Theo OC Register, manh mối đầu tiên đến vào đêm 22/1, chỉ vài giờ sau khi Bac Duong và Jonathan Tieu, hai người gốc Việt, cùng đồng bọn là Hossein Nayeri bỏ trốn khỏi nhà tù Central Men’s Jail ở thành phố Santa Ana.
Đêm đó, Hazel Javier, chủ của cửa hàng tiện ích Target ở thành phố Rosemead, "phát hiện hai người có hành động khả nghi trong cửa hàng" và theo dõi họ. Ngày hôm sau, Javier giao hình ảnh từ camera giám sát cho Jeffrey Arana, nhân viên an ninh của cửa hàng. Arana cho rằng những kẻ trên có ngoại hình tương đồng với các tù nhân vượt ngục đang bị truy nã trên báo chí.
Họ gọi cho cảnh sát và kể rằng hai vị khách đã mua hai chiếc điện thoại trả trước. Các thám tử thu thập được dữ liệu các cuộc gọi từ những chiếc điện thoại và lùng sục trong nhiều ngày, cuối cùng phát hiện một manh mối mới.
Một trong hai chiếc điện thoại đã gọi cho một người ở Los Angeles tên là Armando Damian. Người này bị mất xe hơi vào ngày 23/1 và 3-4 ngày sau, ông đã trình báo sự việc với cảnh sát.
"Có người gọi tôi hỏi về chiếc xe và một người lớn tuổi gõ cửa nhà tôi còn hai người khác đứng ở góc đường", ông Damian kể. "Tôi ngồi ở ghế hành khách và chúng tôi lái quanh phố. Khi chúng tôi trở về, người này bảo cho ông ta xem chìa khóa và ông ta lái chiếc xe của tôi đi mất".
Ngày 28/1, khi những bức ảnh về chiếc xe bị đánh cắp lan truyền khắp báo chí, truyền hình, Matthew Hay-Champan, một người vô gia cư 55 tuổi ở San Francisco thông báo rằng ông đã nhìn thấy nó đỗ ở bên một siêu thị thực phẩm. Ông cũng nhìn thấy Nayeri mở cửa xe bước ra ngoài.
Chỉ vài phút sau, ông trình báo sự việc với cảnh sát. Nayeri và Tieu bị bắt, khép lại cuộc truy lùng dài một tuần. Duong đã ra đầu thú vào một ngày trước đó.
Giới chức Quận Cam đề nghị thưởng 15.000 USD cho mỗi nhân viên của Target, 20.000 USD cho ông Damian và 100.000 USD cho ông Hay-Champan. Hội đồng Giám sát của quận sẽ bỏ phiếu vào ngày mai để quyết định phân chia số tiền như thế nào.
Hội đồng trước đó treo thưởng 150.000 USD cho ai cung cấp manh mối dẫn đến việc bắt giữ các tù nhân vượt ngục, bên cạnh 50.000 USD mà cảnh sát đưa ra.
Tuy nhiên, ông Long Hoang Ma, tài xế gốc Việt bị 3 tên trên bắt cóc suốt một tuần, không được thưởng. Ông Ma cho rằng mình xứng đáng nhận thưởng vì đã có công thuyết phục Duong đầu thú.
Ông cũng nộp đơn kiện 2 triệu USD chống lại chính quyền Quận Cam vì để các tù nhân trốn thoát, khiến ông nguy hiểm tới tính mạng và bị căng thẳng thần kinh sau vụ bắt cóc.
Giám sát viên Todd Spitzer ban đầu cho rằng ông Ma đủ điều kiện nhận thưởng nhưng cuối tuần rồi lại nói rằng "dựa trên thông tin mà sở cảnh sát cung cấp", ông không có tên trong danh sách xem xét.
"Ông Ma không cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ. Tôi cảm thấy buồn cho ông ấy vì ông ấy là nạn nhân của tội phạm. Nhưng giải thưởng này không nhằm mục đích bồi thường cho nạn nhân", ông Spitzer nói.
Ông Ma, 71 tuổi, rời Việt Nam đến Mỹ vào năm 1992 cùng vợ và 4 người con nhưng sau đó ly hôn. Ông hiện sống trong một căn phòng thuê ở Garden Grove và có rất ít bạn bè. Ông mới lái taxi khoảng 9 tháng, trước đó ông xin tiền ở trên đường với một tấm biển viết dòng chữ "vô gia cư". Trong thời gian giam giữ ông Ma, Duong tỏ ra quan tâm tới ông và thậm chí ẩu đả với Nayeri để ngăn cản đồng bọn hãm hại đồng hương của mình.
Anh Ngọc