![]() |
Hồng Anh tại SEA Games 22. |
Tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần này, Tiểu ban y tế và kiểm tra doping của Ban tổ chức đã tiến hành lấy mẫu nước tiểu của các VĐV đoạt huy chương ngay sau khi các cuộc tranh tài kết thúc. Sau đó, các mẫu kiểm tra được đựng trong ống nghiệm chuyên dùng có niêm phong, và bàn giao cho Công ty TNT Vietrans Express Worldwide - chuyển phát nhanh và kho vận hậu cần của BTC SEA Games 22. TNT đưa các ống nghiệm này vào thùng chuyên dụng Medpak Thermo 72, và chuyển bằng máy bay từ Hà Nội tới phòng xét nghiệm ở Bắc Kinh để kiểm tra.
Trao đổi với VnExpress, Hoàng Hồng Anh cho rằng anh có phản ứng dương tính với chất bị cấm có thể là do đã uống thuốc cảm trước khi thi đấu. VĐV 23 tuổi này còn cho biết: "Trước khi thi đấu hai ngày, em cảm thấy rất mệt nên ra ngoài hiệu thuốc, mua thuốc cảm uống. Em đã bảo với người bán hàng, cho em một liều thuốc cảm. Sau đó, dược sĩ đã cho em 2 viên thuốc cảm nhưng em không nhớ tên thuốc là gì".
Gây bất ngờ nhất là trường hợp của 2 VĐV lặn - môn mà Việt Nam làm bá chủ ở SEA Games 22 và luôn có ý nhường HC vàng cho các đội bạn. Ban huấn luyện môn lặn cho rằng các VĐV có phản ứng dương tính là do sử dụng thuốc giảm đau. Qua trao đổi với VnExpress, Trưởng bộ môn thể thao dưới nước, Trần Long, cũng cho biết, ông đã hỏi 2 VĐV môn lặn là Phạm Thị Dịu và Phạm Toàn Thắng về việc bị phát hiện có sử dụng doping. Phạm Thị Dịu cho biết bị đau dạ dày, còn Thắng bị đau chân và có uống các loại thuốc giảm đau. Ông Trần Long nói thêm: "Chúng ta đã không có đối thủ ở môn lặn nên để mất HC vàng ở nội dung này là rất đáng tiếc. Tôi không tin là các em lại sử dụng doping, và chúng tôi cũng sẽ làm rõ về chuyện này".
Tuy nhiên, trong mẫu thử doping của các VĐV này có chứa các chất tăng đồng hoá là stanozol và testoteron, thuộc nhóm chất bị cấm sử dụng trong thể thao. Theo các chuyên gia về y học thể thao, hai chất trên không thể có ở các loại thuốc cảm và thuốc đau dạ dày. Ông Nguyễn Hồng Minh, trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 22 thì khẳng định, sẽ tiến hành kiểm điểm rà soát nghiêm khắc.
Theo quy định, VĐV sử dụng doping sẽ bị tước HC và cấm thi đấu 2 năm ở mọi giải đấu. Sau khi kết quả được công bố, VĐV bị phát hiện có sử dụng doping có quyền khiếu nại và đề nghị chọn bất cứ phòng thí nghiệm nào để kiểm tra lại mẫu. |
Những phát hiện này đã thể hiện sự quyết tâm về một SEA Games sạch của Việt Nam. Không ảnh hưởng lắm tới thành tích của đoàn thể thao Việt Nam (vẫn đứng đầu với 155 HC vàng), nhưng kết quả này sẽ tác động rất xấu tới sự nghiệp thể thao cũng như tâm lý của các em ở độ tuổi rất trẻ và đều là những hy vọng của thể thao Việt Nam. Hoàng Hồng Anh 23 tuổi, Phạm Thị Dịu 21 tuổi, Nguyễn Mai Quỳnh 20 tuổi, còn Toàn Thắng chỉ mới 15 tuổi. Ngoài việc bị tước huy chương, các VĐV này có thể sẽ bị cấm thi đấu 2 năm tại mọi giải đấu.
Nếu kết quả trên được khẳng định sau khi không có ai khiếu nại, Việt Nam sẽ mất 3 HC vàng do 5 HC vàng còn lại sẽ trao cho các VĐV chủ nhà khác đoạt HC bạc. Khi đó, Phạm Toàn Thắng mất 3 HC vàng cá nhân về tay Phan Lưu Cẩm Thành ở các nội dung 50 m, 100 m lặn vòi hơi chân vịt, 50 m lặn tốc độ. 2 HCV cá nhân của Phạm Thị Dịu (200m, 400m vòi hơi chân vịt) sẽ được trao lại cho Lê Thanh Huyền và Nguyễn Thị Hằng.
T.T.