Trong buổi gặp gỡ môi giới chủ đề "Diễn biến thị trường địa ốc 6 tháng cuối năm 2018" do Hội cà phê Bất động sản tổ chức, Tổng giám đốc Dataland, Đoàn Thiên Việt dự báo về 4 thay đổi có thể gây áp lực cho thị trường đất nền Sài Gòn.
Thanh khoản giảm mạnh
Trong vòng nửa tháng qua, tại khu Đông TP HCM, mãi lực đất nền thuộc các quận 2, 9, Thủ Đức chững lại, giá đi ngang. Lưu lượng mua bán chỉ đạt khoảng 40% so với đỉnh tháng 4/2018. Thanh khoản sụt giảm gần 60% so với trước đây.
Ở khu Tây TP HCM, đất nền phân lô quận 12, Bình Tân, Bình Chánh cũng ghi nhận mãi lực sụt giảm đến 70% so với 5 tháng đầu năm. Giao dịch thứ cấp sôi động nhất trên thị trường đất nền TP HCM diễn ra hồi tháng 4-5/2018. Thế nhưng, bước sang tháng 6, giao dịch thứ cấp đã đứng lại, giá đi ngang, hàng ký gửi khá nhiều và mãi lực yếu dần.
Theo ông Việt, thanh khoản là một dấu hiệu quan trọng nhận biết sự chuyển động của thị trường. Với tình trạng giao dịch đi xuống, áp lực cho phân khúc đất nền trên thị trường thứ cấp là có thật. Trong ngắn hạn thị trường này sẽ hạ nhiệt và kém sôi động hơn trước đây đồng thời bị bao trùm bởi tâm lý chờ đợi và hoài nghi.
Sạch bóng nhà đầu tư lướt sóng
Thanh khoản đất nền giảm mạnh cũng là thời điểm mọi mua bán nhanh đều bị đứng lại. Nhà đầu tư lướt sóng có thể sẽ rời bỏ thị trường, tìm một kênh đầu tư khác ưu việt hơn để thay thế hoặc tạm nghỉ một thời gian. Không còn sóng để lướt, nhà đầu tư ngắn hạn rời khỏi đường đua là diễn biến tất yếu.
Thị trường giảm bớt lượng nhà đầu tư 3-6 tháng và thay vào đó nhà đầu tư dài hạn sẽ thế chỗ đóng vai trò cầm trịch thị trường. Như vậy, thay đổi đáng kể nhất là thị trường đất nền sẽ đi theo xu hướng dài hạn. Nhu cầu mua bán nhanh sẽ giảm dần khi thanh khoản điều chỉnh mạnh mẽ.
Sẽ có nhiều môi giới chuyển nghề
Khi thị trường đất nền thay đổi thì thì lực lượng môi giới cũng sẽ thay đổi. Đây là sự thay đổi để thích nghi với biến động cung cầu trên thị trường. Môi giới trước đây bán đất nền có thể dịch chuyển sang một phân khúc bất động sản khác như: nhà phố riêng lẻ, nhà phố xây sẵn, căn hộ hoặc bất động sản cho thuê. Nguyên nhân chính môi giới chuyển nghề hoặc chuyển phân khúc là: nguồn cung đất nền hạn chế và mãi lực thị trường thứ cấp quá thấp.
Do môi giới sống chủ yếu nhờ vào phí giao dịch (hoa hồng), lương cơ bản khá thấp chỉ ở mức tượng trưng, nên ngay khi thanh khoản đất nền sụt giảm sẽ khiến thu nhập của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, sẽ có một bộ phận môi giới đất nền rời khỏi thị trường do cảm thấy không phù hợp.
Theo ông Việt, môi giới đóng vai trò quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản vận hành và phát triển. Do đó, khi thanh khoản thị trường sụt giảm, những nhân tố này chắc chắn sẽ tự sàng lọc và phân hóa mạnh mẽ. Đây là chức năng tự cân bằng cực tốt của thị trường.
Có thể xuất hiện tình trạng bán tháo
Khi thanh khoản sụt giảm, thị trường sẽ cần thêm một thời gian chờ nữa mới xuất hiện diễn biến mới. Bán tháo (nếu xảy ra) chỉ là động thái cuối cùng của giai đoạn suy thoái. Tình trạng bán tháo chỉ diễn ra khi nhà đầu tư mất kiên nhẫn (niềm tin vào kênh đầu tư bị lung lay) hoặc gặp khó khăn về tài chính và cần rút tiền khỏi đất nền một cách nhanh chóng.
Một thực tế đã diễn ra trong nhiều năm qua là dòng tiền đổ vào đất nền đa phần là vốn nhàn rỗi. Bằng chứng là khách hàng mua đất nền chủ yếu bằng tiền mặt. Cụ thể, có đến 60% khách hàng dùng tiền mặt để mua đất nền khi chủ đầu tư áp dụng chương trình chiết khấu nhanh hoặc khuyến mãi tốt.
Như vậy, chỉ những trường hợp nào nhà đầu tư đất nền sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà hoặc mất niềm tin mới phải bán tháo để thu hồi dòng vốn về. Tuy nhiên, do niềm tin của người Việt vào kênh đầu tư đất nền quá lớn, khả năng thị trường xuất hiện tình trạng bán tháo có thể chỉ diễn ra một cách nhỏ giọt hoặc cá biệt. Tỷ lệ bán tháo có thể không cao, trong ngưỡng 10-15%.
Theo ông Việt, khi thị trường nóng sốt, nhiều nhà đầu tư thường tiếc nuối tại sao mình không mua bất động sản của 5 năm về trước (thời điểm các tài sản có giá mềm hơn). Thế nhưng sự tiếc nuối đó thường khá muộn màng. Tương tự như vậy, khi thị trường xuất hiện các dấu hiệu giảm tốc, nhiều nhà đầu tư thay vì tìm kiếm cơ hội, lại hoài nghi và chờ đợi. Chính tâm lý chờ đợi này sẽ trì hoãn những phiên bán tháo trong ngắn hạn.
Vũ Lê