Các nghiên cứu chỉ ra, rất nhiều điều xảy ra trong quá trình phát triển não bộ và cơ thể của trẻ 8-9 tuổi, khiến cảm xúc của trẻ ở giai đoạn này có thể phức tạp và khó quan sát. Trong khi đó, cha mẹ ở giai đoạn này phải giải quyết các vấn đề lớn hơn như phát triển nhận thức và hiểu các chuẩn mực xã hội cho trẻ.
Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Mary Ann Little chia sẻ, trẻ 8 tuổi có những bước nhảy vọt về nhận thức khi chúng phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, toán và viết ở bậc cao hơn. Cô chỉ ra, trẻ đang nghiên cứu để hiểu nguyên nhân và kết quả cũng như cách mọi thứ vận hành. Đạo đức và các giá trị nhân cách cũng đang bắt đầu phát triển. Mặc dù chưa nhất thiết phải trải qua tuổi dậy thì, trẻ dần trở nên ý thức hơn về cơ thể đang phát triển của mình.
Về mặt phát triển cảm xúc, giai đoạn này, trẻ em đang thử nghiệm tính độc lập và tìm hiểu xem chúng là ai. Các em ngày càng có khao khát được thuộc về một nhóm và tìm được vị trí của mình trong trật tự xã hội, dù ở trường học, nhà thờ hay thể thao. Nói cách khác, những đứa trẻ 8-9 tuổi đang định hướng thế giới theo những cách hoàn toàn mới, giúp trẻ khẳng định sự độc lập của mình.
Tiến sĩ Little chia sẻ nhiều cha mẹ cho biết tính bướng bỉnh hoặc khó chịu của con họ ở độ tuổi này ngày càng tăng. Khi chúng thử nghiệm quyền tự chủ, bạn có thể thấy con mình trở nên nhạy cảm hơn, đòi hỏi khắt khe hơn và khó tính hơn.
Vậy các bậc cha mẹ nên làm gì với trẻ ở giai đoạn này?
Kiên nhẫn hơn
Tính kiên nhẫn rất quan trọng. Có thể cha mẹ cần phải hít thở sâu vài lần nhưng hiểu rằng con đang ở giữa giai đoạn chuyển đổi phát triển có thể giúp bạn giữ bình tĩnh thay vì phản ứng. Tiến sĩ Little nói, trẻ vừa muốn là người lớn vừa muốn được cha mẹ ôm như đứa bé. Do đó, cha mẹ cần đồng cảm với những cảm xúc của con. Cần có thêm một chút tình yêu thương để hiểu con.
Hạn chế mạng xã hội
Mạng xã hội thậm chí có thể ảnh hưởng đến hành vi của trẻ sớm hơn dự kiến. Việc so sánh bản thân với bạn bè và các chuẩn mực xã hội ở độ tuổi dễ bị tổn thương này có thể là một thách thức. Do vậy, lý tưởng nhất là hạn chế mạng xã hội hoặc trò chuyện cởi mở với con về những gì con bạn nhìn thấy trên mạng.
Huấn luyện nhưng không kiểm soát
Điều cần thiết là huấn luyện và hướng dẫn con để chúng có thể học cách giải quyết vấn đề và điều chỉnh cảm xúc của mình. Cần giúp trẻ học cách xác định và quản lý những cảm xúc đang phát triển nhanh chóng của chúng, một kỹ năng quan trọng sẽ phục vụ tốt cho chúng trong cuộc sống tương lai.
Cha mẹ nên làm việc với con cái để đề ra những trách nhiệm phù hợp với lứa tuổi. Đồng thời, bạn có thể nuôi dưỡng tính độc lập bằng cách để trẻ tự chọn quần áo hoặc cho phép trẻ dành nhiều thời gian hơn với bạn bè. Điều này cho phép trẻ có cơ hội khám phá mong muốn của bản thân trong một môi trường an toàn.
Hãy nhớ rằng con vẫn cần bạn ngay cả khi chúng đẩy bạn ra xa
Con bạn cần được hỗ trợ ngay cả khi chúng tỏ ra là người lớn. Do đó, nên gần gũi với trẻ. Khi bạn rèn luyện kỹ năng giao tiếp và tin tưởng trẻ, bạn sẽ tạo được nền tảng vững chắc cho mối quan hệ của mình khi con bước sang tuổi mười hai, thiếu niên và hơn thế nữa.
Thùy Linh (Theo Motherly)