Các ngày lễ, tết đều được xem là khoảng thời gian của hạnh phúc và niềm vui. Tuy nhiên, đối với một số người, các ngày lễ lại khiến họ buồn bã, cô đơn, căng thẳng. Trạng thái tâm lý này là "trầm cảm ngày lễ" - một hiện tượng vẫn chưa được giới khoa học kết luận chuẩn xác.
Vậy tại sao các kỳ nghỉ vốn được cho là cải thiện sức khỏe lại dẫn đến sự suy sụp về tinh thần? Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, nhận định 4 lý do thường gặp gây căng thẳng trong ngày Tết, như sau:
Sum họp gia đình
Đầu tiên, sự căng thẳng xuất phát từ chính việc sum họp gia đình. Tết đến xuân về, các thành viên sẽ dành nhiều thời gian bên nhau hơn. Đây là điều tuyệt vời, nhưng trong một số thời điểm, việc tương tác quá nhiều dễ xảy ra mâu thuẫn liên quan đến lối sống, cách ứng xử.
"Ví dụ, những câu hỏi như 'Bao giờ lấy chồng, bao giờ đẻ...?' lại vô tình gây áp lực cho người đối diện. Từ đó, cảm giác cáu gắt, bực dọc bắt đầu xuất hiện, dễ làm con người căng thẳng.
Với những cặp vợ chồng con cái làm việc xa nhà, việc về quê ăn Tết bên nội hay ăn bên ngoại, thời gian bao lâu cũng trở thành vấn đề xung đột nếu không khéo léo giải quyết. Chuyện mẹ chồng - nàng dâu không hợp nhau, mâu thuẫn về quan điểm sống hay cách nuôi dạy con cái cũng gây căng thẳng lớn.
Vấn đề dọn dẹp nhà cửa
Chuyện bếp núc, tiếp khách, dọn dẹp nhà cửa ngày Tết tưởng như nhỏ nhặt nhưng đôi khi cũng dẫn tới xung đột. Thực tế, hầu hết gia đình đều sẽ có các buổi tụ tập họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp ăn uống và có sử dụng bia rượu. "Nếu như gia đình nào biết cân đối và san sẻ công việc nhà thì xung đột không xảy ra. Tuy nhiên, nếu như chỉ có người phụ nữ phải bận rộn lo chuyện cơm nước dọn dẹp sau các bữa nhậu triền miên của cánh nam giới thì có thể xảy ra xung đột", bác sĩ Thu cho hay.
Cô đơn
Trái ngược với sự sum họp gia đình là sự cô đơn. Nhiều người xuất hiện cảm giác cô độc trong khi các gia đình khác vẫn sum vầy dễ dàng khiến con người bị stress. Những người lần đầu ăn Tết xa quê, không thể về nhà có thể cảm thấy lạc lõng, u uất.
Áp lực tài chính
Cận Tết, chúng ta dễ "vung tay quá trán" sắm sửa, quà cáp, nhiều người phải đối mặt với áp lực tài chính. Thực tế, thời điểm cuối năm, khối lượng công việc gấp đôi, gấp ba ngày thường, kèm deadline (hạn chót) phải kết thúc trước Tết để đón năm mới khiến mọi người quá tải. Đồng thời, người phụ nữ phải lo toan thêm việc nhà, chuẩn bị mâm cơm Tết hay quà cáp nội ngoại cũng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, mệt mỏi về thể chất dễ kéo theo căng thẳng về tinh thần. Chưa kể, văn hóa mừng tuổi cũng dễ khiến bạn bội chi.
Nhìn chung, còn rất nhiều những xung đột gia đình khác có thể xuất hiện trong ngày Tết. Khi bị stress, mọi người có xu hướng ngủ nhiều hoặc ít hơn so với bình thường, mất hứng thú, khó tập trung, thường cảm thấy cô đơn, dễ cáu kỉnh, thích ở một mình.
Tình trạng này nếu kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần, là tiền đề gây nên các vấn đề khác nhau như trầm cảm, rối loạn lo âu. Nhiều người lạm dụng rượu bia, chất kích thích, suy giảm trí nhớ nghiêm trọng hơn.
Theo bác sĩ Thu, có nhiều cách để phòng ngừa stress trong ngày Tết, trong đó, bạn nên chấp nhận cảm xúc của mình, không nên che giấu để trầm trọng thêm.
"Điều này có nghĩa là bạn không nhất thiết phải vui mà hãy cho phép mình bộc lộ cảm xúc, thậm chí khóc, hoặc giãi bày với người xung quanh để thấu hiểu nhau hơn", bác sĩ nói.
Nếu thấy mình lạc lõng và cô đơn, nên chủ động kết nối với người khác. Bạn cũng có thể tạm gác lại những bất bình cho đến thời điểm thảo luận thích hợp hơn, và hãy thông cảm nếu người khác tỏ ra khó chịu hoặc hỏi những câu bạn không thích. Thay vào đó, hãy nghĩ tích cực rằng: "Mỗi người có một quan điểm riêng, hoặc có thể họ chỉ muốn quan tâm bạn nhiều hơn mà thôi".
Trước khi sắm Tết, hãy thử tính xem bạn có thể chi bao nhiêu tiền, sau đó bám chặt ngân sách của mình. Đừng cố gắng mua niềm vui ngắn hạn bằng những món đồ không cần thiết để rồi mất hàng tháng trời trả nợ. Bạn cũng không nên cảm thấy tội lỗi nếu mừng tuổi cho người thân ít.
Hãy duy trì các thói quen lành mạnh như ăn uống khoa học, ngủ đủ giấc, tập hít thở sâu, tránh lạm dụng rượu bia và thuốc lá. Bạn cũng nên điều chỉnh thời gian dành cho mạng xã hội để tránh tiếp nhận quá nhiều thông tin gây stress.
Nếu đã cố gắng mà vẫn cảm thấy buồn bã, mệt mỏi, mất ngủ, tuyệt vọng trong thời gian dài (khoảng 4-6 tuần) hoặc tình trạng này lặp đi lặp lại trong nhiều năm và diễn biến theo chiều hướng xấu đi, bạn nên tìm đến chuyên gia tâm lý.
Thúy Quỳnh