Những người tham gia khảo sát tại Việt Nam có nguồn thu từ công việc làm thêm cho biết, trung bình họ cần có thu nhập từ 7 triệu đồng (300 USD) đến 11,6 triệu đồng (500 USD) mỗi tháng mới đủ trang trải cuộc sống.
Hơn một nửa số người được hỏi (63%) xác nhận nhu cầu cải thiện tình hình tài chính cũng như trang trải sinh hoạt phí là động lực chính để họ lựa chọn công việc thứ hai ngoài việc làm toàn thời gian. Cụ thể, 50% mong muốn ít phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất, 45% có thêm thu nhập để đủ sống, 42% phải làm thêm do tình hình lạm phát và chi phí sinh hoạt gia tăng.
Khảo sát cũng cho thấy, khi được hỏi về khả năng tìm được nghề tay trái, Gen Y (nhóm sinh năm 1981- 1996, hay còn gọi là thế hệ Millennial) có tiềm năng nhất (83%), tiếp đó là thế hệ Boomer (năm 1946-1964) chiếm 79% và thế hệ Z (từ sau 1996) với 76%, đứng sau cùng là thế hệ X (năm 1965-1980) với 67% được ghi nhận.
Khánh Vy (28 tuổi, quận 4, TP HCM), hiện đang là nhân viên marketing cho một công ty điện tử, đã duy trì công việc làm thêm trong 2 năm qua. Cô chủ yếu nhận viết nội dung và quản lý trang mạng xã hội.
"Mình mất khoảng khoảng 2 giờ mỗi tối để hoàn thành công việc nhưng thu nhập cũng đủ giúp trang trải tiền thuê nhà và chi phí điện nước hàng tháng", Vy nói.
Khi được hỏi về nghề tay trái, những người tham gia khảo sát cho biết các công việc phổ biến nhất bao gồm bán hàng trên các website thương mại điện tử, sáng tạo nội dung, viết lách, chỉnh sửa hoặc biên tập nội dung. Ngoài ra, bán hàng trực tiếp là công việc làm thêm phổ biến thứ tư.
Với công việc chính là thủ thư tại một trường đại học, cô Nguyễn Thị Quyên (quận Bình Thạnh, TP HCM) chia sẻ, có thêm nghề tay trái giúp giảm bớt một phần gánh nặng học phí cho 2 con. "Tôi lấy đặc sản từ quê lên bán cho các đồng nghiệp và người quen. Công việc cũng không quá vất vả lại có thêm chồng hỗ trợ nên tôi khá hài lòng", người phụ nữ 50 tuổi chia sẻ.
Chị Hồ Thanh Phương (30 tuổi, quận Bình Tân, TP HCM), kế toán trưởng một công ty xuất nhập khẩu, tìm đến công việc bán hàng trực tiếp vì cảm thấy không an toàn khi chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất. Hơn nữa, công việc thứ hai này cũng phù hợp với chị do có sự linh hoạt về thời gian và chi phí ban đầu.
Sau một thời gian làm việc, chị Phương vừa được tham gia vào cộng đồng những người cùng mục tiêu, đam mê, vừa giúp chị có thêm những cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển. "Bên cạnh lợi thế tự chủ về tài chính, tôi còn có thêm nhiều mối quan hệ và trau dồi kỹ năng. Nhờ đó tôi cũng dần cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân", người phụ nữ bộc bạch.
Khảo sát còn chỉ ra, những người có nghề tay trái dành khoảng trung bình 8 giờ mỗi tuần để hoàn thành công việc. Tuy nhiên, thời gian làm việc có thể thay đổi: 23% người được hỏi cho biết họ dành 3–5 giờ mỗi tuần cho công việc làm thêm, trong khi 29% dành 6–10 giờ mỗi tuần.
Khảo sát Công Việc Làm Thêm tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 được Herbalife ủy quyền thực hiện thông qua One Poll tại các thị trường Úc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan và Việt Nam với 5.500 người tham gia |
Tùng Lâm