Hành trình 4 ngày khám phá Sơn Đoòng của Hà Duy, nhà thiết kế sinh năm 1987 đến từ Hà Nội, bắt đầu bằng chuyến đi gần 10 km đường rừng, trèo núi, lội suối. Địa điểm đầu tiên cả đoàn đặt chân là hang Én - nơi có rất nhiều chim én làm tổ, diện tích vòm hang rất rộng và cao. Sau một ngày trong hang Én, đoàn tiếp tục vào sâu, ra cửa sau của hang, băng qua một con suối chảy siết và một đoạn rừng rậm mà nếu không có người dẫn đường sẽ khó có thể tìm ra. Đi gần một buổi, cả đoàn mới đến cửa hang Sơn Đoòng. Trải nghiệm "sởn da gà" nhất của Hà Duy là lần đầu tiên đu dây xuống cửa hang Sơn Đoòng - "quá trơn và nguy hiểm". Lúc đu xuống, anh phải biết một vài kỹ thuật như nắm dây thật chặt, đứng hai chân bằng vai, từ từ đi xuống. "Cảm giác đi trên bức tường đá dựng đứng mà bên dưới là một khoảng không tối om thật sự đáng sợ", anh thốt lên. Sau khi xuống hang thì nỗi sợ tiếp theo của Hà Duy là bóng tối bao trùm toàn bộ, trừ ánh đèn yếu ớt từ mũ của mỗi thành viên trong đoàn. Trải qua khoảng 3 - 4 giờ đi bộ trong hang, cả đoàn tiếp tục vượt qua những con suối chảy xiết trên những chiếc cầu được đeo dây bảo hiểm. Mọi cử động và di chuyển đều được các chuyên gia theo sát, đảm bảo không có sơ sót. Trên quãng đường đi, ngoài nước, bóng tối, đất đá, Hà Duy được chứng kiến nhiều khối thạch nhũ hùng vỹ, đẹp "quá sức tưởng tượng". Đi cả ngày trong hang, anh đến hố sụt - nơi mọi người dựng lều cắm trại cho đêm thứ hai. "Đây là nơi đẹp nhất trong suốt hành trình lần này, bởi âm thanh, không gian, khí hậu, độ rộng của hang cũng như hệ thực vật vô cùng đa dạng", Hà Duy chia sẻ. Ngày thứ 3 của Hà Duy khởi động bằng màn di chuyển "khó vô cùng": bò, trườn, leo trèo, rồi chui vào trong hang để ra khỏi hố sụt thứ nhất. Tuy nhiên, đây lại là nơi Hà Duy chụp được nhiều bức hình đẹp, và thu nạp được rất nhiều kiến thức, ví dụ như biết cách thiên nhiên tạo ra khối thạch nhũ hình chiếc bánh cưới như nào với dòng chảy cuộn tròn, hay các măng đá và các viên ngọc động được dòng nước tạo hình ra sao. Buổi chiều của ngày thứ ba, mọi người trong đoàn đến được hố sụt thứ hai của hang Sơn Đoòng. Nơi đây có cảnh vật thiên nhiên hùng vỹ với hệ thực vật trong lòng đất đa dạng. Hà Duy được tắm trong dòng suốt mát lạnh, trong vắt; nhìn thấy khối thạch nhũ lớn nhất của hang, hay những động vật kỳ lạ: cá trắng không có mắt, dế có râu siêu dài. "Đêm tại hố sụt thứ hai lại là trải nghiệm mới lạ vì khi nằm ngủ, độ vang và nhạy của hang động làm tôi có thể nghe thấy bất kể một tiếng động nhỏ nào", anh nói. Theo Hà Duy, ngày thứ 4 là thử thách khó nhất, dù mọi người đã thấm mệt vì phải di chuyển nhiều. Cả đoàn phải cùng chèo thuyền vượt hồ trong hang. "Hồ rất rộng, khi nhìn lên trên còn không thấy trần hang dù soi đèn rất sáng", Hà Duy kể. Điểm cuối cùng của hành trình là vượt qua Bức Tường Việt Nam cao gần bằng một toà nhà 30 tầng, dựng đứng và trơn tuột. Hà Duy cùng mọi người phải dùng hết sức để đi lên bằng những kỹ thuật đã được dạy. Nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia, cả đoàn đều vượt qua chặng đường gian nan. Để có được chuyến đi thành công, nhà thiết kế Hà Duy mất hơn hai tháng chuẩn bị cả về thể lực, tinh thần lẫn học hỏi kỹ thuật leo trèo, mới đủ điều kiện tham gia. "Là một người nhút nhát, sợ độ cao và không gian tối nhưng tôi vẫn thích mạo hiểm. Khi nhìn những bức hình trên mạng về Sơn Đoòng, tôi càng háo hức và muốn đăng ký", anh tiết lộ. Ngoài thể lực, anh phải chuẩn bị rất nhiều thứ như: giầy trekking, quần áo đi rừng, khẩu trang, khăn, găng tay, tất, balo, các loại thuốc, một số loại đồ ăn tăng lực, bình nước, khăn ướt cũng như sạc dự phòng... Tất cả đều được hướng dẫn viên nhắc nhở trước. Trước khi khởi hành, anh được hướng dẫn cách đi rừng cũng như sử dụng dây bảo hiểm; tránh các loại cây dại không bị ngứa, xịt thuốc chống côn trùng, sử dụng đèn khi đi vào hang, cách đi trên núi đá và dưới suối. Hành trình gồm 10 người tham gia, trong đó, có 5 chuyên gia Việt Nam và một chuyên gia nước ngoài đi kèm để hỗ trợ. Ngoài ra, 25 người chuyển đồ đi trước và nấu ăn cũng như chuẩn bị lều trại. Chuyến đi đã cho Hà Duy nhiều kinh nghiệm quý báu, từ những kiến thức về rừng, cây cối, cách phân bổ sức lực và ăn uống, đi lại, hay hang động, nước, các kỹ năng bơi lội, leo núi, vượt qua cảm giác sợ độ cao, bóng tối cùng tinh thần đoàn kết khi đi cùng đoàn. Hà Duy 'sởn da gà' khi đu dây xuống miệng hang Sơn Đoòng Hà Duy đu dây xuống miệng hang Sơn Đoòng. Video: NVCC Vũ ChiẢnh: NVCC