Những quốc gia ủng hộ quyết định bầu cử sớm của chính phủ bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và các nước thành viên EU, Bangkok Post dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Towichakchaikul hôm nay cho biết.
"Các quốc gia trên ủng hộ nỗ lực giải quyết xung đột chính trị hiện thời tại Thái Lan bằng phương pháp hòa bình, căn cứ theo cơ chế dân chủ và hiến pháp", ông Surapong nói.
Hội đồng nhà nước Thái Lan, cơ quan pháp lý của chính phủ nước này, cũng khẳng định rằng việc hoãn cuộc bầu cử sắp tới là trái với hiến pháp hiện hành, bởi theo quy định phải tổ chức một cuộc bầu cử trong vòng 60 ngày sau khi giải tán quốc hội.
Theo cơ quan trên, cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan đã được ấn định vào ngày 2/2/2014 bằng một sắc lệnh của Hoàng gia, do vậy, cũng không thể thay đổi được sắc lệnh này để tổ chức cuộc bầu cử muộn hơn.
Trước đó, thủ lĩnh phe biểu tình Suthep Thaugsuban tự phong mình làm tổng thư ký của Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân Thái Lan (PDRC) và tuyên bố sẽ làm mọi cách để ngăn chặn bầu cử sớm và tiếp tục kế hoạch thiết lập "Hội đồng Nhân dân".
Ông Suthep hôm qua cũng cho biết, ông và các lãnh đạo PDRC sẽ không tham dự hội nghị về cải cách chính trị do chính phủ tổ chức, diễn ra vào ngày mai, với lý do chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã chuẩn bị trước một thông cáo tổng kết hội nghị mang nội dung ủng hộ cuộc tổng tuyển cử.
Bộ trưởng Surapong cho hay, quyết định trên chứng tỏ ông Suthep và phe biểu tình không biết lắng nghe suy nghĩ của người khác và ý tưởng thành lập một chính phủ không thông qua cơ chế bầu cử dân chủ của PDRC sẽ làm tổn hại đến uy tín quốc tế của Thái Lan.
Thủ tướng Yingluck hôm 9/12 tuyên bố giải tán quốc hội và bầu cử sớm, nhằm giải quyết mâu thuẫn chính trị dai dẳng tại Thái Lan nhiều tuần qua. Cuộc tổng tuyển cử dự kiến tiêu tốn khoảng 3,8 tỷ baht, tăng 400 triệu baht so với cuộc bầu cử năm 2011 vì số lượng cử tri tăng lên. Hiện có khoảng 48 triệu người Thái Lan có đủ tư cách tham gia bỏ phiếu.
Đức Dương