Có 4 kiểu tôn trọng mà bạn buộc phải tuân thủ trong đời sống, nếu muốn có được sự tôn trọng của mọi người.
Tôn trọng khuyết điểm của người khác
Con người không ai là hoàn hảo (nhân vô thập toàn). Mỗi người đều ít nhiều có nhược điểm, có thiếu sót. Trong cuộc sống, chúng ta chứng kiến những người khuyết tật tự nhiên, bị người khác cười nhạo. Cũng có những người có những điểm yếu mà rèn luyện mãi cũng không khá hơn được, bị người khác coi thường, chọc ghẹo. Nguyên nhân xâu sa của điều này, hoàn toàn là sự thiếu tôn trọng mà ra.
Tôn trọng người khác, cũng là tôn trọng chính mình. Khi bạn ngưng cười cợt điểm yếu của người khác, họ cũng sẽ không cười cợt điểm yếu của bạn. Một người biết tôn trọng người khác sẽ giống như không khí trong lành, khiến mọi người thấy dễ chịu, thoải mái khi tiếp cận. Ngược lại, kẻ hay chê cười người khác như không khí độc, chỉ khiến mọi người muốn bỏ chạy mà thôi.
Tôn trọng công việc của người khác
Tôn trọng công việc của người khác là quy tắc cơ bản mỗi người cần có trong cuộc sống, đây được coi là một "đức tính xã hội" thiết yếu.
Học sinh tôn trọng công việc của giáo viên, nhưng không chỉ tôn trọng bằng lời nói, mà còn là hành động, ví dụ như học tập chăm chỉ hơn, mang lại kết quả học tập tốt. Đấy là cốt lõi của sự tôn trọng.
Người qua đường tôn trọng công việc của cảnh sát giao thông, tuân thủ theo những hiệu lệnh của người cảnh sát, nhằm đảm bảo an toàn đường bộ cho bản thân, lẫn mọi người xung quanh.
Người dân tôn trọng công việc của một công nhân vệ sinh, tức là ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi. Nhờ vậy môi trường sống trở nên sạch sẽ hơn.
Trong cuộc sống, không có sự phân biệt giữa nghề nghiệp cao quý hay hèn hạ, tất cả mọi người bỏ ra sức lao động để đổi lấy thành quả chân chính, không vi phạm pháp luật, đều xứng đáng có được sự tôn trọng của người khác.
Tôn trọng thói quen, văn hóa của người khác
Khổng Tử nói: "Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa", tức là người quân tử khi ở giữa đám đông sẽ biết giữ hòa khí, tạo mối quan hệ tốt, nhưng không hề để mình giống với mọi người. Kẻ tiểu nhân ở với nhau lòng dạ như nhau, không có cách chi mà thuận hòa được.
Trong cuộc sống, mỗi người có những thói quen sống khác nhau, chứa đựng văn hóa, phong cách riêng, không ai là giống ai toàn vẹn. Thế nên, trong gia đình hay xã hội, tôn trọng thói quen của những người khác là điều kiện tiên quyết cho một mối quan hệ thuận hòa, một gia đình hạnh phúc.
Ví dụ, người chồng miền Trung thích ăn cay, nhưng người vợ lại ghét đồ cay nóng. Thế nên khi nấu, người chồng biết ý không cho cay vào nồi. Người vợ cũng hiểu sở thích của chồng, khi dọn mâm cơm đã đặt lên đĩa vài lát ớt cho chồng sử dụng. Đó gọi là tôn trọng sở thích, thói quen của người khác.
Đừng áp đặt thói quen của mình lên người khác. Cần phải học cách tôn trọng lẫn nhau, hòa nhập với nhau. Hẳn nhiên, tôn trọng cũng không phải là con đường một chiều, mà là hai chiều. Món quà quý giá nhất dành cho người thương yêu không phải hoa hay quà đắt tiền, mà là sự thấu hiểu và tôn trọng.
Tôn trọng ý tưởng và lựa chọn của người khác
Một phụ huynh có trình độ càng phải tôn trọng ý tưởng của con trẻ, thay vì suy nghĩ coi thường "chỉ là đứa trẻ ranh". Một người lãnh đạo có năng lực càng phải tôn trọng ý tưởng của cấp dưới, thay vì tư tưởng trù dập, coi thường.
Mỗi người là một cá thể độc lập trong xã hội, thế nên không ai có quyền dẹp bỏ ý tưởng, suy nghĩ của người khác và lấn át họ, đề cao mình. Hẳn nhiên bạn có thể bất đồng quan điểm với đối phương, nhưng bạn phải tôn trọng lựa chọn của họ, lắng nghe điều họ nói.
Giao tiếp là một con đường hai chiều. Nếu bạn tôn trọng ý tưởng và chọn lựa của người khác, họ cũng sẽ tôn trọng bạn và lắng nghe bạn. Ngược lại, họ cũng tìm cách chống đối bạn, coi thường bạn và "vượt mặt" bạn.
Trong đường đời, "tôn trọng" chính là khóa học bắt buộc của mỗi người. Điều đó không phản ánh bằng những lời hay ho đầu miệng, mà là biểu hiện tự nhiên bằng trái tim. Bạn có thể giàu hay nghèo khó, nhưng khi bạn tôn trọng người khác, bạn sẽ luôn tốt đẹp trong mắt họ.
Thùy Linh (Theo Aboluowang)