Sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó
Điều mà cấp trên quan tâm nhất chính là làm thế nào để đạt được những thành tựu trong công việc. Thành tựu đó không thể tách rời sự hợp tác của cấp dưới. Công việc của tập thể liên quan chặt chẽ tới tất cả các bộ phận, một mình người sếp không thể nào tự mình làm được.
Khi đứng trước một nhiệm vụ khó mà cấp trên giao phó, không ít người có xu hướng thoái thác, sợ lãnh trách nhiệm, sợ khó khăn. Chỉ những người sẵn sàng đứng lên nhận công việc này sẽ được cấp trên ghi nhận và đánh giá tốt. Chẳng sếp nào thích nhân viên "mặc cả" với mình, thay vì thế, luôn thích những nhân viên sẵn sàng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm với mình.
Khả năng hoàn thành tốt công việc
Công việc có được thực hiện tốt hay không là tiêu chí chính để cấp trên đánh giá cấp dưới. Trong một đơn vị, công việc của từng vị trí có liên quan trực tiếp đến lợi ích chung của toàn tập thể. Nếu một công việc không được thực hiện tốt, nó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích chung. Vì vậy, làm tốt công việc được giao là điều kiện tiên quyết để cấp dưới có được sự ghi nhận, tin tưởng của lãnh đạo.
Biết chia sẻ
Trong các bài phát biểu về thành tích, bạn thường nghe thấy những lời mở đầu dạng "Thành công đạt được là nhờ vào sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, bạn bè... ". Nghe điều này có vẻ sáo rỗng, nhưng thực chất, nó lại có tác dụng rất lớn, khiến người khác đánh giá rằng bạn khiêm tốn, thận trọng, nhờ thế giảm thiểu sự ghen ghét, đố kỵ của người khác.
Hẳn nhiên ai cũng muốn sở hữu những thứ tốt nhất, thay vì tâm lý nhường nó cho người khác. Đây vốn là một điều rất bình thường, là bản chất con người. Tuy nhiên, trong mắt người cấp trên, một nhân viên không quá quan tâm đến việc mình có gì, sẵn sàng chia sẻ lợi ích với những người xung quanh thực sự là một nhân viên giá trị.
Biết cách nói chuyện với cấp trên
Giao tiếp với cấp trên luôn là một nghệ thuật. Trước mặt người lãnh đạo, nếu bạn cứ ba hoa thể hiện năng lực của mình, bạn sẽ bị đánh giá là một kẻ ngạo mạn. Nhưng nếu bạn khúm núm, khiêm tốn thái quá, bạn sẽ đánh mất cơ hội thể hiện bản thân. Do đó, trong giao tiếp với cấp trên, cần có một sự "hiểu biết ngầm".
Trong giao tiếp giữa nhân viên và lãnh đạo, cấp trên chú ý đến những nhân viên nhìn thấy điểm mạnh của họ, lắng nghe họ nói, sẵn sàng đặt câu hỏi. Sếp cũng đánh giá cao những cuộc trò chuyện với các chủ đề tự nhiên, sinh động, thay vì những câu hỏi cứng nhắc. Bằng cách đó, những người lãnh đạo sẽ đánh giá cao kiến thức, sự hiểu biết của cấp dưới.
Đừng nói với sếp những câu chuyện về mặt chuyên môn mà họ không hiểu, điều đó sẽ khiến họ cảm thấy bạn đang gây khó khăn cho mình, thậm chí đe dọa vị trí của mình. Điều này vô tình sẽ gây khó khăn cho bạn trong tương lai.
Thùy Linh (Theo Aboluowang)