Theo giáo sư Stacey Steinberg từ Đại học Florida Levin (Mỹ), có bốn điều mọi phụ huynh cần xem xét trước khi chia sẻ mọi thứ liên quan đến trẻ con, từ thành tích, vấn đề sức khỏe đến những khoảnh khắc hài hước, lên mạng xã hội.
Thực hành trước khi dạy con
Vì đại dịch Covid-19, trẻ phải xa bạn bè và càng phụ thuộc vào công nghệ. Tuy nhiên, nếu muốn giảm thời gian online của con, bạn cũng cần tự nghĩ về khoảng thời gian online của mình.
Trẻ hay bắt chước hành vi của người lớn và nếu bố mẹ liên tục mở điện thoại xem mình có thêm lượt thích nào chưa, các con sẽ nhanh chóng học theo. Việc thường xuyên chụp ảnh, chia sẻ và kiểm tra mạng xã hội của người lớn khiến trẻ nghĩ rằng hành động này là phù hợp và được khuyến khích.
Càng dùng Internet nhiều, trẻ càng cần bố mẹ làm hình mẫu tốt và phụ huynh có thể đáp ứng kỳ vọng này bằng cách hỏi con trước khi đăng ảnh lên mạng xã hội, không dùng điện thoại trong thời gian dành cho gia đình và cân nhắc trước khi công khai các thông tin cá nhân.
Cho con quyền từ chối
Một khảo sát của đài BBC kết hợp với công ty truyền thông ComRes phát hiện, trẻ từ 10 tuổi trở lên phản ứng mạnh mẽ với việc chia sẻ ảnh của bố mẹ. Chúng muốn được bố mẹ hỏi ý kiến trước khi đăng câu chuyện và hình ảnh liên quan đến mình lên mạng xã hội.
Trước khi đăng bài về con mình, bố mẹ cần hỏi con xem chúng cảm thấy thế nào về điều này. Ngay cả những đứa trẻ bé cũng có quyền từ chối. Ai cũng muốn con mình lớn lên tôn trọng quyền cá nhân của người khác và một trong những cách tốt nhất để dạy trẻ điều này chính là bố mẹ phải tôn trọng quyền cá nhân của con.
Trong cuốn sách Screenwise, tác giả Devorah Heitner giải thích bằng cách xin phép con trước lúc đăng bài về chúng, bố mẹ sẽ dạy trẻ những bài học quý giá về kiểm soát bản thân, tôn trọng và trao quyền. Đứa trẻ cũng sẽ đưa ra những quyết định tốt hơn khi tự sử dụng mạng xã hội.
Không bóp méo ký ức của trẻ
Bố mẹ đăng tải những hình ảnh đã được lựa chọn và chỉnh sửa của con lên mạng xã hội có thể làm thay đổi ký ức thực tế của đứa trẻ. Các con sẽ không còn nhớ về lần đầu đi công viên theo trải nghiệm của bản thân mà bị "in" vào đầu những hình ảnh, câu chữ được bố mẹ biên soạn trên mạng xã hội.
"Hành động này có thể định hình trí nhớ của trẻ con và ảnh hưởng đến cái nhìn của chúng về bản thân", nhà báo Nadine Davidson-Wall viết trong. Bà cũng lưu ý thêm việc tạo ra một phiên bản khác của tuổi thơ con cũng có thể bóp méo ký ức của chính bố mẹ.
Hãy giúp trẻ nhìn cuộc đời qua lăng kính của chính con chứ không phải qua đôi mắt của bố mẹ.
Bảo vệ sự riêng tư của con
Bạn không thể hoàn toàn bảo vệ sự riêng tư của con nếu chia sẻ thông tin, hình ảnh của trẻ lên mạng xã hội. Tuy vậy, có những cách giúp bạn giảm thiểu rủi ro.
Đừng chia sẻ thông tin nhận dạng cá nhân như tên họ đầy đủ và ngày sinh. Hãy cân nhắc kỹ trước khi đăng các bức ảnh đáng xấu hổ. Nếu con bạn gặp vấn đề sức khỏe và bạn cần lời khuyên, hãy hạn chế đối tượng xem bài viết. Hãy xóa những bài đăng cũ nếu chúng không còn có ích với gia đình và đừng lưu ảnh trên các dịch vụ lưu trữ online.
Mạng xã hội là một công cụ mà nếu dùng đúng sẽ đem tới nhiều lợi ích như xây dựng các mối quan hệ và giúp con người kết nối với nhau. Tuy nhiên, bố mẹ đừng quên rằng trước khi đủ trưởng thành, trẻ cần người lớn đưa ra hộ những quyết định sáng suốt, cẩn trọng chứ không phải kể cho thế giới nghe những thông tin mà sau này có thể làm hại chúng.
Thu Nguyệt (Theo The Washington Post)