Sumiko Tan, nhà văn kiêm biên tập viên cao cấp tại Singapore, đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Ở tuổi 61, bà lên kế hoạch tỉ mỉ để đối mặt với những hệ quả của việc không sinh con.
Sumiko không hối tiếc về lựa chọn của mình nhưng đôi khi tự hỏi: Khi già đi, ai sẽ chăm sóc mình? Nỗi băn khoăn này càng lớn khi bà thường xuyên phải giúp mẹ giải quyết khó khăn hay đưa đi du lịch để tận hưởng tuổi già.
Thời trẻ, Sumiko từng nghĩ đến chuyện có con theo cách mơ hồ, lãng mạn. Bà hình dung những đứa trẻ đáng yêu quấn quýt bên cha mẹ. Nhưng nghĩ đến những áp lực tài chính, giáo dục hay trách nhiệm cả đời với chúng khiến bà lo sợ.
Có thời gian, bà tìm thấy niềm vui bên các cháu nhưng dần nhận ra rằng một người dì không thể là mẹ. Khi kết hôn ở tuổi 46, khao khát làm mẹ không còn nữa. Việc thích nghi với cuộc sống hôn nhân là một thử thách, chưa nói đến chuyện nuôi dạy con cái.
Lựa chọn không sinh con mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt về tài chính. Theo các nhà kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore, chi phí nuôi một đứa trẻ đến tuổi trưởng thành dao động từ 280.000 đến 560.000 USD, chưa tính các khoản hỗ trợ chúng mua nhà hay tổ chức đám cưới.
Không có con, Sumiko tiết kiệm được số tiền đáng kể, thoải mái sử dụng thu nhập, không phải lo lắng cho những thứ khác. Bà chủ động thời gian, làm việc đến khuya, tận hưởng kỳ nghỉ hay ăn uống ở nhà hàng.
Dù vậy, đôi khi Sumiko vẫn tự hỏi liệu quyết định này có khiến bà hối tiếc khi về già. Khi sức khỏe suy giảm, ai sẽ ở bên cạnh?

Nhà văn Sumiko Tan. Ảnh: WANG HUI FEN
Tại Singapore, nơi dân số già hóa nhanh, con cái mang lại nhiều lợi ích thực tế và tinh thần cho cha mẹ lớn tuổi. Ông Joe Tan, chuyên gia tại Care Corner Seniors Services, cho biết con cái trưởng thành thường hỗ trợ cha mẹ đi khám bệnh, sử dụng thiết bị số, chia sẻ gánh nặng tài chính và quan trọng nhất là mang đến sự đồng hành, giảm bớt cô đơn.
Nhưng Sumiko Tan sẽ không có những thứ đó. Vì vậy, bà và chồng đã lên kế hoạch chuẩn bị cho cuộc sống về già.
Dưới đây là những lời khuyên của các chuyên gia cho cuộc sống sắp tới của bà.
Về tài chính: Bà Lorna Tan, chuyên gia tài chính tại Ngân hàng DBS, cho biết những người không có con cần đảm bảo khả năng tự túc khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, nhiều người trì hoãn kế hoạch tài chính, chi tiêu xa xỉ và chủ quan.
Những người không con cần đặc biệt quan tâm đến chi phí chăm sóc sức khỏe và viện dưỡng lão. Như với Sumiko Tan, bà đã điều chỉnh lại chi tiêu, cắt giảm những khoản không cần thiết để tập trung vào tiết kiệm và đầu tư.
Bảo hiểm là một phần quan trọng trong kế hoạch tài chính. Sumiko Tan thừa nhận chưa đầu tư đủ vào bảo hiểm cho các bệnh hiểm nghèo như ung thư, đột quỵ hoặc đau tim. Bà chỉ có bảo hiểm khám chữa bệnh thông thường.
Tuy nhiên, chi phí bảo hiểm tăng cao theo độ tuổi trong khi một số công ty đặt giới hạn 60 tuổi để tham gia. Theo bà Lorna Tan, dù đắt đỏ, đây vẫn là khoản đáng cân nhắc tùy vào tình trạng sức khỏe và tài chính.
Nhà ở: Sumiko Tan hy vọng có thể sống trọn đời trong ngôi nhà hiện tại nhưng cũng chuẩn bị phương án chuyển đến không gian nhỏ hơn, dễ bảo trì và tiết kiệm chi phí hơn.
"Nhưng nếu tôi cần sự chăm sóc đặc biệt mà người giúp việc tại nhà không thể đáp ứng thì sao? Tôi có phải chuyển vào viện dưỡng lão không? Đây là điều tôi vẫn tránh nghĩ đến", Tan nói.
Theo tìm hiểu của bà, chi phí viện dưỡng lão tư nhân tại Singapore có thể lên tới 7.000 USD mỗi tháng. Các cơ sở cao cấp với phòng riêng có thể từ 10.000 USD trở lên, chưa bao gồm vật tư y tế và vật lý trị liệu.
Kế hoạch thừa kế: Luật sư Tan Hui Qing, chuyên gia tại Harry Elias Partnership, khuyến nghị những người không có con sớm lập Giấy ủy quyền lâu dài (LPA), Chỉ thị Y tế Nâng cao (AMD) và di chúc để quản lý tài sản.
"Nếu không có di chúc, tài sản sẽ được phân chia theo luật định, ưu tiên thành viên gia đình. Nhiều cặp vợ chồng không con muốn quyên góp tài sản cho tổ chức từ thiện. Nhưng nếu không nêu rõ trong di chúc, tài sản sẽ thuộc về người thân theo luật định", luật sư Tan Hui Qing nói.
Phúc lợi xã hội và sự chăm sóc: Ông Tan (Care Corner) cho biết những người độc thân hoặc không có con thường ít kết nối xã hội, dễ rơi vào cô đơn, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Theo thời gian, họ có thể quen với sự cô lập, mất hứng thú với các hoạt động xã hội và dần tách rời cộng đồng.
Ông khuyến khích người cao tuổi không có con mở rộng mối quan hệ, gắn kết với đại gia đình, bạn bè, tham gia các hoạt động tại trung tâm người cao tuổi hoặc làm tình nguyện viên để duy trì kết nối, cải thiện tinh thần. Những người có mạng lưới xã hội vững chắc thường sống độc lập và có khả năng phục hồi tốt hơn, dù có con hay không.
Với Sumiko Tan, khi hiểu được tầm quan trọng của các mối quan hệ xã hội, bà chấp nhận thực tế không có con là điều không thể thay đổi. "Việc quan trọng nhất bây giờ là sắp xếp mọi thứ để chuẩn bị cho tuổi già", người phụ nữ 61 tuổi chia sẻ.
Minh Phương (Theo Straitstimes)