Theo Stephanie Rojas, nhà trị liệu tâm lý của một tổ chức nghiên cứu trầm cảm ở New York, trong căn hộ nhỏ (diện tích dưới 70 m2), người ở luôn nhìn thấy cùng một khung cảnh và đồ đạc, từ đó có cảm giác bị mắc kẹt. "Điều này cản trở việc tận hưởng không gian sống và khiến bạn ít muốn dành thời gian ở nhà hơn", chuyên gia phân tích.
Nhìn chung, các căn hộ nhỏ có bốn yếu tố chính dẫn đến stress như sau.
Thiếu ánh sáng tự nhiên
Không gian nhỏ, đặc biệt là những căn hộ thiếu cửa sổ, dễ dẫn tới căng thẳng, khó tập trung. Theo Cecille Ahrens, nhà trị liệu ở San Diego, California, trong những trường hợp nghiêm trọng, người ở còn bị lo âu và hoảng loạn.
Nếu căn hộ của bạn được trang bị cửa sổ, hãy chịu khó mở để đưa ánh sáng tự nhiên vào nhà. Bạn cũng có thể lắp thêm gương giúp ánh sáng khuếch tán khắp nhà.
Nếu sống trong căn hộ không cửa sổ, bạn nên ra ngoài đi bộ để cải thiện tâm trạng. "Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, dù chỉ vài phút mỗi ngày, cũng đủ để giảm stress", nhà trị liệu Ariel Sank ở New York cho biết.
Thiếu vách ngăn
Các căn hộ nhỏ thường được hạn chế vách ngăn để không gian rộng rãi hơn nhưng lại dẫn đến vấn đề khác là thiếu riêng tư. Chưa kể, với người sống một mình, không gian dàn trải có thể đem tới sự cô đơn.
Theo nhà trị liệu Rojas, dù thế nào, gia chủ vẫn nên bố trí một số phòng riêng, nơi bạn có thể làm việc, gọi điện hoặc đơn giản là ở một mình, không ai làm phiền.
Nếu không muốn xây vách ngăn, bạn hãy dùng các hình thức chia phòng linh hoạt như bình phong.
Thiếu chỗ để đồ
Tìm chỗ lưu trữ đồ đạc cho căn hộ nhỏ là điều không hề dễ dàng và có thể khiến gia chủ căng thẳng. Để tận dụng tối đa không gian trong căn hộ nhỏ, chuyên gia khuyên các chủ nhà đầu tư vào những món nội thất đa chức năng như giường kết hợp tủ bên dưới.
Bên cạnh đó, hãy thường xuyên dọn dẹp tổ ấm của mình. "Giữ những món đồ không cần thiết vừa tốn diện tích vừa khiến bạn căng thẳng', Cullins nhận định.
Chỗ làm việc cũng là nơi nghỉ ngơi
Từ năm 2020, do Covid-19, nhiều người phải làm ở nhà và gặp khó khăn trong việc tách biệt công việc và cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, khi làm việc ngay cạnh giường ngủ, bạn sẽ khó lòng tập trung. Đến lúc nghỉ ngơi, bạn cũng không thoải mái được vì muốn bật máy tính hoặc điện thoại xem có ai gửi email hay không.
Theo nhà trị liệu Ariel Sank, dù nơi ở nhỏ đến đâu, bạn cũng nên làm việc và nghỉ ngơi ở hai chỗ khác nhau. Đừng nghĩ mình phải xây hẳn một phòng làm việc riêng mà chỉ thay đổi ghế, bàn thôi cũng đủ.
Thu Nguyệt (Theo Insider)