiếp ở nước ngoài.
- Em chào cô, em năm nay vừa thi tốt nghiệp và đại học xong. Bên cạnh việc chọn trường sao cho phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế cũng như sở thích thì em còn có một mối lo thường nhật đó là: học ra có thể tìm được việc làm như mơ ước hay đúng ngành nghề mà mình được đào tạo hay không? Năm nay em đăng kí ngành quản trị kinh doanh của học viện hàng không, tham khảo ý kiến của các anh chị thì rất khó xin việc trong ngành hàng không, em đã rất buồn. Nếu em cố gắng học để có bằng khá giỏi và tiếp tục học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh thì có cơ hội việc làm tốt không ạ? Em cảm ơn cô đã đọc câu hỏi của em. (trần ngọc phương hà, 18 tuổi, 599 núi thành, quận hải châu, đà nẵng)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương :
Em có thể cân nhắc học thạc sĩ quản trị kinh doanh của các trường đại học có uy tín để mở rộng cơ hội việc làm không chỉ trong ngành hàng không. Trường Đại học Hà Nội có liên kết với Đại học La Trobe, một trong top 20 trường tốt nhất của Australia để đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh. Sinh viên vừa có kiến thức quản trị kinh doanh từ một trường đại học danh tiếng và khả năng tiếng Anh giao tiếp và làm việc thành thạo. Các cựu sinh viên của chương trình MBA của La Trobe đều có các cơ hội việc làm tốt trong các doanh nghiệp của Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài.

- Chào các cô, em là học sinh vừa tham gia đợt xét tuyển vào ĐH 2015. Em có một câu hỏi mong nhận được sự tư vấn của các cô như sau: Hiện nay số lượng sinh viên ra trường nhưng không tìm được việc làm phù hợp với ngành mình học rất đông, rất nhiều trong số đó là sinh viên có bằng giỏi và họ cảm thấy mất niềm tin khi đi theo con đường học Đại học. Vậy đâu là nguyên nhân và lời khuyên của các cô trong trường hợp này là gì? Em xin chân thành cảm ơn! (Diêm Đăng Kiên, 18 tuổi, Bắc Giang)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Tìm được việc làm phụ thuộc vào nhiều yếu tố: bằng cấp, kỹ năng mềm, hành vi - thái độ, cơ hội, sự năng động, tính kiên trì... Các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của trường Đại học Hà Nội thường tìm được việc làm ngay. Ví dụ như sinh viên tốt nghiệp loại giỏi các ngành tại khoa quản trị kinh doanh của Đại học Hà Nội đều làm việc tại các công ty lớn như Unilever, KPMG, Ernst & Young, PWC, Inter-Continental Hotel...
- Thưa cô Cúc Phương, liệu sau một năm học tiếng Anh ở trường sinh viên có lên được 5.5 IELTS không ạ? Có cần đi học thêm ở ngoài nữa không ạ? (Vũ Ngân Giang, 25 tuổi, Hà Nội)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Điều này phụ thuộc vào trình độ đầu vào và sự nỗ lực của em trong quá trình học. Có những bạn thi đại học môn tiếng Anh được 6 điểm, sau 6 tháng học tích cực có thể đạt được IELTS 5,5.
- Thưa cô Mai Chi là sinh viên ngoại ngữ em muốn học thêm chứng chỉ ACCA thì cần điều kiện gì để tham gia? (Nguyễn Phương Thảo, 20 tuổi)
- Bà Nguyễn Mai Chi, Trưởng ban Phát triển Kinh doanh cấp cao ACCA Việt Nam:
Chào em, hiện tại, chứng chỉ ACCA đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam, số lượng người học tăng lên rất cao, trong đó có nhiều sinh viên ngoại ngữ như em. Ưu điểm của chứng chỉ này là chương trình học được thiết kế linh hoạt dành cho nhiều người học với những xuất phát điểm khác nhau gồm chương trình nền tảng kế toán (Foundations in Accountancy - FIA) và chương trình kế toán chuyên nghiệp ACCA. ACCA không yêu cầu đầu vào khi em tham gia chương trình FIA. Tuy nhiên, để có thể học hiệu quả, em cần có một số kỹ năng tính toán và tiếng Anh tương đối tốt (mà tiếng Anh là lợi thế của em). Em có thể vào trang web ACCA để có thể tự kiểm tra khả năng toán và tiếng Anh của mình miễn phí trước khi đăng ký học. Việc theo học và hoàn tất chương trình trước khi tốt nghiệp đại học sẽ giúp em trang bị kiến thức chuyên môn vững chắc cũng như kỹ năng làm việc hiệu quả, giúp em có lợi thế cạnh tranh khi tham tuyển dụng vào các công ty kiểm toán cũng như doanh nghiệp nói chung. Cảm ơn câu hỏi thú vị của em và chúc mừng em sẽ nhận được một phần quà đặc biệt của ACCA. Em có thể nhận quà tại phòng 202 - nhà B, Đại học Hà Nội, Thanh Xuân.

