Theo nghiên cứu của UOB, trung bình 10 công ty Việt, có 9 đơn vị đang tìm cách mở rộng kinh doanh toàn cầu trong ba năm tới. Họ kỳ vọng vừa có thể tăng doanh thu, vừa củng cố thương hiệu với tư cách doanh nghiệp quốc tế.
Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư ghi nhận, 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư quốc tế (vốn mới lẫn vốn điều chỉnh) của Việt Nam đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.
Theo bà Tiêu Yến Trinh - CEO công ty tư vấn nhân sự Talentnet: "Rất nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư đổi mới, sáng tạo. Nỗ lực này không chỉ giúp họ duy trì hoạt động trong thời đại công nghệ số, mà còn là bước chạy đà mở rộng hệ sinh thái, vươn ra biển lớn". Trước đó, bà từng hỗ trợ nhiều đối tác chinh phục thị trường quốc tế.
Bà Yến Trinh chỉ ra bốn yếu tố cần và đủ để doanh nghiệp trong nước vững vàng tiếp cận thị trường mới. Đầu tiên là sản phẩm độc đáo, khác biệt, đáp ứng nhu cầu người dùng. Tiếp đến là chiến lược tiếp thị - bán hàng, xác định khách hàng mục tiêu, phương pháp tiếp cận lẫn đối tác phân phối tiềm năng.
Thứ ba là dòng vốn ổn định, giúp công ty duy trì hoạt động 2-3 năm, kể cả trong tình huống xấu nhất. Cuối cùng là con người - vị trí, kỹ năng cần thiết để bồi đắp văn hóa doanh nghiệp, thiết lập giá trị độc nhất chỉ đơn vị cung cấp tại thị trường mới.
"Đa phần doanh nghiệp chú trọng sản phẩm, chiến lược tiếp thị vì dễ gây ấn tượng với thị trường mới", bà Tiêu Yến Trinh tiết lộ. Tuy nhiên, lãnh đạo không nên coi nhẹ con người vì yếu tố này định đoạt sức bền của công ty. Muốn hòa nhập mà không chuẩn bị kỹ lưỡng, dễ phát sinh vấn đề không mong muốn.
Bà Yến Trinh lấy ví dụ, trước khi ra "biển lớn", doanh nghiệp nên có cấu trúc, mô hình nhân sự chuẩn chỉnh giữa các phòng ban, từng cấp bậc, vị trí. Nó không chỉ giúp đơn vị nhanh chóng thiết lập tổ chức mới, mà còn có chiến lược nguồn lực hợp lý - tận dụng nhân viên nội bộ hoặc vay mượn nhân tài nơi khác.
Mỗi quốc gia sẽ tồn tại khác biệt nhất định về pháp lý, thuế, quy định sử dụng lao động... Do đó, các công ty cần trang bị hệ thống tính lương chính xác, đảm bảo tuân thủ yêu cầu của nước sở tại.
"Trường hợp đơn vị tuyển dụng, quản lý nhân sự nước ngoài lẫn địa phương, hệ thống tính lương phải đủ mạnh để tập hợp, theo dõi dữ liệu nhân viên đồng bộ, thậm chí có thể tích hợp nhiều hệ thống... đảm bảo tính nhất quán giữa lương và khoản tài chính khác, từ đó quản lý dòng vốn hiệu quả", bà lý giải.
Theo nữ CEO, nhiều doanh nghiệp quan niệm khâu tính lương đặc thù, cần kín đáo và không thể thuê ngoài. Tuy nhiên với hệ thống bảo mật cao nhất cùng quy trình chuẩn hóa đảm bảo độ chính xác, các đơn vị ngoài có thể giúp doanh nghiệp sản sẻ một phần gánh nặng, tập trung cho hoạt động cốt lõi, tăng lợi nhuận.
"Với dịch vụ tính lương Talentnet, doanh nghiệp có thể tinh chỉnh theo nhu cầu. Khâu quản lý nhân sự, lương được tích hợp vào hệ thống hoàn chỉnh, hỗ trợ tạo báo cáo tổng hợp, cung cấp cho doanh nghiệp cái nhìn tổng quan về chi phí nhân sự nhanh nhất", bà Tiêu Yến Trinh nói thêm.
Vạn Phát