Năm 1964, cả nước Mỹ chấn động vì vụ án mạng của Kitty Genovese, nữ quản lý quán bar 28 tuổi tại quận Queens, thành phố New York.
Khoảng 3h ngày 13/3/1964, Genovese bị Winston Moseley, 29 tuổi, tấn công trước khu chung cư sau khi kết thúc ca làm việc. Moseley bám theo Genovese từ chỗ đỗ xe và đâm hai phát vào lưng nạn nhân.
Tiếng hét của Genovese làm hàng xóm sực tỉnh. Một người mở cửa sổ ra quát khiến Moseley hoảng sợ bỏ chạy. Nhưng một lúc sau, Moseley quay lại khi Genovese lết tới gần cửa vào khu chung cư. Hắn tiếp tục tấn công và xâm hại cô ngay dưới chân cầu thang.
Tại thời điểm Genovese bị sát hại, nước Mỹ chưa có đường dây báo tin khẩn cấp 911. Để được giúp đỡ, người dân phải trực tiếp quay số đồn cảnh sát gần nhất hoặc yêu cầu người trực tổng đài chuyển số.
Cái chết của Genovese khiến người dân nhận ra sự cần thiết có hệ thống báo tin khẩn cấp duy nhất. Ba năm sau, năm 1967, Ủy ban Chấp pháp và Tư pháp của tổng thống Lyndon Johnson ra báo cáo tái khẳng định nhu cầu trên.
Sau đó, Ủy ban thương mại liên bang Mỹ hợp tác với công ty truyền thông AT&T để chọn số 911 làm số điện thoại cho đường dây khẩn cấp. Tháng 2/1968, cuộc gọi 911 đầu tiên được thực hiện tại bang Alabama.
Sự ra đời của đường dây 911 là cuộc cách mạng trong cách người dân báo tin khẩn cấp. Nhưng sau đó, nước Mỹ xảy ra một số bi kịch khác làm bộc lộ khiếm khuyết trong hệ thống và dẫn đến những thay đổi mới.
Tháng 8/1989, Maria Navarro đang mừng tiệc sinh nhật 27 tuổi tại nhà riêng ở hạt Los Angeles, bang California thì được anh rể gọi điện cho biết chồng Maria đang qua đó để giết cô. Vợ chồng Maria khi ấy đang trải qua cuộc ly hôn căng thẳng. Maria từng phải xin lệnh cấm tiếp xúc với chồng.
Nhưng khi Maria trình bày sự việc, điều phối viên 911 từ chối giúp vì "không thể nào cử một đơn vị ngồi chờ anh ta xuất hiện được". Chỉ vài phút sau, chồng Maria cầm súng lẻn vào trong nhà bắn chết vợ. Vụ tấn công còn làm ba người chết và hai người bị thương.
Chưa đầy một năm sau, các con của Maria khởi kiện hạt Los Angeles vì cho rằng mẹ không được bảo vệ đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, đơn kiện bị bác bỏ vì cuộc gọi của Maria không được cho là tình huống khẩn cấp nguy hiểm tới tính mạng.
Theo thẩm phán, các vụ bạo lực gia đình hiếm khi dẫn tới thương tích nghiêm trọng nên không thể nhận được sự chú ý như các tình huống khẩn cấp khác. Phán quyết trên được giữ nguyên trong nhiều năm cho tới năm 1999, khi thẩm phán khác rà soát lại vụ án.
Vụ án khiến nhà chức trách nhận ra cần thay đổi cách điều phối viên 911 xử lý tin báo bạo lực gia đình. Các chương trình đào tạo điều phối viên bắt đầu phân tích cuộc gọi của Maria để tìm ra những cơ hội có thể cứu sống nạn nhân nhưng bị bỏ lỡ.
Chẳng hạn, dù cho rằng chồng Maria không phải mối nguy cận kề, điều phối viên vẫn có thể phát thông tin tới cảnh sát trong khu vực. Như vậy, cảnh sát có thể ngăn chặn kẻ cầm súng có đặc điểm trùng khớp.
