Huyền Trân công chúa
Công chúa Huyền Trân (1287-1340) là con gái vua Trần Nhân Tông và hoàng hậu Thiên Cảm, em gái của Trần Anh Tông. Sách Việt sử giai thoại viết: "Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), thực hiện lời hứa trước đó của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, vua Trần Anh Tông đem Công chúa Huyền Trân gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân. Đáp lại, Chế Mân đã đem đất hai châu Ô và Lý - vùng tương ứng với phần phía Nam tỉnh Quảng Trị và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên ngày nay - dâng cho Đại Việt làm sính lễ".
Một năm sau, Chế Mân chết, Huyền Trân công chúa được vua Anh Tông sai tướng Trần Khắc Chung cướp về (vì theo tục lệ Chiêm Thành, hễ Vua mất thì Hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu để chết theo). Sau đó bà xuất gia rồi mất vào năm 1340. Dân chúng quanh vùng thương tiếc, tôn bà là Thần Mẫu và lập đền thờ cạnh chùa Nộm Sơn. Ngày bà mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế.
Câu chuyện về công chúa được truyền tụng trong dân gian, khiến Huyền Trân trở thành một trong những công chúa nổi tiếng nhất và ảnh hưởng nhất trong lịch sử Việt Nam. Các triều đại sau đều sắc phong bà là thần hộ quốc. Hoàng đế triều Nguyễn ban chiếu đền ơn công chúa "trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng", nâng bậc tăng là Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần.
An Tư công chúa
An Tư công chúa, còn gọi là Thiên Tư công chúa, là con gái út của vua Trần Thái Tông (1218-1277). Bà cũng là em gái của Trần Thánh Tông và là cô ruột của Trần Nhân Tông. Cuộc đời của An Tư công chúa được sử Việt chép rất sơ lược, không rõ cả năm sinh năm mất.
Trong Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ chỉ ghi: "Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông; quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được; ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Thiên Tư Công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước".
Đầu năm 1285, quân đội nhà Nguyên đã đánh tới Gia Lâm vây hãm Thăng Long. Thánh Tông Thái thượng hoàng và vua Trần Nhân Tông đi thuyền nhỏ ra vùng Tam Trĩ, còn thuyền ngự thì đưa ra vùng Ngọc Sơn để đánh lạc hướng đối phương nhưng quân Nguyên vẫn phát hiện ra. Ngày 9/3 cùng năm, thủy quân Nguyên đã bao vây Tam Trĩ suýt bắt được hai vua.
Để có thời gian củng cố lực lượng, Thượng hoàng Trần Thánh Tông bất đắc dĩ phải dùng đến kế mỹ nhân, dâng em gái út của mình cho tướng Thoát Hoan để tạm cầu hòa. Sau đó, quân Trần bắt đầu phản công, quân Nguyên đại bại. Trấn Nam vương Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt đã phải "chui vào cái ống đồng để lên xe bắt quân kéo chạy" để về Tàu.
Chiến thắng, hoàng tộc Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, nhưng không ai nói đến An Tư công chúa. Không rõ công chúa còn hay mất, được mang về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân. Chỉ có sách An Nam chí lược của Lê Tắc Trắc - một thuộc hạ của Trần Ích Tắc và Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong chép rằng: "Trước Thái tử (Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con...".
Giáo sư Phạm Đức Dương, Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á cho rằng nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì đã 3 lần chiến thắng quân Nguyên, đội quân đã từng làm mưa làm gió khắp Á - Âu. Trong chiến công chung đó người ta ghi nhận sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ, trong số ấy có công chúa An Tư.
Theo ông, người con gái "lá ngọc cành vàng" ấy vì nợ nước đã ra đi không trở lại. Nhưng trớ trêu thay, sau chiến thắng quân Nguyên, tháng 7/1285, vua trở về kinh thành hân hoan khen thưởng những người có công, nhưng không ai nhắc tới công chúa An Tư.
Công chúa Ngọc Vạn
Công chúa (công nữ) Ngọc Vạn, họ tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, không rõ năm sinh, năm mất, là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (ở ngôi: 1613-1635). Bối cảnh lịch sử lúc này, tuy nhà Lê vẫn là vương triều chính thống, tuy nhiên quyền lực thực sự nằm trong tay Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Vì vậy, một số tài liệu gọi bà là công nữ (con chúa), chứ không gọi là công chúa (con vua).
Năm 1620, Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II và trở thành Hoàng hậu nước này với tước hiệu là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac. Nhờ có cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa hai nước được tốt đẹp, để chúa Nguyễn có thể dồn lực lại hòng đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đồng thời cũng tạo thêm cơ hội cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam.
Chuyện công nữ Ngọc Vạn không được sử nhà Nguyễn đề cập đến, Giáo sư Phan Khoang trong cuốn Việt sử Đàng Trong viết rằng: "Việc này, sử ta không chép, có lẽ các sử thần nhà Nguyễn cho là việc không đẹp, nên giấu đi chăng? Nhưng nếu họ quan niệm như vậy thì không đúng. Hôn nhân chính trị, nhiều nước đã dùng, còn ở nước ta thì chính sách ấy đã đem lại nhiều lợi ích quan trọng....
Sử ta không chép, nhưng theo các sách sử Cao Miên do các nhà học giả Pháp biên soạn, mà họ lấy sử liệu Cao Miên để biên soạn, thì quả Chey Chetta II năm 1620 có cưới một công nữ con chúa Nguyễn. Giáo sĩ Borri, ở Đàng Trong trong thời gian ấy cũng có nói đến cuộc hôn nhân này".
Công chúa Ngọc Khoa
Ngọc Khoa tên đầy đủ Nguyễn Phúc Ngọc Khoa, là con gái thứ 3 của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và là em gái công chúa Ngọc Vạn. Tương tự như số phận của chị gái, Ngọc Khoa cũng không được sử sách nhắc tới. Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, phần tiểu truyện của Ngọc Khoa cũng đề là "khuyết truyện".
Tuy nhiên, sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, do chính Hội Đồng Nguyễn Phúc tộc viết lại, đã chép rằng: "Năm Tân Mùi (1631) bà (Ngọc Khoa) được đức Hy Tông (Sãi Vương) gả cho vua Chiêm Thành là Pôrômê. Nhờ có cuộc hôn phối nầy mà tình giao hảo giữa hai nước Việt Chiêm được tốt đẹp...".
Nhận xét về vai trò của Ngọc Vạn, Tiến sĩ Trần Thuận cho rằng cuộc hôn nhân này dù không được sử nhà Nguyễn ghi chép vì một lý do nào đó. Song, xét đến cùng đây là một cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử dân tộc Việt Nam...
"Trong lịch sử dân tộc, từng có những người phụ nữ làm nên đại cuộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu... góp phần giành giữ nền độc lập cho Tổ quốc, và cũng từng có những người phụ nữ lặng lẽ hy sinh để cha anh làm nên nghiệp lớn như Huyền Trân, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa... Chính họ là những con người làm nên lịch sử. Thật đáng kính thay!", Tiến sĩ Trần Thuận nhận xét.
Trung Sơn