Theo chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Cheryl Keates của Đại học New York (Mỹ) có bốn mẹo giúp xây dựng mối quan hệ này.
Giao tiếp cởi mở
Nhiều nhân viên có thói quen ngại gặp mặt, nói chuyện với sếp. Chủ yếu họ sợ "sảy miệng" gây ấn tượng xấu và ảnh hưởng đến công việc, chế độ lương thưởng của mình.
Nhưng theo các chuyên gia, bạn nên chủ động chia sẻ thông tin cập nhật về công việc, lắng nghe phản hồi và đừng ngại đặt câu hỏi. Giao tiếp cởi mở sẽ xây dựng lòng tin và cho thấy bạn là người chủ động.
Bạn không nên kỳ vọng "sếp giống như bạn thân" để luôn cùng quan điểm. Bạn cũng không cần phải là bạn với sếp để có một cuộc trò chuyện thân tình cá nhân. Thực tế, hỏi thăm cuối tuần của sếp thế nào hoặc họ đang xử lý một tình huống nào đó ra sao không đòi hỏi một mối quan hệ đặc biệt thân thiết. Chúng ta cần một sự quan tâm thực sự.
Mọi người đều đánh giá cao ai đó biết thể hiện sự quan tâm. Cũng giống như bạn mong đợi sếp quan tâm đến cuộc sống cá nhân của mình, sếp cũng sẽ đánh giá cao khi bạn quan tâm đến cuộc sống của họ.
Hiểu phong cách của sếp
Mỗi nhà quản lý đều có những sở thích riêng. Họ thích gửi email hay thích trò chuyện trực tiếp? Họ thích báo cáo chi tiết hay tóm tắt nhanh? Nên tìm hiểu phong cách làm việc của sếp, điều này có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian suy đoán và rơi vào tâm lý căng thẳng.
Theo Cheryl Keates, biết được sếp thích hoặc muốn gì sẽ giúp bạn giao tiếp tốt hơn với họ. Thay vì khăng khăng sử dụng email, đôi khi nhấc điện thoại lên sẽ hiệu quả hơn. Hãy thể hiện sự linh hoạt, sẵn lòng tương tác theo cách sếp muốn, điều đó giúp bạn được đánh giá tốt hơn.
Ngoài ra, đừng quên tôn trọng thời gian của lãnh đạo. Sếp rất bận rộn, vì vậy hãy lưu ý khi yêu cầu thời gian của họ. Nên giữ cho các cuộc họp ngắn gọn và có sự chuẩn bị sẵn sàng, đi vào trọng tâm và xử lý vấn đề hiệu quả.
Thực hiện lời hứa
Nếu đã cam kết điều gì đó với cấp trên, cần đảm bảo rằng bạn thực hiện nó. Cho dù đó là đáp ứng thời hạn công việc hay hoàn thành nhiệm vụ được giao, sự đáng tin cậy là chìa khóa để giành được sự tôn trọng của sếp.
Việc thực hiện lời hứa là cách bạn chứng tỏ mình là người có trách nhiệm. Điều đó cũng giúp bạn tự tin vào quyết định của mình. Nếu có điều gì đó không ổn, nên đứng lên và thừa nhận các vấn đề cần được giải quyết. Cố gắng trốn trách nhiệm hoặc bác bỏ vấn đề chỉ có thể khiến tình thế trở nên tồi tệ hơn vì nó không được giải quyết hoặc giảm thiểu sớm.
Đặt ra ranh giới
Xây dựng mối quan hệ thân thiết với sếp là điều tuyệt vời, nhưng đừng làm mờ ranh giới. Nên duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa sự thân thiết và tính chuyên nghiệp trong công việc. Ranh giới rõ ràng đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau và mối quan hệ làm việc hiệu quả.
Xây dựng mối quan hệ làm việc lành mạnh với sếp của bạn không nhất thiết phải giống như một trò chơi chính trị văn phòng. Một chút nỗ lực, một chút tôn trọng lẫn nhau và một chút chuyên nghiệp có thể tạo nên động lực tích cực và hiệu quả.
Thùy Linh (Theo TimesofIndia)