Hệ thống 911 một lần nữa thay đổi sau cái chết của Denise Lee tại thành phố North Port, bang Florida vào năm 2008.
Tháng 1/2008, Lee đang cắt tóc cho con nhỏ ở sân sau nhà thì bị Michael King dùng súng ép lên xe. Trên đường bị chở đi, Lee bí mật lấy được điện thoại của King và gọi 911. Trong lúc cuộc gọi vẫn kết nối, Lee vờ hỏi chuyện King để khai thác thông tin cho điều phối viên 911 ở đầu dây bên kia. Lee có thể báo địa điểm cư trú của mình trước khi bị phát hiện.
Trong lúc cảnh sát truy tìm kẻ bắt cóc, một nữ tài xế dừng đèn đỏ trông thấy Lee la hét và đấm cửa kính xe của King. Cô lập tức gọi 911 để cung cấp đặc điểm và vị trí chính xác của chiếc xe.
Cuộc gọi của nữ tài xế có thể cứu sống Lee nhưng điều này không xảy ra. Thông tin nhân chứng cung cấp không được nhập vào hệ thống máy tính và không được chuyển cho những cảnh sát đang rà soát gần đó. Cuối cùng, Lee bị xâm hại rồi chôn dưới đầm lầy gần nhà King.
Sau cái chết của vợ, Nathan, chồng Lee, phát hiện điều phối viên 911 tiếp nhận cuộc gọi từ nữ tài xế không được đào tạo đầy đủ. Không chỉ vậy, một số bang ở Mỹ thậm chí không yêu cầu điều phối viên phải qua đào tạo.
Tháng 6/2008, Nathan lập ra Quỹ Denise Amber Lee, tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp chương trình đào tạo thống nhất và toàn diện dành cho điều phối viên ở mọi bang. Từ đó, gia đình Lee nỗ lực kêu gọi chính phủ ra luật quy định điều phối viên 911 cả nước phải trải qua khóa đào tạo bắt buộc để lấy chứng chỉ.
5 năm sau, vụ án mạng của Kari Hunt xảy ra và làm bộc lộ một khiếm khuyết khác trong hệ thống 911.
Sau vài tuần ly thân, Kari Hunt đồng ý đưa ba con tới khách sạn ở thành phố Marshall, bang Texas để chồng gặp con. Trong lúc lũ trẻ xem tivi, Kari theo Brad vào phòng tắm nói chuyện riêng. Khi Kari nói muốn ly hôn, Brad nổi giận đâm vợ.
Tiếng gọi của mẹ khiến cô con gái lớn 9 tuổi quay số 911. Bé gái gọi liên tục nhưng đường dây không kết nối. Khi con gái lớn chạy đi cầu cứu, Brad ra khỏi phòng tắm và bế con gái ba tuổi bỏ trốn. Bốn tiếng sau, Brad bị bắt.
Qua điều tra, cảnh sát phát hiện cuộc gọi tới 911 không kết nối vì bé gái không biết phải ấn số 9 trước tiên rồi mới có thể quay số ngoài khách sạn.
Không muốn điều tương tự lặp lại, Hank, bố Kari, bắt đầu kêu gọi chính phủ tăng cường ngân sách cho hệ thống 911. Nỗ lực của Hank đã thành công. Đầu năm 2020, tổng thống Trump ký ban hành Luật Kari.
Luật Kari yêu cầu hệ thống điện thoại nội bộ tại trường học, khách sạn, và cơ sở kinh doanh,... cho phép trực tiếp quay số máy 911 mà không cần nhấn thêm nút bấm khác. Đạo luật còn yêu cầu hệ thống phải thông báo cho nhân viên ở những địa điểm trên khi máy điện thoại trong hệ thống thực hiện cuộc gọi khẩn cấp.
Quốc Đạt (Theo Chameleon, Consol Tech, ABC News)