Còn lại, 22% số người tham gia khảo sát năm 2019 này cho biết họ không hề thân thiết với anh chị em trong nhà.
Theo chuyên gia tâm lý học Peg Streep của ĐH Columbia (Mỹ) một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là động lực gia đình khi họ còn nhỏ.
Sự đối xử phân biệt của cha mẹ
Sự thiên vị sẽ phá hủy mối quan hệ giữa những đứa con, đặc biệt khi cha mẹ đối với một trẻ là yêu thích, nâng niu, trong khi trẻ còn lại bị coi như một gánh nặng. Ví dụ, trong một gia đình có hai người con, người con trai út được mẹ thiên vị, chăm sóc hơn người con gái cả, dẫn đến tâm lý bất mãn của trẻ gái hình thành từ nhỏ cho tới lúc trưởng thành.
Sự ganh đua giữa anh chị em được cha mẹ tán thành
Trong một số gia đình, sự ganh đua giữa anh chị em đã đi vào từ điển của các bậc cha mẹ và được coi như điều bình thường, thậm chí là tốt cho con cái. Tất nhiên sự cạnh tranh lành mạnh là tốt, đặc biệt nếu những đứa trẻ ngang tài ngang sức và trẻ thua cuộc không bị đổ lỗi hay xấu hổ. Tuy nhiên, sự ganh đua sẽ trở thành điều tồi tệ khi người lớn tin rằng việc để đứa trẻ này đọ sức với đứa khác là truyền cảm hứng hoặc động lực. Nhiều cha mẹ thậm chí so sánh, áp đặt, khen thưởng trẻ thắng, chê trẻ thua khiến trẻ nảy sinh tâm lý bất mãn, hằn học với "đối thủ" của mình, dù đó là anh chị em ruột.
Tiền sử bị anh chị em ngược đãi, bắt nạt
Việc chấp nhận tình trạng ganh đua giữa anh chị em cũng khiến nhiều bậc cha mẹ không kịp thời xác định và ngăn chặn hành vi ngược đãi và bắt nạt giữa những đứa con.
Nhà trị liệu tâm lý Jonathan Caspi lưu ý rằng ngay cả các chuyên gia, các bác sĩ và nhà trị liệu đôi khi cũng thường coi nhẹ việc anh chị em trong nhà bắt nạt nhau nhưng hậu quả gây ra cho tâm lý những đứa trẻ hoàn toàn không nhỏ.
Định hướng cuộc sống khác nhau khi trưởng thành
Thời thơ ấu, anh chị em ruột thịt có thể rất thân thiết, gắn bó. Tuy nhiên, rạn nứt rõ rệt có thể xuất hiện ở tuổi trưởng thành, do lựa chọn khác nhau về sự nghiệp, chọn lựa bạn đời, môi trường sống. Điều này là dễ hiểu do mỗi người có một tính cách riêng, dẫn đến những lối đi riêng đôi khi xung đột.
Chuyên gia tâm lý Peg Streep tin rằng mâu thuẫn trong anh chị em ruột thịt không dễ xóa nhòa, ngay cả khi cha mẹ qua đời. Thông thường, khi cha mẹ mất, một người con trưởng thành nhất (ví dụ con trưởng) sẽ đảm nhận vai trò thay thế cha mẹ. Trong trường hợp này, nếu có sự hiện diện của vấn đề tài sản thừa kế, tiền bạc, mâu thuẫn của anh chị em càng khắc sâu. Việc hòa giải mối quan hệ này cũng không phải là dễ dàng, do mỗi cá nhân có quan điểm khác nhau về tầm quan trọng của mối quan hệ anh chị em ruột thịt.
Thùy Linh (Theo Psychology Today)