Với mục tiêu giúp mỗi người tự tin lên kế hoạch nghỉ hưu sớm, eBox chuyên đề thứ 3 "Nghỉ hưu an nhàn, an toàn tài chính" sẽ cung cấp kiến thức giúp bạn hiểu đúng về nghỉ hưu an nhàn, cách lên kế hoạch nghỉ hưu theo từng giai đoạn, cách ứng phó với những rủi ro có thể phá vỡ kế hoạch hay tìm hiểu về các sản phẩm cần cân nhắc khi nghỉ hưu... Dưới sự phân tích kỹ càng từ chuyên gia, eBox lựa chọn những nội dung thực tiễn và cần thiết nhất cho một kế hoạch nghỉ hưu an nhàn, cách phân bổ các khoản đầu tư, tiết kiệm... Kịch bản được xây dựng từ chính diễn giả là các chuyên gia uy tín, sẽ đem đến các bí quyết, kinh nghiệm, bài học thực tế thay vì mang tính lý thuyết. Độc giả có thể tìm hiểu và tham gia tại đây. |
Hầu như không ai có thể dự đoán chính xác những gì sẽ xảy ra với mình trong tương lai. Tuy nhiên, bạn có thể chuẩn bị trước để đón đầu mọi thứ bằng mọi khả năng của bản thân.
Mỗi người đều có những mục tiêu, mong muốn sẽ hoàn thành ở những giai đoạn khác của cuộc đời. Những mục tiêu này khó có thể đạt được nếu không có kế hoạch tài chính rõ ràng. Bất kỳ ai khi trưởng thành đều cần kế hoạch tài chính, bất kể khi đó có bao nhiêu tiền và bao nhiêu tuổi.
Thông thường, những người có ý định lập kế hoạch tài chính sẽ vạch ra từng bước trong hàng chục năm tới với các mục tiêu tiết kiệm và đầu tư cụ thể. Số còn lại, không có kế hoạch chi tiết thường nghĩ rằng mọi thứ sẽ ổn nếu dành một ít tiền mỗi tháng cho việc nghỉ hưu Tuy nhiên, nếu gặp phải những rủi ro bất ngờ, số tiền đó sẽ không thể nào đảm bảo cho bạn.
Theo Forbes, kế hoạch tài chính là sự đánh giá toàn diện về mức lương hiện tại và tình trạng tài chính trong tương lai của một cá nhân bằng cách sử dụng các biến hiện tại đã biết để dự đoán thu nhập, giá trị tài sản và kế hoạch rút tiền trong tương lai. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trung bình, người có kế hoạch tài chính nắm giữ tài sản nhiều hơn 60% so với người không có kế hoạch. Trang investopedia thì cho rằng, kế hoạch tài chính ghi lại các mục tiêu tài chính dài hạn của một cá nhân và tạo ra chiến lược để đạt được chúng.
Một vài lý do dưới đây sẽ giúp bạn hiểu tầm quan trọng của việc lập kế hoạch tài chính cuộc đời và cân nhắc việc sớm thực hiện điều đó:
Quản lý tốt thu chi, tiết kiệm, nợ, đầu tư
Khi lập kế hoạch tài chính cá nhân chi tiết, rõ ràng, bạn sẽ không phải tự hỏi những câu hỏi như không hiểu tiêu gì mà hết sạch tiền hay lo sợ chưa đến cuối tháng mà ví đã trống rỗng... Bạn sẽ cũng không phải lo lắng trước việc thiếu trước hụt sau.
Việc lập kế hoạch tài chính cá nhân giúp mỗi người biết dòng tiền của mình thay đổi cụ thể như thế nào, thu nhập được bao nhiêu, chi tiêu những việc gì... Bạn có thể quan sát, theo dõi và chủ động trong tất cả mọi với bản kế hoạch tài chính cá nhân trong tay.