- Em chào cô Cúc Phương ạ. Em có một câu hỏi nhờ cô giải quyết giúp ạ.
Trong đợt tuyển sinh lần một, có rất nhiều điểm bất cập cho cả thí sinh lẫn nhà trường tuyển sinh, vậy trường đại học Hà Nội đã có phương án gì để khắc phục trong đợt tuyển sinh tiếp theo chưa ạ. (Đào thị Phương Anh, 18 tuổi, Nghĩa Trụ, Văng Giang, Hưng Yên)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Sau mỗi đợt tuyển sinh các trường đại học và Bộ Giáo dục & Đào tạo đều có tổng kết rút kinh nghiệm. Chắc chắn đợt tuyển sinh năm 2016 sẽ có nhiều đổi mới phù hợp, thuận lợi hơn cho thí sinh và phụ huynh.
- Thưa cô! Các ngành ngôn ngữ và các ngành chuyên ngành có điểm mạnh, điểm yếu nào và cơ hội việc làm của chúng em sẽ khác nhau như thế nào khi theo học các ngành này? (Đào Minh, 19 tuổi, Hà Nội)
Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Đối với trường Đại học Hà Nội, các ngành tiếng là thế mạnh truyền thống của nhà trường. Nhà trường tự hào là trường hàng đầu về đào tạo ngoại ngữ với 14 thứ tiếng khác nhau được giảng dạy tại trường. Khi ra trường, sinh viên các khoa tiếng có thể tự tin làm các công việc như là Biên phiên dịch, giảng dạy Ngôn ngữ, Ngoại giao, v.v
Đối với nhóm các khoa chuyên ngành, điểm mạnh của nhà trường là đã đào tạo các chuyên ngành bằng tiếng Anh từ năm 2002. Trường Đại học Hà Nội là trường Đại học chính quy đầu tiên tại Hà Nội có chương trình chuyên ngành chính quy bằng tiếng Anh. Sinh viên các khoa chuyên ngành có chuyên môn vững, ngoại ngữ tốt nên có khả năng tìm việc và thích ứng với thị trường lao động tốt. HIện nay, rất nhiều các sinh viên Đại học Hà Nội làm tại các công ty, tập đoàn nước ngoài lớn và các cơ quan, bộ ngành Nhà nước cũng như khối tư nhân.
- Em mong các cô chia sẻ dự đoán của các cô về 4 năm sắp tới về thị trường Việt Nam và nhu cầu việc làm sẽ như thế nào ạ? Em gái của em mong muốn học ngành Kinh doanh quốc tế, các cô tư vấn hướng dẫn và giúp định hướng để em gái em học tập và nghiên cứu tốt nhất chuyên ngành này. Em cảm ơn ạ! (Hồ Phương Thảo, 25 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Với xu hướng mở cửa và hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam với khu vực và thế giới trong những năm tới, ngành Kinh doanh quốc tế sẽ là một nghề của tương lai. Chìa khóa để thành công sẽ là kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng thực hành nghề nghiệp tốt và đặc biệt là ngoại ngữ (giao tiếp tốt được với cả 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết). Khi Bộ GD&ĐT yêu cầu ngoại ngữ là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc chính là để chuẩn bị cho thế hệ trẻ Việt Nam mau chóng hội nhập được với khu vực.
- Theo em ngành Marketing là ngành đang cần nhiều nhân sự nhưng không thấy trường có dạy riêng chuyên ngành này. Ngành Quản trị kinh doanh có dạy về marketing không? (Tran thu ha, 18 tuổi)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Hiện nay chương trình của Khoa QTKD-DL của trường ĐH Hà Nội có giảng dạy các học phần liên quan đến marketing nhưng chưa có chuyên ngành marketing. Nếu em quan tâm đến bằng cử nhân với marketing là chuyên ngành chính, em có thể đăng ký học chương trình cử nhân QTKD của ĐH La Trobe giảng dạy tại ĐH Hà Nội với hai chuyên ngành Tài chính và Marketing. Trong chương trình này, em sẽ được học rất nhiều môn học liên quan đến marketing như Nguyên lý marketing, Chiến lược Marketing, Luật, Marketing quốc tế, Xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường…
- Em nộp hồ sơ khoa kế toán Đại học Hà Nội rồi ạ! Rất thấy hứng thú với việc học chuyên ngành bằng tiếng Anh. Nhưng chị em, giờ đang làm cho một công ty kiểm toán nói rằng học bằng tiếng Anh sẽ không sâu như học bằng tiếng mẹ đẻ. Và các công ty trong nước ít nhận bằng kinh tế từ trường ngoại ngữ như Đại học Hà Nội. Em hoang mang quá, có đúng không ạ? (Ngô nguyễn tuấn anh, 18 tuổi)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Chào em! Việc học chuyên ngành kế toán bằng tiếng Anh tại Đại học Hà Nội sẽ cung cấp cho sinh viên kiến thức kế toán chuyên sâu theo chuẩn mực kế toán quốc tế. Ngoài ra trong chương trình học còn bao gồm môn học kế toán Việt Nam học bằng tiếng Việt để bổ trợ cho sinh viên nền tảng ngôn ngữ kế toán tiếng Việt và các đặc thù của hoạt động kế toán Việt Nam. Hiện tại nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán của Khoa Quản trị Kinh doanh và du lịch của Đại học Hà Nội đã và đang làm việc tại các công ty kiểm toán quốc tế và Việt Nam. Nhiều sinh viên ngành kế toán còn học thêm chứng chỉ hành nghề kế toán quốc tế như ACCA tại Sunway Hanu để có thêm nhiều kiến thức chuyên sâu về kế toán để tự tin làm việc trong ngành kế toán và kiểm toán.

