Nhận được thông tin 4 thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu Hiệp Đại (Đài Loan) nhảy xuống biển bỏ trốn ngày 8/8 khi tàu ở gần đảo Tahiti, cách bờ biển khoảng 800 m, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đã chỉ đạo các công ty cung ứng thuyền viên tàu cá xa bờ cho Đài Loan xác định danh tính thuyền viên, liên hệ với mối giới, chủ tàu giải quyết vụ việc.
Qua xác minh, thuyền viên Hoàng Văn Hậu, Lê Đình Anh (quê Nghệ An) do Công ty cổ phần xuất khẩu lao động thương mại và du lịch TTLC đưa đi. Hai thuyền viên Nguyễn Văn Hùng do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế NOSCO và Trần Văn Dũng do Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ tổng hợp SERVICO HANOI đưa đi.
Tối 12/8, 4 thủy thủ nói trên đã về Việt Nam và được đại diện doanh nghiệp đón, hỗ trợ chi phí tàu xe về quê. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu 3 công ty liên hệ với các bên liên quan đảm bảo quyền lợi của các lao động, làm rõ nguyên nhân họ bỏ hợp đồng cũng như điều kiện làm việc, đời sống trên tàu Hiệp Đại.
Theo báo cáo của các công ty, những thuyền viên này cho biết muốn trốn ở lại cảng Papeete để tìm việc làm khác. Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông nước ngoài, 4 thuyền viên Việt Nam trốn khỏi tàu cá Hiệp Đại vì bị sử dụng như "nô lệ thời hiện đại".
Trả lời đài phát thanh Radio 1 của Polynésie (Pháp) ngày 11/8, ông Jean-Piere Lebrun, người phiên dịch cho bốn thuyền viên Việt Nam nói trên, cho hay họ đã bị đánh đập, hành hạ như nô lệ. Suốt 2 năm trời, họ chỉ được lên bờ một lần, làm việc 7 ngày một tuần, 18 giờ một ngày và thường xuyên bị đánh đập.
Ngoài 4 thuyền viên này, hiện trên tàu Hiệp đại còn 7 thuyền viên khác người Việt Nam. Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tiếp tục kiểm tra xác minh để làm rõ vụ việc.
Hoàng Thùy