Kỳ thi vào trường THPT chuyên Anh thường là cuộc đua khá khắc nghiệt với các em học sinh. Mặc dù kéo dài 120 phút, nhưng đề thi những năm gần đây được các chuyên gia đánh giá là khó, nội dung kiểm tra hầu hết các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Ngoài ra, thí sinh còn phải biết vận dụng kiến thức thực tế, khả năng tổng hợp mới hy vọng đạt kết quả tốt.
Từng nhiều năm làm việc và nghiên cứu về chương trình Anh ngữ bậc THCS, thạc sĩ Tô Ngân Hà - chuyên gia phụ trách chương trình tiếng Anh chuyên cho học sinh THCS tại Language Link, chia sẻ một số điểm nên lưu ý dành cho các thí sinh dự thi năm nay:
Cách làm bài nghe
Ngay khi nhận đề thi, thay vì tập trung vào làm bài ngay, thí sinh nên dành thời gian đọc lướt thật nhanh tất cả các câu hỏi và cố gắng dự đoán các câu trả lời có thể, ví dụ như thông tin về tên, tuổi, nghề nghiệp, số điện thoại…
Với phần nghe, thí sinh phải dùng suy luận để đoán xem mình sẽ nghe những thông tin gì để điền vào chỗ trống hoặc đoán xem loại từ gì (danh từ, tính từ, động từ hay mạo từ, đại từ hay thậm chí là con số). Việc đưa ra phán đoán giúp bạn khoanh vùng được câu trả lời và xác suất lựa chọn đáp án đúng nhiều hơn.
Nếu không nghe được một câu nào đó thì hãy mạnh dạn bỏ qua và tiếp tục nghe câu khác để không bỏ lỡ các câu tiếp theo.

Theo Thạc sĩ Tô Ngân Hà, ngoài kiến thức, thí sinh phải nắm vững các kỹ năng mới có thể đạt điểm cao trong các kỳ thi tiếng Anh.
Cách làm bài đọc
Muốn làm tốt bài đọc, thí sinh cần nắm được một số kỹ năng đọc cơ bản để áp dụng khi làm bài thi.
Đọc lướt (Skimming): Khi bắt đầu làm bài nạn nên đọc lướt các tiêu đề, câu chủ đoạn và kết đoạn, các danh từ và động từ chính của các câu đó để nắm được nội dung chính của bài. Với những câu hỏi về ý chính của bài đọc hoặc khi tiếp cận với đoạn văn dài, kỹ năng này giúp bạn nắm bắt thông tin quan trọng để quyết định có nên đọc kỹ đoạn văn đó không.
Lưu ý, để thực hiện được phương pháp này, bạn cần xác định đoạn văn được viết theo cách nào. Chẳng hạn với dạng diễn dịch, câu chủ đề thường là câu đầu tiên, nhưng nếu bài đọc trình bày theo cách quy nạp, câu chủ đề sẽ nằm ở cuối bài.
Đọc lấy thông tin cụ thể (Scanning): Phương pháp đọc nhanh với mục đích tìm kiếm dữ liệu hoặc thông tin cụ thể cần thiết cho việc trả lời câu hỏ như tên riêng, số liệu, ngày tháng, hoặc các cụm từ mà không cần nắm được nội dung của bài đọc.
Với phương pháp này, bạn phải luôn luôn định hướng và ghi nhớ trong đầu rằng mình đang tìm kiếm thông tin gì. Xác định xem thông tin đó có trong đoạn nào của bài viết và đọc lướt một lượt để định vị chính xác vị trí của thông tin cần tìm.
Cách làm bài viết
Có 3 dạng bài viết cơ bản trong đề thi tiếng Anh: Viết lại câu (đảo lại cấu trúc câu từ câu cho sẵn), sắp xếp các từ thành câu hoàn chỉnh và viết một đoạn văn theo chủ đề. Dưới đây là cách giúp bạn viết một đoạn văn mạch lạc, đủ ý:
Trước tiên phải viết câu chủ đề nêu khái quát ý của bài; kiểm tra lại câu chủ đề để biết chắc trong câu có chủ đề (topic) và ý chính (controlling idea). Sau đó tìm ý để diễn giải ý chính bằng cách đặt các câu hỏi mở đầu bằng từ nghi vấn như What, When, Where, Why, How và sau đó tự trả lời để tạo thành đoạn văn hoàn chỉnh. Do độ dài của đoạn văn bị khống chế nên bạn chỉ cần đặt khoảng 5 câu hỏi và các câu hỏi phải liên quan đến câu chủ đề.
Khi đã có các câu trả lời cho các câu hỏi bạn hãy ráp chúng lại thành một đoạn văn hoàn chỉnh. Mấu chốt ở bước này là bạn phải biết chắc mình đang sử dụng trật tự nào để ráp nối các câu phát triển ý và nhớ dùng từ nối để liên kết ý.
Khi đã có một đoạn văn, thí sinh cân nhắc có nên viết câu kết hay không. Nếu không chắc chắn thì bỏ qua bước này vì thông thường câu kết được thực hiện bằng cách viết lại câu chủ đề theo một dạng khác.
Bước cuối cùng là kiểm tra lại các lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp có thể có trong từng câu viết của bạn.
Kỹ năng làm bài chọn đáp án đúng (multiple choice)
Dạng câu hỏi chọn đáp án đúng thường xuất hiện ở cả bài nghe và đọc. Nhiều thí sinh cho rằng đây là dạng bài dễ vì có sẵn các đáp án để lựa chọn, nhưng các em rất dễ bị đề thi đánh lừa.
Với câu hỏi dạng này ở bài nghe, bạn hãy đọc câu hỏi, gạch chân các từ khóa trong câu hỏi và lựa chọn trước khi nghe. Sau đó vừa tập trung nghe vừa ghi chú lại các nội dung nghe được và tìm ra đáp án phù hợp nhất.
Ở bài đọc, bạn cần đọc không chỉ câu có chứa chỗ trống cần điền mà cả câu trước và sau nó để nắm rõ ý và xác định từ cần điền đóng vai trò ngữ pháp, nghĩa và thuộc từ loại nào. Khi có đủ thời gian, bạn có thể phân tích kỹ từng đáp án để tìm ra câu trả lời đúng. Tuy nhiên, nếu thời gian không còn nhiều, bạn nên sử dụng kỹ năng phỏng đoán, tìm phương án sai để loại bỏ dần thì xác suất của đáp án đúng sẽ tăng lên. Theo kinh nghiệm, đọc đến lần thứ 2 mà vẫn không có câu trả lời chính xác thì bạn nên áp dụng kỹ năng phỏng đoán để khoanh đáp án cho kịp thời gian thi.
N.Loan
Trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi, Thạc sĩ Tô Ngân Hà và các chuyên gia của chương trình Tiếng Anh Chuyên THCS của Language Link sẽ tư vấn cách làm bài thi và ôn thi hiệu quả để các bạn có sự chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi thật sẽ diễn ra vào đầu tháng 6. Xem thêm thông tin tại Facebook của Language Link Việt Nam.