- Em thi Đại học Kinh tế quốc dân, điểm của em năm nay chỉ vừa đủ đậu và đang khá bấp bênh do có thông tin ngày cuối nộp hồ sơ có thêm nhiều hồ sơ đổ về. Tuy nhiên em nghĩ là cũng có nhiều bạn lo lắng và rút hồ sơ, vậy khả năng đậu của em vẫn lớn, nên dù lo lắng em vẫn để lại hồ sơ và được gia đình ủng hộ.
Tuy nhiên tính em lo xa nên vẫn muốn back up thêm nhiều lựa chọn. Ngành em muốn học là ngành kiểm toán, thầy cô có thể tư vấn thêm cho em nếu em trượt có nên đi học chứng chỉ bên ngoài vì em sợ chứng chỉ không giá trị bằng tấm bằng đại học, hơn nữa học phí cũng cao so với điệu kiện gia đình em?
Em xin chân thành cám ơn, (Lương Ngọc Anh, 17 tuổi)
- Bà Nguyễn Mai Chi, Trưởng ban Phát triển Kinh doanh cấp cao ACCA Việt Nam:
Chào em, nếu em đam mê lĩnh vực kiểm toán, em có thể theo học chứng chỉ ACCA tại chương trình Sunway Hanu. Em có thể hoàn toàn yên tâm về giá trị bằng cấp và cơ hội nghề nghiệp sau khi hoàn thành chương trình với hai bằng: chứng chỉ nghề nghiệp chuyên nghiệp quốc tế và bằng cử nhân kế toán ứng dụng của Đại học Oxford. Viêc theo học ACCA sớm giúp em trang bị kiến thức chuyên môn vững chắc về kiểm toán, kế toán tài chính cũng như kỹ năng làm việc hiệu quả, giúp em có lợi thế cạnh tranh khi tuyển dụng vào các công ty kiểm toán. Chúc em quyết tâm theo đuổi đam mê của mình! Cảm ơn câu hỏi thú vị của em và chúc mừng em đã nhận được phần quà của chương trình. Em có thể tới phòng 202 - nhà B, Đại học Hà Nội, Thanh Xuân để nhận quà.
- Thưa cô, em năm nay học ngành ngôn ngữ Hàn của ĐH Hà Nội và hướng theo phiên dịch. Em muốn xin được tư vấn về cơ hội việc làm của ngành. Liệu em có cần phải học thêm một nghề nữa không ? Trong quá trình học em cần chú trọng những điều gì ? Mong câu trả lời của cô. Em xin cảm ơn (Thùy Trang, 18 tuổi, Hà Nội)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Các cụ ta xưa có câu "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Em học giỏi thì cơ hội việc làm sẽ lớn, nhất là khi quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc phát triển trong nhiều lĩnh vực. Khi học trong trường, đầu tiên là phải cố gắng để học tiếng thật tốt, tốt đều cả 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Nhưng như vậy chưa đủ, em nên có định hướng nghề sớm để rèn luyện các kỹ năng mềm và bổ sung các kiến thức cho phù hợp. Ví dụ, khi ra trường em muốn trở thành phiên dịch tiếng Hàn thì phải luyện kỹ năng nói trước công chúng, luyện trí nhớ, khả năng ghi chép; nếu muốn làm hướng dẫn viên du lịch thì phải tích lũy thêm nhiều kiến thức văn hoá - xã hội của Việt Nam và có đối chiếu, so sánh với Hàn Quốc và các kỹ năng tác nghiệp của người hướng dẫn viên du lịch... Các thầy, cô của Trường Đại học Hà Nội rất nhiệt tình và thân thiện; khi em vào trường, các thầy, cô sẽ cho em những lời khuyên cụ thể hơn.