Ngoài ra, không ít người có xu hướng sử dụng thẻ tín dụng hay vay tín dụng để mua nhà, ôtô... Những khoản này có thể trở thành bẫy nợ nếu không có một kế hoạch chi trả phù hợp.
Mỗi người cũng có thể tiết kiệm tiền mà không cần kế hoạch tài chính cá nhân. Tuy nhiên, đó không phải là cách hiệu quả nhất để tăng khoản tiết kiệm. Bằng cách lập một kế hoạch tài chính cho bản thân, bạn sẽ có cái nhìn cụ thể về các nguồn thu nhập và các lĩnh vực chi tiêu. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dành thời gian cho việc lên kế hoạch đầu tư để gia tăng số tiền đang có, nhờ đó, thêm yên tâm về nguồn tài chính dự phòng tương lai.
Sớm đạt được những mục tiêu trong cuộc sống
Kế hoạch tài chính cụ thể sẽ có những mốc thời gian để mỗi người tuân theo. Điều này giúp người lập kế hoạch tập trung vào cách quản lý tiền bạc và thời gian để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trong khi kế hoạch tài chính là con đường bạn sẽ đi thì số tiền đang sở hữu là công cụ bạn sử dụng để đạt được điều đó.
Lần đầu tiên lên một kế hoạch tài chính, bạn cần phải có những mục tiêu rõ ràng. Mục tiêu càng cụ thể càng tốt. Đơn cử như việc nếu muốn nghỉ hưu sớm, bạn cần phải đưa ra một độ tuổi cụ thể và số tiền cần phải tiết kiệm để đạt được mục tiêu đó.
Chủ động chuẩn bị cho các sự kiện lớn trong đời
Việc lập kế hoạch tài chính ở độ tuổi đôi mươi có thể đáng sợ bởi ở độ tuổi đó, không nhiều người chắc chắn về những kế hoạch, dự định của bản thân. Nhưng kế hoạch tài chính có thể linh hoạt và thay đổi khi mục tiêu, mong muốn của bạn thay đổi. Những sự kiện lớn cần đưa vào kế hoạch khi ở tuổi đôi mươi là mua nhà, lập gia đình, nghỉ hưu...
Một số cho rằng, kế hoạch tài chính không cần thiết với người độc thân nhưng sự thật là nếu có kế hoạch càng sớm, lộ trình thành công của bạn càng dễ dàng. Bởi khi lập gia đình và có con, bạn có thể thêm mục tiêu bổ sung là chi trả cho việc học đại học bên cạnh những dự định đã có từ trước. Nếu bạn chuẩn bị cho những sự kiện này ngay bây giờ, bạn sẽ sẵn sàng khi chúng xảy ra mà không bị bất ngờ hay phụ thuộc vào ai.
Tránh những stress về mặt tài chính
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên stress hay cãi vã trong gia đình là vì tiền bạc. Khi không có tài chính, gia đình thiếu thốn, những suy nghĩ như làm sao để trả đủ tiền thuê nhà, làm sao thanh toán được hoá đơn.... sẽ bủa vây bạn. Những điều này gây nên sự stress rất lớn và mệt mỏi trong tinh thần, từ đó, gián tiếp gây nên sự cãi vã trong gia đình.
Nếu có một kế hoạch tài chính cá nhân cụ thể và chi tiết nhất, bạn có thể tránh được vấn đề này, thậm chí, sống thoải mái và hạnh phúc hơn.
Hoàng Lâm
eBox là nền tảng chia sẻ kinh nghiệm do VnExpress xây dựng, nhằm giúp cộng đồng tiếp cận tri thức và những bài học thực chiến dễ dàng thông qua hình thức eConference - chia sẻ online từ chính những diễn giả đang tham gia sâu trong nhiều lĩnh vực. Với cốt lõi là bài học thực tiễn và giải pháp, eBox sẽ hỗ trợ đắc lực cho quá trình làm chủ cuộc sống và chinh phục thành công.
Độc giả có thể tham khảo chuyên đề Nghỉ hưu tại đây.