Chiều 25/12, TS Nguyễn Đăng Quang, Trưởng phòng Dự báo số và viễn thám, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, chia sẻ về cơn bão Tembin.
Video: Trần Quang
- Thưa ông, cơn bão số 16 Tembin có gì đặc biệt so với các cơn bão khác?
- Trong 40 năm trở lại đây chưa khi nào số lượng cơn bão ở biển Đông lại nhiều như năm nay, tới 16 cơn. Về cường độ và thời gian xuất hiện của bão, cũng trong 40 năm qua chưa năm nào xuất hiện cơn bão vào những ngày cuối cùng của năm mà có cường độ mạnh như Tembin.
Số liệu quan trắc của chúng tôi ghi nhận được, khi vào quần đảo Trường Sa, bão đạt sức gió cấp 11, giật cấp 14; tại nhà giàn DK1, gió đạt cấp 13, giật cấp 15. So sánh cường độ bão trên biển Đông, Tembin này còn mạnh hơn cả bão Linda tháng 11/1997 - cơn bão gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Nam Bộ với gần 3.000 người chết và mất tích.
- Điều nguy hiểm nhất của bão Tembin là gì?
- Bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp trên một khu vực rộng, trên biển nhiều hoạt động đánh bắt hải sản, trên đất liền địa hình tương đối bằng phẳng, và nguy hiểm hơn là Nam Bộ ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Sau Linda 1997, khu vực chỉ có một cơn bão mạnh cấp 9, đổ bộ Bến Tre - Trà Vinh ngày 4/12/2006.
Vì thế, kinh nghiệm ứng phó với bão mạnh của người dân đã bị mai một, lãng quên. Thậm chí nhiều người trẻ tuổi chưa hình dung bão cấp 9-10 sẽ mạnh và có thể thiệt hại như thế nào. Trong mô tả ảnh hưởng của bão thì bão cấp 9-10 gây ra sóng lớn gió mạnh trên biển, làm đổ cây cối, nhà cửa, cột điện.
- Đến lúc này, diễn biến của bão có thay đổi gì so với dự báo 48 giờ trước đó?
- Cách đây 2-3 ngày, chúng tôi đã nhận định bão sẽ tăng dần cường độ từ khi thoát khỏi đảo Palawan (Philiippines), bão mạnh nhất khi tới khu vực quần đảo Trường Sa. Sau đó gặp vùng biển lạnh, không được tiếp thêm năng lượng, cường độ bão hiện giảm so với 24 giờ trước đây.
Lúc 16h hôm nay, tâm bão cách Côn Đảo khoảng 200 km về phía đông, sức gió mạnh 100 km/giờ (cấp 10). Khi ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền, nhiều khả năng bão giảm cường độ và chỉ còn đạt cấp 8-9.
Hai điểm lưu ý khác đó là bão đã dịch chuyển dần xuống phía Nam hơn và thời điểm bão ảnh hưởng trực tiếp đất liền cũng sẽ muộn hơn so với nhận định 24 giờ trước đây. Dự báo mới nhất của chúng tôi cho rằng bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Nam Bộ vào đêm nay và sáng mai.
- Bão có thể gây ra những hệ quả gì?
- Từ chiều nay, vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần từ cấp 6 lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9. Trên đất liền các tỉnh TiềnGiang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió cấp 6, giật tăng hai cấp. Các khu vực khác thuộc Nam Bộ có gió giật cấp 7.
Thời điểm bão ảnh hưởng trực tiếp đất liền khả năng thủy triều và sóng biển dâng cao 3-5 m, một số tỉnh ven biển Nam Bộ đối diện nguy cơ ngập lụt và nước biển dâng.
Bão gây mưa ở Nam Bộ từ chiều 25/12, với tổng lượng mưa trên 50 mm trong 24 giờ. Từ đêm nay, Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to, khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm mai, mưa to có thể mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.
- Ông có điều gì nhắn nhủ với người dân trong công tác phòng chống bão?
- Bão ít khi vào Nam Bộ, nên ký ức về bão và kỹ năng phòng chống của bà con nơi đây cũng đã bị mai một đi ít nhiều. Do vậy cách phòng chống tốt nhất hiện nay là bên cạnh việc cập nhật bản tin dự báo từ đài báo thì bà con nên thực hiện theo sự chỉ đạo trực tiếp của cán bộ phòng chống thiên tai ở địa phương để giảm thiểu thiệt hại.
Sáng 21/12, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía đông Philippines đã mạnh lên thành bão, tên quốc tế là Tembin. Ngày 22-23/12, bão hoành ở Philippines làm gần 240 người chết, chủ yếu do lũ và sạt lở đất. Vào biển Đông vào tối 23/12, bão được tiếp thêm năng lượng, mạnh gần cấp 12, giật tới cấp 14 khi ở vùng biển quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Tròn 20 năm trước, bão Linda đổ bộ với cường độ cấp 10, gây thiệt hại cho 21 tỉnh thành Nam Bộ, làm khoảng 3.000 người chết và mất tích. Đây là cơn bão thảm khốc nhất miền Nam Việt Nam trong ít nhất 100 năm. Đầu tháng 11/2017, nhiều tỉnh thành đã tổ chức lễ tưởng nhớ những người thiệt mạng trong bão |