Một nghiên cứu từ Trường Y Harvard cho thấy, khi mới sinh não của trẻ em chỉ tương đương 25% bộ não người trưởng thành. Khi trẻ được 5-6 tuổi, não bộ đã phát triển từ 80% đến 85% so với sự phát triển toàn diện. Điều đó có nghĩa là từ 0-6 tuổi là giai đoạn quan trọng để phát triển trí não trẻ.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, não người có khoảng 140 nghìn tỷ tế bào. Con số này ở mọi người là tương tự nhau nhưng tỷ lệ sử dụng của mỗi người rất khác nhau. Tỷ lệ sử dụng tế bào não càng cao thì người đó càng thông minh. Các tế bào thần kinh đóng vai trò kết nối các tế bào não sẽ quyết định tỷ lệ sử dụng của các tế bào não. Não bộ càng nhiều tế bào thần kinh, hiệu suất sử dụng của các tế bào não càng cao và ngược lại.
Vậy làm thế nào có thể giúp các tế bào thần kinh hoạt động hiệu quả?
Tập thể dục
John Reddy, phó giáo sư Trường Y Harvard, đã nghiên cứu bí mật giữa việc tập thể dục và sự phát triển của não bộ. Nghiên cứu được thực hiện tại một trường ở ngoại ô Chicago, Mỹ. Chương trình giáo dục thể chất của giáo sư Reddy với 19.000 học sinh tham gia đã không chỉ khiến các học sinh trở thành nhóm học sinh khỏe mạnh nhất Mỹ so với các trường khác, đồng thời còn đứng thứ 6 về toán học và thứ nhất về khoa học - công nghệ trong một cuộc thi tổ chức năm 1999.
Ngoài ra, các thí nghiệm trên chuột cho thấy vùng đồi hải mã, chịu trách nhiệm về trí nhớ, lớn hơn 15% và nặng hơn 9% so với chuột không vận động. Đồng thời, đuôi gai và khớp thần kinh của tế bào thần kinh tăng 25%.
Do đó, cha mẹ nên khuyến khích con tập thể dục, vận động... Nên chủ động dẫn con đi tập luyện, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động cùng bạn bè.
Cho trẻ tham gia các trò chơi vận động kết hợp tư duy
Hồng Lan, một chuyên gia nổi tiếng của Đài Loan về khoa học thần kinh và tâm lý học thần kinh nhận thức, đã khẳng định rằng khi trẻ chơi các trò tư duy, một chất đặc biệt sẽ được sản sinh ra làm cho trẻ phát triển trí não.
Nên khuyên khích trẻ tham gia các trò chơi với bạn bè bởi các hoạt động này không chỉ khuyến khích trẻ tư duy mà còn học cách tương tác, mở rộng khả năng phát triển EQ.
Đọc sách
Nhà giáo dục người Nga Oleksandrovych Sukhomlynsky Vasyl từng nói: "Cách để trẻ thông minh hơn không phải là học thêm hay tăng lượng bài tập về nhà mà là đọc sách".
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học Tâm lý Mỹ tháng 1/2013 chỉ ra, đọc sách cho trẻ nghe theo cách tương tác có thể làm tăng chỉ số IQ của trẻ hơn 6 điểm. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra, những đứa trẻ có khả năng đọc có tiềm năng học tập lớn hơn. Trong khi nói là một bản năng, đọc là một thói quen. Đọc sách là để trẻ có cơ hội nhìn sâu vào thế giới, phát triển trí tuệ và cảm nhận cuộc sống đa chiều.
Trò chuyện với con
Các nhà khoa học từ Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Harvard và Đại học Pennsylvania đã phát hiện ra trong một nghiên cứu: Cách cha mẹ giao tiếp với con cái ảnh hưởng lớn đến cách tư duy của trẻ. Khi trẻ em càng trò chuyện thường xuyên với cha mẹ hàng ngày, vỏ não của chúng càng hoạt động nhiều hơn, chúng đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra về ngôn ngữ, ngữ pháp, khả năng hiểu... Đặc biệt, điều này không liên quan nhiều đến các yếu tố như điều kiện kinh tế gia đình và trình độ học vấn của bố mẹ.
Người đoạt giải Nobel vật lý Richard Feynman từng đề cập trong cuốn tự truyện "Xin chào, tôi là Feynman" rằng thành công của ông không thể tách rời ảnh hưởng của cha mình. Richard Feynman cũng cho biết, khi ông còn nhỏ, cha thường trò chuyện mỗi ngày.
Thùy Linh (Theo Aboluowang)