Tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố biển Nha Trang, được mệnh danh là thành phố biển mộng mơ, thân thiện và bình yên. Những năm gần đây sự bình yên ấy đã không còn khi lượng xe cá nhân, taxi và xe du lịch tăng theo cấp số nhân.
Một cách vô tình, quãng đường nhà tôi đến công ty phải đi qua trục đường biển có lưu lượng xe tham gia giao thông lớn nhất thành phố. Hàng ngày đi trên đường tôi không thể tránh khỏi sự bực dọc, mệt mỏi vì phải nhích từng chút trên quãng đường 20 km.
Nhiều lần tôi đã tự hỏi nguyên nhân do đâu và đúc kết theo suy nghĩ cá nhân ra bốn nguyên nhân xin chia sẻ đến độc giả:
Gia đình và trường học: gia đình là trường học đầu tiên, cha mẹ là những người giáo viên đầu đời của con trẻ, họ là những giáo viên tạo dựng cho con cái xây dựng ý thức ban đầu. Không khó để chúng ta có thể nhìn thấy những bậc cha mẹ chở con trên xe máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lạng lách trên đường. Họ đang tự xây dựng hình ảnh thành những tấm gương xấu cho trẻ nhỏ, khi lớn lên chúng sẽ tự đặt cho mình một nguyên tắc bất di bất dịch: “người lớn làm được thì mình cũng làm được”.
Nếu cha mẹ là những viên đá đầu tiên đặt làm nền móng ý thức, thì trường văn hóa là lớp vữa giúp những viên đá được kết dính với nhau. Vẫn còn đó không ít nhà trường dạy cho học sinh hiểu biết về luật giao thông một cách hời hợt cho xong giáo án, các giáo viên chưa thật sự giúp cho học sinh thấy nó thật sự cần thiết như thế nào khi tham gia giao thông trong khi hàng ngày họ vẫn chưa thể tuân thủ luật.
Khi lớn lên, chúng ta được đi học lấy bằng lái xe ở các trung tâm, họ dạy cho cách để thi lý thuyết không cần học cũng có câu hỏi cũng trả lời đúng, có một số trường hợp chấp nhận bỏ tiền ra để có người giúp đỡ trong phòng thi mà không cần phải nhìn đề bài. Đây là một nguyên nhân không hề nhỏ làm cho ý thức đã kém của mỗi người ngày càng kém hơn và sự hiểu biết luật gần như bằng 0. Các cơ quan chức năng chưa giải quyết triệt để tình trạng này thì chúng ta chưa thể nghĩ đến việc nâng tầm hiểu biết và ý thức cho người dân.
Hạ tầng giao thông: có một điều đáng buồn phải nhìn nhận là hạ tầng giao thông ta phát triển quá chậm so với các nước trên thế giới, không theo kịp sự phát triển kinh tế. Nhiều thành phố xây dựng kiến trúc hạ tầng giao thông cho 20 năm, 30 năm, thậm chí 70-80 năm, nhưng họ lại tính theo kiểu nền kinh tế bước đều chậm rãi.
Thành phố Nha Trang là một minh chứng cụ thể, sau 20 năm những con đường huyết mạch đã trở nên quá chật chội, muốn mở rộng đường là một bài toán nan giải vì kinh phí giải phóng mặt bằng quá đắt đỏ. Thậm chí là không thể có lời giải vì mở rộng sao được khi cả trăm tòa nhà cao tầng trải dài trên một con đường. Chất lượng đường cũng là điều đáng nói, hôm nay thông đường ngày mai sụt lún. Có chăng sự tắc trách của các cơ quan quản lý và giám sát.
Ý thức người tham gia giao thông: theo nhìn nhận của tôi, ý thức kém là một vấn nạn vô cùng nghiêm trọng của đại đa số người dân chứ không là thiểu số. Ý thức kém ấy đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đến từ sự dạy dỗ đã được nêu ở lý do đầu tiên.
Một số người vì miếng cơm manh áo, không chạy ẩu để tiết kiệm thời gian và để chạy được nhiều chuyến hơn thì bị chủ trách, chạy đúng luật giao thông thì mất việc vì họ chậm chạp không mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Một số người chạy theo thói quen, chỗ nào trống thì chen vào, sự hiểu biết luật pháp của họ gần như không có. Một số chủ xe hạng sang nắm được luật, nhưng vẫn cố tình vi phạm vì nếu lỡ họ bị bắt thì số tiền nộp phạt chẳng đáng là bao so với việc tiết kiệm được thời gian để làm được nhiều tiền hơn so với số tiền nộp phạt ít ỏi phải bỏ ra. Một số xe công vô tư chạy vào làn đường dành cho xe máy và xe thô sơ, họ luôn tự cho mình cái quyền đó vì cái biển số luôn có quyền năng đặc biệt.
Sức mạnh của luật pháp: sẽ không còn quyền lực khi cơ chế xin cho vẫn len lỏi trong bộ máy quyền lực, người vi phạm khi đã có được cái mác người quen, người nhà vô tư vi phạm và góp phần vào tình hình giao thông ngày càng trở nên trì trệ và mất kiểm soát. Các cơ quan chức năng cũng cần xem lại mức phạt quá nhẹ so với một số cá nhân có khả năng tài chính dư dả, không đủ mức răn đe để buộc số ít người đó phải tuân thủ.
Tóm lại, trong khi hạ tầng cơ sở vẫn chưa thể được nâng cấp, mỗi chúng ta cần trang bị cho mình ý thức cao khi tham gia giao thông. Ai đó nói rằng ý thức không thể mua được bằng tiền. Với tôi, ý thức chỉ có khi họ mất thật nhiều tiền, có nghĩa mức phạt cần phải cao và có chế tài kèm theo đủ cho người điều khiển giao thông phải tuân thủ luật pháp như những quốc gia lân cận đã và đang áp dụng như: lao động công ích, mất điểm và thu bằng lái sau mỗi lần vi phạm...Tất nhiên pháp luật chỉ có thể được thực thi khi người thi hành pháp luật có đủ tâm và đủ tầm.
Độc giả Long Nguyễn