Vijay Goswami chiều 30/10 đưa gia đình từ thành phố Ahmedabad đến thị trấn Morbi, bang Gurajat, Ấn Độ để tham dự lễ hội ánh sáng Diwali. Họ đi qua cây cầu treo Morbi lịch sử bắc qua sông Machchhu để tới địa điểm lễ hội.
Nhưng khi đi đến giữa cây cầu đông đúc, nơi hàng trăm người tụ tập, Goswami nhìn thấy một số thanh niên cố tình rung lắc nó, khiến mọi người khó đi lại.
"Có rất nhiều người trên cầu, gia đình tôi cũng vậy. Một số thanh niên bắt đầu rung lắc cầu, khiến mọi người rất khó đứng vững nếu không bám vào thứ gì đó. Tôi cảm thấy nguy hiểm nên quyết định quay trở lại", Goswami kể với NDTV sau khi trở về nhà.
Một video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một số thanh niên đứng giữa cầu, liên tục đạp vào các dây treo để gây rung lắc, nhằm khiến du khách trên cầu sợ hãi.
Goswami cho hay trước khi rời đi, ông đã thông báo cho nhân viên quản lý cầu để ngăn hành động của nhóm thanh niên. "Tuy nhiên, họ chỉ quan tâm đến việc bán vé và nói rằng không có quy định nào về kiểm soát đám đông. Vài giờ sau đó, điều chúng tôi lo ngại đã trở thành sự thật", ông nói.
Cầu treo Morbi sau đó đứt dây cáp và sập, khiến nhiều nạn nhân rơi xuống sông Machchhu ngay bên dưới.
NK Muchhar, quan chức địa phương, ngày 31/10 cho biết số người thiệt mạng trong vụ sập cầu treo ở thị trấn Morbi đã tăng lên 132. "Chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang diễn ra", ông nói, cảnh báo con số thương vong chưa dừng lại.
Theo giới chức địa phương, gần 500 người, trong đó có cả trẻ em và phụ nữ, đang tập trung trên và xung quanh cầu để tham dự lễ hội ánh sáng Diwali của Hindu giáo khi thảm kịch xảy ra.
Nhiều trẻ em bị lạc bố mẹ khi cầu sập. "Cháu sống sót vì kịp bám vào một sợi dây và từ từ bò lên. Nhưng bố mẹ cháu vẫn mất tích", một cậu bé 10 tuổi nói.
Mehul Raval, một người sống sót sau thảm kịch, nói có gần 300 người trên cầu khi nó sập. "Tất cả mọi người rơi xuống. Cầu sập chủ yếu vì có quá nhiều người", Raval trả lời phóng viên tại bệnh viện dân sự Morbi.
Morbi được biết đến là một trong những nơi sản xuất gốm sứ hàng đầu trên thế giới, chiếm hơn 80% sản lượng gốm sứ của Ấn Độ. Thị trấn nằm cách Ahmedabad, thành phố lớn nhất bang Gujarat, khoảng 200 km về phía tây, với cây cầu treo là một điểm thu hút khách du lịch.
Cây cầu treo dài 230 m được xây dựng từ thế kỷ 19, khi Ấn Độ vẫn là thuộc địa của Anh. Nó đã bị đóng cửa để tu sửa trong 6 tháng và mới được đưa vào hoạt động trở lại hôm 26/10. Phe đối lập cáo buộc chính phủ đã tắc trách, không đánh giá kỹ thuật và tải trọng kỹ lưỡng sau khi sửa cầu.
Giới chức bang Gurajat cho biết họ đã lập nhóm điều tra thảm kịch. Sandipsinh Zala, quan chức Gurajat, nói Oreva, nhà thầu tư nhân phụ trách sửa chữa cầu treo, đã tự ý mở cửa cầu trở lại khi chưa được chính quyền cấp phép.
"Oreva lẽ ra phải cung cấp thông tin chi tiết về quá trình sửa chữa và được nghiệm thu trước khi mở cửa cầu trở lại. Nhưng họ không làm vậy", Zala nói.
Như Tâm (Theo Reuters, NDTV)