Đây là lần đầu tiên sau một thời gian dài, bốn nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng của cải lương có dịp hội ngộ trong vở diễn từng đi vào lòng nhiều khán giả mộ điệu bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Kịch bản Nửa đời hương phấn của tác giả Hà Triều - Hoa Phượng nói về cuộc đời cay đắng của người kỹ nữ tên Hương. Hương vốn là cô gái quê tên The nhưng vì cuộc sống nghèo khó, vất vả, cô phải lên Sài Gòn thay tên đổi họ, mưu sinh và đi làm kỹ nữ. Mối tình của Hương và Tùng - một chàng trai đô thành - diễn ra trong những tình huống éo le. Hương vì tương lai của người yêu mà quyết định tuyệt tình với anh. Sau đó, Tùng quen và yêu Diệu mà không hề biết cô gái này chính là em ruột của Hương. Chấp nhận số phận cay đắng của người con gái chỉ có "nửa đời hương phấn", Hương rời bỏ cuộc sống đời thường để nương nhờ vào cửa Phật.
Vở cải lương Nửa đời hương phấn được dàn dựng đầu tiên trên sân khấu đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga. Trong bối cảnh văn hóa - xã hội của thập niên 1960, vở diễn gây tiếng vang lớn với khán giả và giới chuyên môn sân khấu kịch nghệ. Bởi, các vấn đề vở diễn đặt ra đều để người ta nhìn lại những giá trị đạo đức hình thành nên nền tảng tư tưởng xã hội. Thông qua chuyện tình yêu của đôi trai gái, vở diễn là tiếng nói đả phá hủ tục chốn làng quê, về việc nghèo đói dẫn đến vấn nạn, về thói đạo đức giả, ích kỷ, tham lam, và tôn vinh lòng hy sinh, tình cảm gia đình...
Trong bản dựng đầu tiên của vở cải lương nổi tiếng này, hai nghệ sĩ là "sầu nữ" Út Bạch Lan và nghệ sĩ Thành Được ghi dấu ấn với hai nhân vật Hương và Tùng. Vở còn được dàn dựng nhiều lần qua diễn xuất của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thuộc thế hệ nối tiếng của nghệ thuật cải lương như: Minh Vương, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Phượng Liên... Nhiều khán giả gần như thuộc nằm lòng ca từ và lời thoại thấm thía của vở diễn cũng như những tình tiết trong tác phẩm.
Trong bản dựng của năm 2015, NSƯT Phượng Liên và nghệ sĩ Hồng Loan từ hải ngoại về nước để chia nhau vai The (Hương). Nghệ sĩ Lệ Thủy vào vai Diệu (em gái Hương), nghệ sĩ Minh Vương vào vai Tùng. Đây là lần đầu tiên, NSƯT Thanh Sang đảm nhận vai Cang (anh trai của Tùng). Vở diễn còn sử dụng vài ca khúc do cố NSƯT Thanh Nga hát cùng nghệ sĩ Thành Được. Bên cạnh đó, vở có sự góp mặt của NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Hữu Quốc, Tú Sương, Hà Linh, Gia Bảo... với dàn nhân vật bao quanh để tạo nên nhiều sắc thái cho tác phẩm. NSƯT Hữu Châu lần đầu vào vai ông Năm Xe Rác hứa hẹn có nhiều nét chấm phá thú vị cho khán giả.
Phục trang của vở diễn do ba nhà thiết kế Lê Long Dũng, Mộc Thanh và An Kha thực hiện. Họ chuẩn bị những bộ trang phục theo đúng phong cách thời trang của thập niên 1960. Từ chất liệu cho đến kiểu dáng, màu sắc của quần áo nhân vật đều được tính toán tỉ mỉ và công phu để khán giả có dịp trở về không gian xưa. Phần âm nhạc cũng ưu tiên sử dụng các nhạc cụ mộc để tạo điểm nhấn ở nét sang trọng và chân thật của vở diễn.
Chương trình diễn ra trong hai đêm: 20h thứ sáu ngày 30/1 và chủ nhật ngày 1/2 tại Nhà hát Bến Thành, số 6 Mạc Đỉnh Chi, quận 1, TP HCM.
Việc mang vở Nửa đời hương phấn đến với khán giả vào đầu năm 2015 là tâm huyết của NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Hữu Châu và diễn viên Gia Bảo. Mục đích của việc tái dựng nhằm thu hút khán giả trở về với không khí cải lương xưa. Tên gọi chung của chương trình này là Tài danh đất Việt và Nửa đời hương phấn được chọn để mở màn.
Gia Bảo cho biết, để mang được vở diễn đến khán giả, anh cùng vợ và êkíp công ty giải trí của mình có gần một năm đắn đo suy nghĩ. Dù chưa tìm được nhà tài trợ cho chương trình, do thời gian cận Tết, Gia Bảo vẫn quyết tâm tự đầu tư cho vở diễn. Anh chia sẻ: "Các cô chú nghệ sĩ cải lương từng vang bóng một thời hiện nay vẫn còn có thể diễn và hát với niềm đam mê nghệ thuật cải lương sâu sắc. Nhưng thời gian không còn chờ đợi họ nữa vì hầu hết tuổi đã cao. Vì thế, khi đã có ý tưởng chúng tôi muốn phải thực hiện ngay...".
Trong tháng 3/2014, Gia Bảo và vợ từng bắt tay thực hiện chương trình biểu diễn đặc biệt kỷ niệm 64 năm Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga mang tên "Chút tình gởi lại nhân gian". Hai tác phẩm kinh điển Bên cầu dệt lụa và Tiếng trống Mê Linh diễn ra trong chương trình này thu hút hàng nghìn khán giả đến với sân khấu cải lương. "Hai tháng sau khi 5 suất diễn khép lại, đường dây nóng của chương trình vẫn thường xuyên nhận được yêu cầu của khán giả khắp nơi gọi về đặt vé. Nhiều khán giả động viên chúng tôi và hỏi thăm khi nào có thêm vở diễn khác", Gia Bảo chia sẻ.
Thất Sơn