Giới chức đã thành lập một Nhóm Điều tra Đặc biệt (SIT) gồm 5 thành viên để tìm hiểu nguyên nhân cây cầu treo lịch sử bắc qua sông Machchhu ở thị trấn Morbi, bang Gujarat bị sập tối 30/10, khiến ít nhất 141 người thiệt mạng.
Trong khi cuộc điều tra diễn ra, giới chuyên gia Ấn Độ đã chỉ ra một số nguyên nhân có thể dẫn tới thảm kịch mà các thành viên SIT có thể sẽ đào sâu xem xét.
Cầu được mở cửa trước khi hoàn tất tu bổ
Sandipsinh Zala, quan chức bang Gujarat, cho biết chính quyền thị trấn Morbi, nơi quản lý cây cầu treo lịch sử, hồi tháng 3 ký hợp đồng có hiệu lực đến 2037 với công ty Ajanta Oreva để định kỳ bảo dưỡng, tu bổ cầu.
Theo hợp đồng, Oreva phải đóng cửa cây cầu để bảo trì trong 8-12 tháng. Tuy nhiên, công ty này đã vi phạm các điều khoản khi tự ý mở cửa cầu trở lại và bán vé cho du khách hôm 26/10, chỉ sau 5 tháng tu bổ, mà không xin phép chính quyền.
Theo quy trình, sau khi Oreva hoàn thành khâu tu bổ, chính quyền thị trấn Morbi phải kiểm tra để nghiệm thu cây cầu. Sau khi đánh giá mức độ an toàn đạt tiêu chuẩn, chính quyền mới cấp phép để cầu đi vào hoạt động.
Nhưng quá trình kiểm tra này không được thực hiện. Sandeep Singh, cảnh sát trưởng thị trấn Morbi, cho hay giới chức chưa cấp giấy phép đảm bảo chất lượng cho công trình này sau khi tu bổ.
Công tác bảo trì kém
Cây cầu treo dài 230 mét, rộng 1,25 mét này được xây dựng từ thế kỷ 19, khi Ấn Độ vẫn là thuộc địa của Anh. Trải qua hơn 100 năm, cây cầu thường xuyên được bảo trì, sửa chữa để tiếp tục khai thác.
Tuy nhiên, giới chức thị trấn Morbi đã "giao khoán" việc tu bổ cho Oreva mà không tiến hành các hoạt động kiểm tra và giám sát thi công sau mỗi 2-3 tháng.
Hiện cũng chưa rõ lý do Oreva, một công ty chuyên sản xuất đồng hồ và xe máy điện, lại được ký hợp đồng tu sửa cầu với chính quyền. Truyền thông Ấn Độ cho biết Oreva đã thuê một nhà thầu xây dựng bên ngoài là Devprakash Solutions phụ trách "vấn đề kỹ thuật trong quá trình tu sửa".
Trước khi ký hợp đồng 15 năm với chính quyền hồi đầu năm, Oreva đã đảm nhiệm việc bảo trì, tu bổ cầu trong giai đoạn 2008-2018. India Today dẫn lời các chuyên gia cho rằng nhóm điều tra SIT cần làm rõ ai là bên đã vận hành, bảo trì cầu trước năm 2008.
Các tai nạn do cơ sở hạ tầng cũ, bảo trì kém xảy ra khá phổ biến ở Ấn Độ. Thảm kịch gần nhất là vào năm 2016, khi cây cầu vượt ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, đổ sập khiến ít nhất 26 người chết. Lực lượng cứu hộ đã đưa gần 100 người bị thương ra khỏi những tấm bê tông khổng lồ.
Quá tải
Ông Singh cũng cho biết thông thường "chỉ 20-25 người qua cầu một lúc" để đảm bảo an toàn, theo điều khoản trong thỏa thuận sơ bộ được chính quyền Morbi ký với công ty Oreva hồi đầu năm 2020. Giới chức cũng cho hay cầu chỉ chịu được tải trọng tối đa 125 người.
Tuy nhiên, có gần 500 người, bao gồm phụ nữ và trẻ em, đã tập trung trên và xung quanh cầu để tham dự lễ hội ánh sáng Diwali của Hindu giáo, trước khi thảm kịch xảy ra.
Nhân chứng cũng cho biết phí qua cầu là 50 rupee (0,6 USD)/vé, trong khi theo hợp đồng, Oreva chỉ được phép thu tối đa 17 rupee/người lớn và 15 rupee/trẻ em. Jaysukhbhai Patel, giám đốc Oreva, nói công ty thu phí "nhằm tránh có quá đông người đi lại, ảnh hưởng độ bền của cầu".
Một số nhân chứng nói rằng nhân viên Oreva chỉ quan tâm đến việc bán vé để thu phí mà không tìm cách hạn chế số người qua cầu cùng một lúc. Nhóm điều tra SIT được cho là sẽ tìm hiểu doanh thu từ bán vé của Oreva, cũng như phần lợi nhuận chia lại cho chính quyền thị trấn.
Lực cộng hưởng do rung lắc
Một nguyên nhân khác khiến cây cầu sụp đổ được cho là do một số thanh niên đứng ở giữa cầu, liên tục đạp vào các dây treo để gây rung lắc, khiến du khách sợ hãi, theo các nhân chứng.
Vijay Goswami, đưa gia đình từ Ahmedabad đến Morbi dự lễ hội, cho biết mọi người rất khó đứng vững nếu không bám vào thứ gì đó khi cầu rung mạnh. Ông quay trở lại do cảm thấy nguy hiểm và thông báo cho nhân viên quản lý để ngăn hành động của nhóm thanh niên.
"Tuy nhiên, họ chỉ quan tâm bán vé và nói không có quy định kiểm soát đám đông nào. Vài giờ sau, điều chúng tôi lo ngại trở thành sự thật", ông Goswami nói.
Các chuyên gia cho hay khi một đoàn người di chuyển qua cầu treo, lực có tính chu kỳ từ bước chân có tần suất dao động nhất định, có thể gây ra hiện tượng cộng hưởng và làm sập cầu.
Trong vụ cầu Thiên niên kỷ rung lắc dữ dội hồi năm 2000 ở Anh, Steve Strogatz, giáo sư cơ học ứng dụng từ Đại học Cornell, chỉ ra vai trò của hiệu ứng số đông trong hiện tượng này, cho biết chỉ cần một nhóm người nhỏ cũng đủ kích hoạt hiện tượng lắc lư.
Khi đó, hàng nghìn khách ùa lên công trình mới khánh thành, khiến nó chao đảo nhẹ. Lực chao đảo này khiến những người đang bước đi trên cầu tìm cách giữ thăng bằng bằng cách xoạc rộng chân, đẩy người sang bên theo mỗi bước đi, tạo ra lực cộng hưởng gần như vô thức.
"Nếu một vài người tình cờ cộng hưởng bước chân trong đám đông đi lại tự do và ngẫu nhiên, cây cầu sẽ trở nên mất ổn định", ông Strogatz giải thích. Đến một mức độ nhất định, dao động lắc lư sẽ đủ mạnh, buộc tất cả mọi người phải sải bước như nhau, làm tăng thêm mức độ trầm trọng của vấn đề.
Đức Trung (Theo India Today, Reuters, NDTV)