Dưới đây là chia sẻ của TS Ngô Quốc Dũng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, về cơ hội việc làm với sinh viên Công nghệ thông tin:
Máy tính và Công nghệ thông tin luôn nằm trong top nhóm ngành có sức hút lớn đối với thí sinh. Trong đó, nhóm ngành Máy tính có 6 ngành đào tạo bao gồm: Khoa học máy tính, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Kỹ thuật máy tính, Công nghệ kỹ thuật máy tính. Nhóm ngành Công nghệ thông tin có hai ngành đào tạo là Công nghệ thông tin và An toàn thông tin.
Về cơ bản, sự khác biệt lớn nhất của hai nhóm ngành này nằm ở mục tiêu đào tạo. Với nhóm Máy tính, mục tiêu chính là cung cấp kiến thức nền tảng của máy tính như hoạt động, cấu tạo của phần cứng; lý thuyết thông tin; hệ điều hành và cách thức xử lý dữ liệu của máy tính; cấu trúc dữ liệu và giải thuật; khoa học dữ liệu; lý thuyết và ứng dụng máy tính trong quản lý hệ thống thông tin...
Trong khi đó, mục tiêu chính của nhóm ngành Công nghệ thông tin là việc ứng dụng các kiến thức nền tảng này vào phát triển các ứng dụng, hệ thống phần mềm phục vụ cho các lĩnh vực hoạt động của cuộc sống.
Theo thống kê từ TopDev, trang tuyển dụng nhân sự ngành Công nghệ thông tin lớn nhất hiện nay, nhu cầu nhân lực nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin tại Việt Nam đang tăng nhanh. Cụ thể, năm 2021, thị trường ước tính cần 450.000 người và thiếu hụt ước tính lên đến 190.000 người. Năm 2022, nhu cầu thị trường ngành này tăng lên đến 530.000 người và thiếu hụt khoảng 150.000 nhân lực.
Ngoài ra, theo Dự thảo Chiến lược quốc gia về công ty công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, dự kiến có khoảng 70.000 công ty công nghệ với 1,2 triệu nhân lực làm việc trong lĩnh vực này. Việt Nam đặt mục tiêu có 100.000 công ty công nghệ số và 1,5 triệu công nhân kỹ thuật số vào năm 2030.
Về việc lựa chọn nhóm ngành hay ngành đào tạo nào phụ thuộc lớn vào định hướng và cá nhân mỗi thí sinh. Những bạn có sở thích cập nhật về các công nghệ mới, phát triển các sản phẩm ứng dụng, tiếp xúc với khách hàng sẽ phù hợp hơn với ngành Công nghệ thông tin. Các nhóm công việc chính của nhóm ngành Công nghệ thông tin gồm:
- Lập trình phát triển Backend/Frontend với mức lương tháng trung bình mỗi tháng khi ra trường 8-20 triệu đồng.
Đây là những vị trí công việc thuộc mảng lập trình trong ngành IT. Cả hai vị trí này đều tham gia vào các dự án phát triển web hoặc ứng dụng di động. Trong quá trình phát triển web, Frontend Developer là người chịu trách nhiệm về phần giao diện của một trang web hay ứng dụng và kiến trúc những gì liên quan đến trải nghiệm người dùng. Còn Backend Developer chịu trách nhiệm xây dựng backend cho phép người dùng có thể tương tác được với cơ sở dữ liệu và các cấu phần khác của hệ thống để lưu trữ, cập nhật, truy vấn thông tin...
- Phân tích nghiệp vụ kinh doanh (Business Analyst - BA) với mức lương trung bình mỗi tháng khi ra trường 8-12 triệu đồng.
Vị trí việc làm này có tính tổng quát trong ngành Công nghệ thông tin, cho phép khảo sát, phân tích nghiệp vụ, yêu cầu và làm trung gian kết nối giữa khách hàng với đội ngũ kỹ thuật, lập trình viên.
- Phân tích, kiểm thử phần mềm (Quality Control – QC, Tester) với mức lương trung bình mỗi tháng khi ra trường 8-12 triệu đồng.
Vị trí này thuộc mảng đảm bảo chất lượng phần mềm trong ngành IT, là người chịu trách nhiệm thực hiện công việc kiểm tra chất lượng phần mềm.
- Phát triển và vận hành hệ thống (DevOps) với mức lương trung bình mỗi tháng khi ra trường 10-20 triệu đồng.
Đây là vị trí việc làm có tính bao quát trong ngành IT, là vị trí có vai trò vô cùng quan trọng trong việc triển khai và đảm bảo hệ thống phần mềm luôn được vận hành và hoạt động một cách thông suốt với chi phí tối ưu.
Để sinh viên đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, năm nay Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông mở thêm chương trình Công nghệ thông tin định hướng ứng dụng với chỉ tiêu 180 ở cơ sở Hà Nội (mã tuyển sinh 7480201_UDU). Chương trình gồm 121 tín chỉ, có sự tham gia xuyên suốt của các doanh nghiệp. Sinh viên được tham gia dự án thực tế tại doanh nghiệp, tập đoàn lớn về công nghệ thông tin. Ngoài bằng đại học, các em còn có thêm các chứng chỉ chuẩn quốc tế (CCNA, TOEIC, AWS...). Thời gian đào tạo được rút ngắn còn 3,5 đến 4 năm
TS Ngô Quốc Dũng