- Em muốn theo học ngành tài chính kế toán nhưng em sợ không đủ điểm vào hệ chính quy liệu có các chương trình liên kết tại trường giảng dạy ngành này không? (hà trần, 18 tuổi)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Nếu em quan tâm đến ngành QTKD thì có thể xem xét chương trình học Cử nhân QTKD của ĐH La Trobe giảng dạy tại ĐH Hà Nội từ năm 2003. Chương trình này có 2 majors là Tài chính và Marketing. Chương trình này tuyển sinh liên tục trong năm và khai giảng vào tháng 2 và tháng 8 hàng năm.
Ngoài ra nếu em quan tâm đến chuyên ngành kế toán, em có thể tìm hiểu thông tin về chương trình của Oxford Brooks Unviersity tại ĐH Hà Nội. Em cũng có thể tham gia chương trình đào tạo chứng chỉ ACCA và CFA tại trường. Đây là các chứng chỉ hành nghề tài chính và kế toán chuyên sâu.
- Em đc 31,92 liệu có đỗ được quản trị kinh doanh của ĐH Hà Nội không ạ? Em nghe nói là chương trình đào tạo là chương trình của Australia, có phải không ạ ?
Và 1 câu hỏi nữa là cô có thể cho em biết cơ hội việc làm của ngành này và những vị trí công việc sau này có thể cố gắng làm được ko ạ ? (Bùi Hồng Hải My, 18 tuổi)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Chào em, chương trình liên kết đào tạo của ĐH La Trobe (Australia) với ĐH Hà Nội đã triển khai từ năm 2003. Nếu em có định hướng học chuyên ngành QTKD, em có thể tham khảo thêm thông tin của chương trình cử nhân QTKD do ĐH La Trobe, Australia cấp bằng, giảng dạy tại ĐH Hà Nội. Chương trình đang tuyển sinh cho khóa 26, khai giảng vào ngày 31/8 tuần này và khóa 27, khai giảng tháng 2 năm 2016. Chương trình cử nhân của ĐH La Trobe có định hướng Tài chính và Marketing. Chương trình này có tổng thời gian đào tạo là 3.5 năm và học sinh có thể chuyển tiếp sang du học tại Úc bất kỳ giai đoạn nào của trong chương trình. Trường La Trobe là trong top 20 trường của Australia và trụ sở chính đặt tại thành phố Melbourne, thành phố đã được bình chọn là thành phố đáng sống nhất thế giới trong năm năm liền.
- Điều quan trọng đối với sinh viên là gì? Yếu tố trường đại học có phải là quan trọng nhất! Cơ hội xin việc làm của sinh viên xuất sắc trường không danh tiếng với sinh viên trường danh tiếng vào một công ty chênh lệch như thế nào? (Văn Khoa, 18 tuổi, Quảng Ngãi)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Trường đại học không phải là con đường duy nhất để thành công trong cuộc sống. Nếu em đọc sách về những người thành công trong cuộc sống, dù là người nước ngoài hay người Việt Nam thì đều có những người thành đạt mà không học đại học. Tốt nghiệp một trường danh tiếng có thể giúp sinh viên qua được vòng tuyển chọn hồ sơ dễ dàng nhưng nếu sau đó khi vào làm việc, bản thân sinh viên này không cố gắng học hỏi, tận tụy với công việc thì cũng có nguy cơ mất việc. Các công ty tư nhân thường tuyển dụng, thăng chức, tăng lương cho nhân viên bằng năng lực làm việc thực sự của người đó, bằng cấp chỉ mang tính chất tham khảo. Tương tự như vậy với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của một trường không danh tiếng. Năng lực làm việc thực sự sẽ quyết định thành công của một người.
- Nhà trường có các chương trình trao đổi sinh viên đến các nước không? Nếu em muốn tham gia chương trình trao đổi sang Mỹ, Anh hoặc Australia thì tham gia theo cách nào? (hà trần, 18 tuổi)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Đại học Hà Nội có chương trình chuyển tiếp sang các nước Anh, Australia, New Zealand, và Italy. Sinh viên theo học chương trình 3+1 của Khoa QTKD của ĐH Hà Nội có thể học 3 năm ở Việt Nam và năm cuối chuyển tiếp sang Anh hoặc NZ theo cam kết hợp tác giữa ĐH Hà Nội và ĐH Westminster của Anh và ĐH AUT của NZ.
Các sinh viên có nguyện vọng chuyển tiếp sang Asutralia có thể tham gia chương trình cử nhân QTKD của ĐH La Trobe giảng dạy tại ĐH Hà Nội với cơ hội chuyển tiếp sang Melbourne vào bất kỳ giai đoạn nào của chương trình cử nhân. Melbourne, nơi đặt trụ sở chính của ĐH La Trobe, đã được bình bầu là thành phố đáng sống nhất thế giới trong 5 năm liên tiếp.
