Theo một khảo sát năm 2024 của Trung tâm Chính sách Công Annenberg, Đại học Pennsylvania, hơn 60% người Mỹ không biết rằng tiêu thụ rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư. Trước khi rời nhiệm sở vào tháng 1, cựu Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy kêu gọi dán nhãn cảnh báo trên đồ uống có cồn nhằm nhấn mạnh mối liên hệ giữa rượu và ung thư.
"Rượu là nguyên nhân có thể phòng tránh được của ung thư, gây ra khoảng 100.000 ca mắc mới và 20.000 ca tử vong mỗi năm tại Mỹ, cao hơn số ca tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến rượu mỗi năm," Murthy cho biết trong thông cáo báo chí ngày 3/1 kèm với báo cáo Khuyến nghị của Tổng Y sĩ về rượu bia và nguy cơ ung thư.
Một trong những điểm đáng chú ý của báo cáo là ngay cả khi không uống rượu quá mức hoặc mắc chứng rối loạn sử dụng rượu, nguy cơ ung thư vẫn tồn tại. Chỉ uống một ly rượu mỗi ngày cũng đủ gây hại. Năm 2020, hơn 741.000 ca ung thư trên toàn cầu có liên quan đến rượu bia. Tỷ lệ ung thư ở nhóm uống hai ly hoặc ít hơn mỗi ngày (25%) gần bằng nhóm uống 6 ly trở lên mỗi ngày (26%).
Câu hỏi đặt ra là "Rượu bia gây ung thư như thế nào?" Báo cáo của Tổng Y sĩ Mỹ chỉ ra bốn cơ chế cụ thể.
Cơ thể chuyển hóa rượu thành hóa chất độc hại
Mọi thứ con người ăn uống đều được cơ thể phân hủy thành các thành phần cơ bản để hấp thụ chất dinh dưỡng và đào thải phần không cần thiết, Tiến sĩ Mikkael Sekeres, Trưởng khoa Huyết học tại Trung tâm Ung thư Toàn diện Sylvester, Đại học Miami, cho biết.
Khi tiêu thụ rượu bia, cơ thể sẽ chuyển hóa ethanol thành acetaldehyde, một hóa chất độc có thể làm tổn thương DNA.
"Ung thư là tình trạng tế bào phát triển bất thường và mất khả năng phản ứng với tín hiệu ngừng sinh trưởng của cơ thể. Nguyên nhân gây ra sự phát triển bất thường đó chính là tổn thương DNA khi tế bào phân chia, tạo ra tế bào có DNA bị hỏng, giúp chúng có lợi thế phát triển hơn so với các tế bào xung quanh", Sekeres giải thích.
Ông nhấn mạnh acetaldehyde chính là cầu nối giữa rượu bia và tổn thương DNA - ít nhất là với những tế bào có khả năng phát triển mất kiểm soát, vốn là đặc trưng của ung thư.
Rượu gây viêm nhiễm
Chất chống oxy hóa thường được nhắc đến như một yếu tố có lợi cho sức khỏe, với các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như củ dền hay việt quất có thể giúp bảo vệ tế bào. Ngược lại, rượu bia tạo ra các phân tử không ổn định gọi là gốc oxy hóa (reactive oxygen species), còn gọi là gốc tự do. Chúng có thể phá hủy DNA, RNA, protein và thậm chí gây chết tế bào. Chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi những tổn thương này.
"Một cách khác để hiểu về cơ chế gây ung thư là bất kỳ yếu tố nào khiến tế bào liên tục tăng sinh thì sẽ làm tăng khả năng xảy ra sai sót trong quá trình đó, từ đó dẫn đến ung thư", Sekeres nói.
Căng thẳng oxy hóa do rượu gây ra chính là yếu tố thúc đẩy viêm nhiễm, dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của tế bào.
Rượu làm tăng estrogen, tăng nguy cơ ung thư vú
Uống rượu bia ảnh hưởng đến mức hormone trong cơ thể, đặc biệt là estrogen - loại hormone có liên quan đến ung thư vú, theo Tiến sĩ Douglas Marks, chuyên gia ung thư vú tại NYU Langone Health.
"Rượu bia có thể làm tăng nồng độ estrogen trong cơ thể, chủ yếu thông qua tác động lên gan. Thông thường, gan có chức năng chuyển hóa estrogen, nhưng khi uống rượu, quá trình phân hủy estrogen bị chậm lại, khiến nồng độ hormone này trong cơ thể tăng cao", Marks giải thích.
Ngoài ra, rượu bia còn có thể kích thích sản xuất estrogen, từ đó kích thích mô vú và làm tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư vú.
Rượu giúp cơ thể hấp thụ các chất gây ung thư khác, nhất là thuốc lá
Rượu đặc biệt nguy hiểm đối với những người có thói quen hút thuốc lá. Khói thuốc lá chứa nhiều chất gây ung thư, và khi hòa tan trong rượu bia, những chất này sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể hơn, làm tăng nguy cơ ung thư miệng và họng.
"Tôi cho rằng còn một cơ chế khác nữa. Nhiều người có thói quen hút thuốc khi uống bia, rượu hoặc rượu vang. Vì vậy, có thể nguy cơ ung thư không chỉ đến từ rượu mà còn từ việc hút thuốc – một hành vi có nguy cơ cao", Sekeres nhận định.
Có "ngưỡng uống rượu an toàn" hay không?
Báo cáo của Tổng Y sĩ Mỹ nhấn mạnh mối liên hệ giữa rượu bia và ít nhất bảy loại ung thư, gồm ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư thực quản, ung thư gan, ung thư khoang miệng, ung thư hầu họng, ung thư thanh quản.
"Với từng cá nhân, uống rượu trong những dịp đặc biệt hoặc thỉnh thoảng có thể không làm tăng quá nhiều nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, uống thường xuyên lại có rủi ro cao hơn – đặc biệt là từ hai ly trở lên mỗi ngày, thậm chí cả một ly mỗi ngày cũng làm tăng nguy cơ", báo cáo nêu rõ.
Do mối liên hệ rõ ràng giữa rượu bia và ung thư, Sekeres khuyến nghị mỗi người nên cân nhắc thói quen uống rượu của mình và tổng thể sức khỏe.
"Mỗi người cần đưa ra quyết định về mức độ rủi ro mà họ sẵn sàng chấp nhận khi tham gia vào một hành vi mà họ cho là mang lại niềm vui," ông nói.
Thục Linh (Theo Fortune)