Thông tin được nêu trong hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì.
Tại cuộc họp, thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, WHO ước tính, năm 2022 Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao. Gần 4.000 bệnh nhân bị lao đa kháng thuốc, cao hơn ba năm trước đó. Số người mắc bệnh lao tử vong ở các năm thường cao gấp đôi so với người chết vì tai nạn giao thông.
Đặc biệt, số bệnh nhân phát hiện, điều trị và được báo cáo hàng năm chỉ chiếm khoảng 60%. "Nguy hiểm hơn khi có khoảng 40% ca lao lẫn trong cộng đồng chưa được phát hiện nên là nguyên nhân chính gây ra lây lan bệnh", thứ trưởng nói.
So với miền Bắc và miền Trung, dịch tễ lao tại miền Nam nặng nề hơn. Tại một số tỉnh khu vực Tây Nam bộ như An Giang, Cần Thơ, số ca được phát hiện khoảng 400-500/100.000 dân - tỷ lệ mắc lao trên dân số được cho là cao.
Nguyên nhân khiến bệnh lao đang trở thành gánh nặng là do trong hai năm đại dịch Covid-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019. Việt Nam thời điểm ấy là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao nhất toàn cầu. Từ năm 2022, khi dịch được khống chế, hoạt động phòng chống lao hồi phục, số bệnh nhân được phát hiện và điều trị cao hơn.
Ngoài ra, theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Đinh Văn Lượng, 12/63 tỉnh, thành chưa có bệnh viện lao, dẫn đến thiếu nhân sự chuyên trách. Trong khi đó, mô hình y tế tuyến huyện chưa đồng nhất gây khó khăn khi thanh toán thuốc lao và các dịch vụ khám bệnh lao từ bảo hiểm y tế.
Ông Lượng còn cho rằng, cán bộ y tế chuyên ngành lao rất thiếu, chế độ chính sách hạn chế, trong khi kinh phí viện trợ quốc tế cho bệnh lao có xu hướng giảm dần. "Mặt khác, nhận thức của người dân về bệnh lao đã có tiến bộ nhưng còn sai lệch, chưa đầy đủ. Đa số bệnh nhân là người nghèo, luôn bị kỳ thị và mặc cảm", ông Lượng nói.
Nhằm ngăn bệnh lây lan, Chương trình Chống lao quốc gia đang triển khai các can thiệp toàn diện để tăng cường phát hiện sớm, nhất là trong những nhóm có nguy cơ cao như phạm nhân, người cao tuổi, trẻ em, người nhiễm HIV. Đồng thời, các đơn vị cũng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, phác đồ điều trị mới nhất để chữa trị cho bệnh nhân.
Kết luận, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế trong thời gian tới cần ban hành hướng dẫn chuyên môn về dự phòng, điều trị bệnh lao từ tuyến cơ sở đến trung ương. Phó thủ tướng thấy đây là căn cứ để phân công nhiệm vụ, xác định nhu cầu nhân lực nhằm kiện toàn bộ máy chống lao xuyên suốt.
Về nguồn lực tài chính, Phí thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu phương pháp, quy chuẩn, đơn giá xét nghiệm, phác đồ điều trị để làm căn cứ thanh toán bảo hiểm y tế hoặc bố trí từ ngân sách Nhà nước.
"Bộ Y tế phải phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu phương án chi trả chi phí xét nghiệm bệnh lao cũng như bao phủ bảo hiểm y tế cho mọi bệnh nhân lao. Các đơn vị cũng cần đấu thầu tập trung để đảm bảo đủ thuốc, vật tư", Phó thủ tướng nói.
Một nhiệm vụ ông Hà đưa ra cho Bộ Y tế là chuẩn bị nhân lực, thiết bị để điều tra toàn quốc về tình hình bệnh lao trong năm 2025 để có kiến nghị về giải pháp kịp thời. Khi đó, các đơn vị sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ xét nghiệm nhanh về bệnh lao, kết hợp với y học cổ truyền. Phó thủ tướng còn yêu cầu nghiên cứu, phát triển ứng dụng (app) dành cho bệnh nhân lao.