- Thưa cô nếu học nghành quản trị kinh doanh sau khi ra trường thì có thể làm việc tại đâu và cơ hội việc làm cao không ạ (vương xuân hiếu, 18 tuổi, lao cai)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Khi học xong ngành Quản trị kinh doanh, các em có thể làm việc tại tất cả các doanh nghiệp với nhiều vị trí công việc khác nhau. Như vậy là cơ hội việc làm rất lớn. Tuy nhiên, để tìm được việc thì ngoài kiến thức ra, em cần phải là người năng động, có tinh thần cầu thị, khả năng làm việc nhóm… Trong quá trình học đại học, em nên tranh thủ đi làm, thực tập, thậm chí là đi làm không lương, vừa làm vừa quan sát rút kinh nghiệm và so sánh với những gì em học được ở trường. Kinh nghiệm này sẽ rất quý cho em khi em đi tìm công việc đầu tiên.
- Thưa cô.với thế hệ tân sinh viên như chúng em sẽ được nhà trường định hướng nghề nghiệp tương lai như thế nào.nhà trường đã và đang có những giúp đỡ cho sinh viên đã tốt nghiệp không? (Nguyễn Thị Uyên, 18 tuổi)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Hiện nay Nhà trường có Phòng Công tác sinh viên là đơn vị kết nối các cựu sinh viên với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Đoàn thanh niên và Hội sinh viên cũng rất tích cực tham gia vào công tác này thông qua các hoạt động hướng nghiệp cho sinh viên đang học. Sắp tới Trường sẽ đổi mới chương trình để tăng cường thêm số giờ thực hành và thực tập để các em có nhiều cơ hội tìm được việc làm hơn.

- Em chào cô,
Cô có thể tư vấn giúp em về cơ hội việc làm của sinh viên tiếng Nga sau khi ra trường cũng như cơ hội được đi du học bên Nga tại đại học Hà Nội được không ạ?.Có nhiều ý kiến khác nhau về việc học ngôn ngữ này nhưng chủ yếu mọi người đều cho rằng: tiếng Nga chỉ hot trong 20 trước còn bây giờ các tiếng như Anh,Hàn,Nhật...sẽ được chuộng hơn và cơ hội tìm việc cao hơn.Em rất băn khoăn về vấn đề này va lo lắng không biết có nên đăng kí nguyện vọng vào trường ĐH Hà Nội khoa ngôn ngữ Nga nữa không.Mong cô giải đáp giúp em ạ.Em cảm ơn cô! (Đỗ Ngọc Linh, 18 tuổi, Thanh Xuân,Hà Nội)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Sau khi học xong ngành Ngôn ngữ Nga của Trường Đại học Hà Nội, các em có thể được tuyển dụng vào các vị trí công việc khác nhau có sử dụng tiếng Nga như: biên-phiên dịch, giảng viên ngoại ngữ, cán bộ quản lí, thư ký, trợ lý, cán bộ đối ngoại trong các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, công ty trong nước và quốc tế có sử dụng tiếng Nga; Nhân viên đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ; Phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo chí, hãng thông tấn; Hướng dẫn viên du lịch... Em cứ cố gắng học thật giỏi, chắc chắn sẽ tìm được việc làm. Ngoài ra còn có cơ hội nhận học bổng để đi học tại Nga. Mỗi năm khoa tiếng Nga của Trường có khoảng 20 suất học bổng từ nhiều nguồn khác nhau như học bổng của chính phủ Việt Nam, học bổng của các trường đại học Nga là đối tác của Trường ĐH Hà Nội.
- Theo em ngành Marketing là ngành đang cần nhiều nhân sự nhưng không thấy trường có dạy riêng chuyên ngành này. Ngành Quản trị kinh doanh có dạy về Marketing không? (Thùy Chi, 18 tuổi, Hà Nội)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng ĐH Hà Nội:
Hiện nay chương trình của Khoa Quản trị kinh doanh - Du lịch của trường Đại học Hà Nội có giảng dạy các học phần liên quan đến Marketing nhưng chưa có chuyên ngành Marketing. Nếu em quan tâm đến bằng cử nhân với Marketing là chuyên ngành chính, em có thể đăng ký học chương trình cử nhân Quản trị kinh doanh Tài chính & Marketing của Đại học La Trobe giảng dạy tại Đại họcHà Nội với hai chuyên ngành Tài chính và Marketing. Trong chương trình này, em sẽ được học rất nhiều môn học liên quan đến Marketing như Nguyên lý Marketing, Chiến lược Marketing, Luật, Marketing quốc tế, Xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường, Hành vi người tiêu dùng
- E chào cô em là một thí sinh năm nay thi đại học. Em đăng kí vào chuyên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. E xin phép hỏi cô về cơ hội việc làm sau này khi học tiếng Trung Quốc được không? Một số người đi trước có nói với em rằng lương khi làm về tiếng Trung khá thấp, có thể nói là thấp nhất trong các ngành ngôn ngữ Anh, Nhật, Hàn. Điều này có đúng không ạ? và nếu e học tiếng Trung thì e có được học bằng kép tiếng Hàn tại Đại học Hà Nội không ạ? Em cảm ơn cô. (Nguyễn Thu Phương, 18 tuổi, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Lương thấp hay cao phụ thuộc vào năng lực và vị trí công việc. Khi em học tiếng Trung ở Trường Đại học Hà Nội, sau năm thứ nhất, nếu em có điểm trung bình chung học tập là 7,0 thì em được quyền đăng ký học thêm một trong 15 ngành đào tạo khác của Trường theo chương trình học cùng lúc hai chương trình. Em có thể chọn tiếng Hàn, tiếng Nhật hoặc Quản trị kinh doanh nếu tiếng Anh của em đạt yêu cầu.
