"Giả thiết tối ưu vào thời điểm này là những tín hiệu ping có thể là một âm thanh do tàu tạo ra, hoặc nó nằm trong bộ phận điện tử của thiết bị dò tìm tín hiệu hộp đen ", CNN dẫn lời Michael Dean, Phó giám đốc về kỹ thuật đại dương của hải quân Mỹ, cho biết.
Ông Dean cho rằng, hiện nhiều người đồng tình với ý kiến những tín hiệu ping đến từ một nguồn khác do con người tạo ra, không liên quan đến chiếc máy bay mất tích hôm 8/3, mang theo 239 người.
Theo vị Phó giám đốc, nếu các tín hiệu này được phát đi từ hộp đen của phi cơ thì đáng lẽ chúng đã được tìm thấy. Tuy không thể loại trừ chắc chắn khả năng tín hiệu đến từ hộp đen, ông Dean cho biết, hiện không có bằng chứng ủng hộ cho lập trường này. Khi được hỏi liệu các nước tham gia cuộc tìm kiếm có đi đến cùng hay không, ông Dean trả lời là "có".
Thiết bị dò hộp đen của hải quân Mỹ từng được kéo theo sau tàu Australia Ocean Shield để tìm những tín hiệu dưới vùng biển phía nam Ấn Độ Dương. Các dữ liệu vệ tinh gợi ý MH370 chấm dứt hành trình tại đây.
Một chuỗi tín hiệu mà thiết bị này nhận được khiến Thủ tướng Australia Tony Abbott bày tỏ "rất tự tin" rằng chúng đến từ hộp đen chiếc máy bay mất tích trên đường từ Kuala Lumpur, Malaysia tới Bắc Kinh, Trung Quốc.
Phân tích này dẫn đến việc triển khai một tàu lặn của Mỹ tới lùng sục đáy biển, nhưng cũng không thấy bất cứ dấu hiệu nào của máy bay. Vụ mất tích của MH370 là một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất trên thế giới.
Trọng Giáp