Có 3 quy tắc về sự 'không đáng' trong cuộc sống mà bạn nên tâm niệm, để có một đời thanh thản.
Không đáng thì đừng tranh cãi
Có 8 chữ quan trọng mà bạn cần phải nhớ khi nhắc đến quy tắc này, đó là: Việc gì của bạn - Việc gì của tôi. Tám từ này có thể giúp giải quyết 80% rắc rối. Thử nghĩ, nếu bạn cứ dành thời gian để giải thích cho người khác, tranh cãi với họ để bảo vệ lý lẽ của mình thì thời gian của bạn sẽ lặng lẽ trôi qua. Tâm trạng bạn cũng vì thế mà có thể trở nên xấu đi. Như Trang Tử nói: "Chẳng thể đàm luận về băng giá với côn trùng mùa hạ".
Việc tranh cãi giữa người không cùng trình độ và quan điểm, chính là một sự tốn công vô ích. Bởi lẽ, đối phương không đến những nơi bạn đến, không đọc những cuốn sách bạn đã đọc, không biết những người mà bạn đã gặp. Với quá nhiều trở ngại như vậy, giao tiếp là một nỗ lực tốn thời gian vô ích. Bởi lẽ, bạn đứng ở đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy đại dương trước mặt, còn người khác đứng lưng chừng núi sẽ chỉ thấy sự vắng lặng mà thôi. Chi bằng, hãy dừng tranh cãi, và bước đi.
Chuyện nhỏ nhặt thì đừng bận tâm
Voltaire từng nói: "Thứ khiến người ta mệt mỏi không phải là đỉnh núi ở quá xa, mà là những hạt cát trong đôi giày đang đi". Câu nói này có ý nghĩa, đôi khi chuyện nhỏ nhặt lại khiến ta bận tâm, lao tâm khổ tứ hơn là những điều to tát. Những thứ tưởng chừng như hạt cát nhỏ đó, cuối cùng làm tiêu hao sức lực con người, khiến ta kiệt quệ.
Trong một buổi thuyết giảng, giáo sư đại học Harvard cầm trên tay một cốc nước, ông hỏi sinh viên: "Mọi người nghĩ, nếu tôi cầm chiếc cốc này vài phút thì sao?". Sinh viên nói: "Không sao cả, nó nhẹ mà". Nếu tôi cầm nửa ngày thì sao?", giáo sư hỏi lại. "Sẽ đau gẫy tay mất", sinh viên đáp. "Vậy tôi phải làm gì?", giáo viên hỏi. "Đặt nó xuống thôi ạ", một sinh viên trả lời.
Giáo sư tiếp lời: "Đúng là như thế. Thực ra nỗi buồn trong cuộc sống cũng giống chiếc cốc. Chúng ta buồn vài phút, hay buồn nửa ngày, thì trọng lượng chiếc cốc không thay đổi, cũng như nỗi buồn không thay đổi, mà tay ta càng ngày càng mỏi rũ. Thế nên, chỉ khi ta buông bỏ nỗi buồn, đặt chiếc cốc xuống, tay sẽ đỡ mỏi bao nhiêu".
Trên đời này, việc gì cũng có cái giá phải trả. Nếu bạn cứ lãng phí thời gian cho những nỗi buồn không nguôi ngoai, những vụn vặt tầm thường, thì chắc chắn bạn sẽ bỏ lỡ những điều tốt đẹp khác. Thay vì lãng phí cuộc đời vướng vào những thứ nhỏ nhặt, hãy học cách bỏ qua chuyện nhỏ, tập trung vào những điều quan trọng thực sự đối với mình mà thôi.
Đánh giá của người khác, không đáng để quan tâm quá nhiều
Một nho sĩ là Khiếu Sĩ Thành nghe người ta ca tụng Lão Tử nên tò mò tới gặp. Tuy nhiên, tới nơi, người này thấy thất vọng tràn trề vì hình dáng, điều kiện sống. Vị nho sĩ nói: "Người ta tán dương ông như vị thánh, nhưng tôi thấy ông sống như chuột". Lão Tử chỉ liếc nhìn một cái, sau đó lại cúi xuống đọc sách, hoàn toàn không bận tâm. Khiếu Sĩ Thành ra về, nhưng hôm sau quay lại để xin lỗi vì nói năng mạo phạm. Lão Tử nói: "Bất kể người có gọi ta là chuột hay chó, lợn, thì ta vẫn là ta thôi".
Người có tự tin vào mình, chắc chắn không vì lời người khác nói mà lao tâm, khổ tứ. Người có tự tin, sống bằng khí chất trong mình, chứ không phải miệng lưỡi người đời. Ý của Lão Tử, cũng chính là như vậy.
Mối quan hệ không đáng thì đừng giữ
Mọi thứ đều có hạn sử dụng: thịt hộp, bọc nilong, đồ uống... Vậy, mối quan hệ có hạn sử dụng hay không?
Trong cuộc sống, đôi khi ta luôn cố gắng gìn giữ các mối quan hệ. Ta không dám thẳng thắn, sợ bạn bè mất lòng. Ta không dám chối từ khi ai đó ngỏ lời, sợ đối phương đau khổ. Nhưng thực tế, mối quan hệ là thứ không thể nào ép buộc. Có những mối quan hệ, cần phải học cách buông tay.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng là sự gắn kết. Đôi khi, nó là sự cắt đứt. Với những người không xứng đáng, với những thứ không xứng đáng và làm cuộc sống của bạn đau khổ, hãy đủ tỉnh táo để buông bỏ và lấy lại những gì thuộc về bạn, từ những ràng buộc không phù hợp.
Hãy nhớ, đừng đánh giá thấp khả năng tự tiến bước một mình, của chính bạn.
Thùy Linh (Theo Aboluowang)