- Cho em hỏi về cơ hội việc làm của sinh viên khi học tiếng hiếm như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy ạ? (Phạm Thu Trang, 18 tuổi)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
"Tiếng hiếm" đôi khi lại là cơ hội tìm việc em ạ vì ít người sử dụng được tiếng này. Ngoài nghề biên-phiên dịch, em có thể làm hướng dẫn viên du lịch, nhân viên tiếp thị cho các công ty du lịch, chuyên viên đối ngoại tại các cơ quan nhà nước hoặc nhân viên của các công ty viễn thông đang mở thị trường tại các nước có nói tiếng Bồ Đào Nha. Nếu em học tiếng Italia, em có nhiều cơ hội chuyển tiếp sang học 1 học kỳ hoặc 1 năm tại Italy với các định hướng nghề như truyền thông, kinh tế, quản trị, thương mại... Trường Đại học Hà Nội có hợp tác với gần 30 trường đại học lớn của Italy nên trung bình hàng năm có khoảng 50% sinh viên của Khoa Ngôn ngữ Italia đi học chuyển tiếp tại quốc gia này.
- Học ngành Quản trị kinh doanh ra sẽ làm những công việc gì? Em sẽ học những môn gì khi theo học quản trị kinh doanh thưa cô? (Thanh Thúy, 19 tuổi, Hà Nội)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương::
Ngành Quản trị kinh doanh trang bị cho em các kiến thức nền tảng về việc quản trị doanh nghiệp, bao gồm các mảng như quản trị chiến lược, nhân sự, hành vi tổ chức, lãnh đạo, marketing, tài chính và kế toán. Tại trường Đại học Hà Nội, bẳng cử nhân Quản trị kinh doanhcó chuyên ngành hẹp là Quản trị tài chính. Chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, em có thể tham khảo thêm chương trình liên kết quốc tế giữa Đại học La Trobe và Đại học Hà Nội. Chương trình Cử nhân Quản trị kinh doanh Tài chính & Marketing của Đại học La Trobe giảng dạy tại Đại học Hà Nội từ năm 2003. Chương trình đào tạo chuyên sâu 2 chuyên ngành là Tài chính và Marketing. Tại đây, em sẽ được tìm hiểu rất nhiều về các nghiệp vụ Kế Toán. Phân tích Tài chính, Quản trị rủi ro tài chính, Đầu tư tài chính
- Hiện nay, các trường chính quy lớn đều có các chương trình liên kết với các trường đại học nước ngoài. Đại học Hà Nội có các chương trình liên kết quốc tế không? Liệu học những chương trình này, cơ hội việc làm có tốt và nhiều không? (Thùy Trâm, 20 tuổi, Hà Nội)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Trường Đại học Hà Nội đã phát triển các chương trình liên kết đào tạo với nhiều trường Đại học có uy tín trên thế giới. Các chương trình bao gồm Cử nhân Quản trị kinh doanh Tài chính & Marketing của Đại học La Trobe (Úc), cử nhân Kế toán của Oxford Brookes University (Anh), cử nhân quản trị du lịch của IMC Krems (Áo) hoặc 2 chương trình cử nhân học bằng tiếng Anh với Đại học Sannio của Italy là Cử nhân Kinh tế doanh nghiệp và Cử nhân Thống kê và bảo hiểm... Các chương trình này đều giảng dạy tại Đại học Hà Nội nhưng văn bằng là do trường Đại học đối tác cấp.
Học viên khi tham gia học các chương trình này được đào tạo theo chuẩn nước ngoài, được học chuyên ngành bằng tiếng Anh nên trình độ tiếng Anh rất tốt. Bên cạnh đó nhiều chương trình có hỗ trợ thực tập cho sinh viên năm cuối nên sinh viên rất tự tin khi ra trường và thường thì nhanh chóng tìm được công việc phù hợp với mức lương tốt.
- Cô Phương ơi, cho tôi hỏi con tôi được IELTS 6.0 vừa thi đại học được 33 điểm (tiếng Anh nhân đôi) và trúng vào ngành Ngôn ngữ Anh của một trường. Nếu cháu muốn vào khóa 27 khóa liên kết với Đại học Trober thì có được không và phải làm những thủ tục gì? Cảm ơn cô với nhiều câu trả lời rất thiết thực. Trân trọng. (Lê Hương, 47 tuổi, 41 Bà Triệu - Hà Nội.)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Với điểm IELTS 6.0 cháu có thể nhập học ngay vào chương trình quản trị kinh doanh của Đại học La Trobe vào kỳ tháng 8 năm nay. Sinh viên sẽ vào học vào ngày 31/8. Mời bác liên hệ với văn phòng La Trobe theo số điện thoại 0435541796 để được tư vấn và mua hồ sơ nhập học. Chúc cháu thành công!
- Chào quý trường, năm nay tôi có con thi đại học, tôi xin hỏi những ngành đào tạo nào sinh viên có thể học chuyển tiếp sang nước khác hoặc học giao lưu chuyển đổi với nước khác? Xin cảm ơn. (hà trần, 18 tuổi)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Đại học Hà Nội có chương trình chuyển tiếp sang các nước Anh, Australia, New Zealand, và Italy. Sinh viên theo học chương trình 3+1 của Khoa QTKD của ĐH Hà Nội có thể học 3 năm ở Việt Nam và năm cuối chuyển tiếp sang Anh hoặc NZ theo cam kết hợp tác giữa ĐH Hà Nội và ĐH Westminster của Anh và ĐH AUT của NZ.
Các sinh viên có nguyện vọng chuyển tiếp sang Úc có thể tham gia chương trình cử nhân QTKD của ĐH La Trobe giảng dạy tại ĐH Hà Nội với cơ hội chuyển tiếp sang Melbourne vào bất kỳ giai đoạn nào của chương trình cử nhân. Melbourne, nơi đặt trụ sở chính của ĐH La Trobe, đã được bình bầu là thành phố đáng sống nhất thế giới trong 5 năm liên tiếp.
Các ngành ngôn ngữ Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc… cũng có chương trình học chuyển tiếp 1 học kỳ hoặc một năm với các trường đối tác của Trường Đại học Hà Nội. Hiện nhà trường có hợp tác với rất nhiều trường đại học trên thế giới nên cơ hội đi học chuyển tiếp của các cháu rất nhiều.
- Cô ơi cho em hỏi ngành công nghệ phần mềm cơ hội việc làm có rộng mở không? (Nguyễn Xuân Hùng, 18 tuổi, Tân Thanh-Lạng Giang-Bắc Giang)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Trường Đại học Hà Nội có đào tạo ngành CNTT, giảng dạy bằng tiếng Anh. Đây là ngành của tương lai vì ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Giỏi chuyên môn và thành thạo ngoại ngữ sẽ giúp các em tiếp cận với thị trường lao động khu vực được nhanh hơn; khối ASEAN rất cần nguồn lao động chất lượng cao, nói được tiếng Anh.
- Em đang tìm hiểu về chương trình liên kết quốc tế tại ĐH Hà Nội. Em muốn hỏi khi học chương trình này, bằng cử nhân được cấp là do trường ĐH Hà Nội hay các trường liên kết cấp? (hà trần, 18 tuổi)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Các chương trình liên kết đào tạo như Cử nhân QTKD (của ĐH La Trobe Australia), Cử nhân Kế toán của Oxford Brookes University (Anh), Cử nhân quản trị du lịch của IMC Krems (Áo), Cử nhân Kinh tế Doanh nghiệp hay Cử nhân Khoa học thống kê và bảo hiểm (Italy) đều giảng dạy tại ĐH Hà Nội nhưng văn bằng là do trường ĐH đối tác cấp.
- Cho tôi hỏi học xong chương trình ACCA toàn thời gian sẽ nhận được hai bằng là chứng chỉ ACCA và cử nhân danh dự kế toán ứng dụng? Sao lại gọi là bằng danh dự? Như vậy bằng này chỉ có ghi danh thôi chứ không có giá trị về chuyên môn hay sao? Chương trình này đã được bộ giáo dục đào tạo cấp phép chưa? Tôi xin cảm ơn. (Nguyễn Thị Thanh Hương, 57 tuổi, 7B tập thể 116 Tân triều-Thanh TRì -HN)
- Bà Nguyễn Mai Chi, Trưởng ban Phát triển Kinh doanh cấp cao ACCA Việt Nam::
Chào bạn! Bằng cử nhân danh dự kế toán ứng dụng của Đại học Oxford Brookes là chương trình liên kết giữa ACCA và Đại học Oxford Brookes - một trong những đại học hàng đầu của Anh. Đại học Oxford Brookes gọi là bằng danh dự vì đánh giá cao chất lượng chuyên môn của chương trình này. Văn bằng này có giá trị chuyên môn tương đương với các bằng cử nhân khác của trường và được thừa nhận rộng rãi toàn cầu. Chương trình này được Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận. Cảm ơn bạn!
- Em có tìm hiểu và biết đến chương trình Cử nhân Quản trị kinh doanh Tài chính
& Marketing liên kết giữa đại học Hà Nội và đại học La Trobe của Australia. Cô cho em hỏi chương trình này có tốt hay không? Ra trường em có nhiều cơ hội việc làm không? (Minh Vu, 19 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Chất lượng của chương trình Cử nhân Quản trị kinh doanh Tài chính & Marketing của Đại học La Trobe đã được khẳng định qua hơn 12 năm đào tạo với 26 khóa, với hơn 1.000 sinh viên đã tốt nghiệp. Điều đặc biệt của chương trình này là các em được học song song hai chuyên ngành tài chính và marketing, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Như vậy khi ra trường cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn.
- Em tốt nghiệp ĐH Hà Nội khoa tiếng Pháp, tuy nhiên chỉ học chuyên về ngoại ngữ nên em muốn học thêm một văn bằng 2 về truyền thông, marketting hoặc quản lý. Em nghe nói khoa Pháp Hanu có dạy về truyền thông nhưng chỉ dành cho các em sinh viên đang theo học đúng không ạ? (Bùi Thị Thùy Linh, 24 tuổi)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Trường Đại học Hà Nội đang ở giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để mở ngành Truyền thông Doanh nghiệp dạy bằng tiếng Pháp. Dự tính sẽ dạy chương trình chính quy bắt đầu từ năm học 2016-2017 và chương trình song ngành (học cùng lúc hai chương trình) cho sinh viên Khoa tiếng Pháp của Trường (nếu sinh viên có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện). Hiện Trường chưa có kế hoạch dạy văn bằng 2 của chương trình này.
- Em có ý định học kế toán, kiểm toán và mong muốn sau khi ra trường làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài. Em muốn xin tư vấn chọn chương trình học ạ! (Trịnh Hạnh Lê, 18 tuổi)
- Bà Nguyễn Mai Chi, Trưởng ban phát triển Kinh doanh cấp cao ACCA Việt Nam::
Chào em, nếu em quan tâm đến học kế toán - kiểm toán và mong muốn làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài khi ra trường thì chương trình ACCA là lựa chọn dành cho em. Chứng chỉ này có lịch sử hơn 100 năm phát triển, hiện có 460.000 học viên, 180.000 hội viên và 7.200 doanh nghiệp đối tác tại 183 nước trên thế giới. Với sự thừa nhận về chuyên môn và giá trị thực tiễn, chứng chỉ này được coi là "tấm hộ chiếu" giúp bạn mở cánh cửa cơ hội phát triển nghề nghiệp không chỉ tại các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác nhau. Cảm ơn câu hỏi của em và chúc mừng em đã nhận được một phần quà thú vị của ACCA. Em có thể tới phòng 202 - nhà B, Đại học Hà Nội, Thanh Xuân, để nhận quà.

- Em rất muốn nghe lời khuyên từ chuyên gia. Em vừa đăng ký xét tuyển vào đại học thương mại với số điểm 22.5 nhưng nguy cơ trượt ngành em đăng kí rất cao. Giờ em cũng không muốn chạy theo cuộc đua rút nộp hồ sơ đại học nữa. Em muốn tìm cho mình con đường khác ngoài cách vào đại học. Cô có thể tư vấn giúp em nên học nghề gì phù hợp với nữ để ổn định cuộc sống sau này. Em cảm ơn cô rất nhiều (nguyễn thanh xuân, 18 tuổi, nội đồng-đại thịnh-mê linh-hà nội)
- Bà Nguyễn Thị Cúc Phương:
Có rất nhiều nghề phù hợp với nữ giới, quan trọng là em thích nghề gì và xem xét tính cách của mình có phù hợp với nghề đó không. Có những nghề hướng ngoại, cần giao tiếp với cộng đồng nhưng có những nghề hướng nội mà bản thân người làm nghề không cần giao tiếp nhiều với người khác. Làm nghề nào mà chịu khó tìm tòi, học hỏi để cải tiến không ngừng thì cơ hội thành công sẽ lớn. Em có thể thử nghiệm với lĩnh vực ẩm thực, may mặc hoặc thẩm mỹ… tuỳ theo sở thích và thiên hướng của mình. Một số người không coi trọng nghề “chân tay” nhưng cô quan niệm nghề gì mang lại thu nhập cho mình một cách chân chính, ổn định, phục vụ được cộng đồng thì đều quý cả. Em thử quan sát, tìm hiểu xem tại sao một số cửa hàng như hàng phở, hàng xôi, cửa hàng thợ may hoặc tiệm làm tóc rất đông khách, mang lại thu nhập tốt và ổn định cho gia đình? Bí quyết của các chủ cửa hàng này là gì? Chúc em chọn lựa được một nghề phù hợp và quyết tâm theo đuổi đam mê của mình!
Do thời gian có hạn mà câu hỏi độc giả gửi về chương trình xin tư vấn còn rất nhiều nên độc giả có câu hỏi có thể gửi về hòm thư điện tử latrobe@hanu.edu.vn
VnExpress