Nhìn vào tất cả các đô thị đông dân trên toàn thế giới, chúng ta có thể thấy một qui luật chung là đô thị nào có hệ thống giao thông công cộng chiếm tỷ lệ áp đảo, nơi đó sẽ không có vấn đề tắc nghẽn giao thông.
Đô thị nào mà tỷ lệ các phương tiện cá nhân còn cao thì ở đó chắc chắn có vấn đề tắc nghẽn.
Dưới đây là giải pháp bao gồm 4 nội dung công việc, hy vọng có thể giúp Bộ Giao thông giải quyết triệt để được vấn đề tắc nghẽn giao thông:
1. Cần coi những người đi bộ để tham gia giao thông công cộng là khách hàng, thượng đế.
2. Xây dựng cho được một hệ thống xe buýt mới hoàn hảo, tiện nghi, văn minh, lịch sự, hiện đại phủ kín khắp thành phố, với cước phí hợp lý, đáp ứng được đến 70% - 90% nhu cầu đi lại.
Người dân có thể vào bất cứ thời điểm nào trong ngày (kể cả đêm khuya thanh vắng). Sau một thời gian đi bộ hợp lý (giả sử từ 1 đến 10 phút) có thể đến được bến xe buýt gần nhất và sau một thời gian chờ đợi hợp lý (giả sử từ 1 đến 10 phút) có thể lên được xe buýt để đi đến bến cần xuống và tiếp tục đi bộ chút ít là đến được địa điểm cần đến.
Nôm na là có thể xuất phát từ bất cứ nơi đâu và đến được bất cứ nơi nào trong toàn thành phố một cách thuận tiện.
Ví dụ: Khoảng 10.500 xe buýt (chất lượng cao, các loại to nhỏ khác nhau), với gần 6.000 bến đỗ có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của 11 triệu lượt đi lại trong ngày; một lượt đi bình quân trên phương tiện giao thông công cộng là 5 km hết 15 phút. Ước tính tổng mức đầu tư khoảng 13.500 tỷ đồng.
3. Mở các đợt tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin truyền thông về hệ thống xe buýt mới hoàn hảo, tiện nghi, văn minh, lịch sự.
Phân phát tờ rơi, tổ chức nhiều cuộc thi vui tìm hiểu về hệ thống giao thông công cộng này. Làm sao cho người dân, khi có nhu cầu, muốn xuất phát đi từ đâu, đến đâu, đều có thể tự mình dễ dàng lựa chọn được tuyến xe, số xe, bến xe cần thiết.
4. Tổ chức, sắp xếp, sao cho hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bỏ kinh phí ra mua vé tháng cho cán bộ, công nhân viên của mình.
Tuyên truyền, vận động để người dân từ ngày 2/9/2015 (ngày khai trương hệ thống giao thông công cộng mới) vui lòng để phương tiện cá nhân của mình ở nhà, sử dụng hệ thống giao thông công cộng. Hệ thống này khuyến mãi, vận chuyển miễn phí, tự do trong suốt 2 tuần đầu.
Tôi tin rằng 4 nội dung công việc trên hoàn toàn nằm trong tầm giải quyết được của Bộ giao thông.
Tôi cũng tin rằng với hệ thống giao thông công cộng hoàn hảo như trên, đa số người dân Hà Nội và TP HCM sẽ vui lòng để xe cá nhân của mình ở nhà để sử dụng xe buýt. Vì ai cũng yêu quí thành phố của mình, muốn đường thông hè thoáng, muốn việc đi lại thuận tiện, dễ dàng.
Khi đó, như có một phép màu, nhiều triệu các phương tiện cá nhân sẽ biến mất khỏi phố phường Hà Nội, mà trước đó chỉ một ngày chúng còn nằm chật cứng trên mặt đường vào giờ cao điểm.
Đi lại trên đường phố từ ngày đấy sẽ chỉ còn rất ít xe máy và ô tô con cùng với khoảng 1 vạn xe buýt mới vào giờ cao điểm.
Ít phương tiện giao thông cá nhân đồng nghĩa với giảm thiểu tai nạn giao thông; lực lượng công an, cảnh sát liên quan sẽ giảm đi; hiệu quả sử dụng xăng xe cũng tăng lên. Khói, bụi và tiếng ồn sẽ giảm nhiều hơn, sức khỏe của nhân dân sẽ khá hơn. Chợ cóc, chợ bám mặt đường, vỉa hè sẽ giảm đi vì sẽ ít đi những người vừa ngồi trên xe máy vừa chọn mua hàng.
Thành phố sẽ thanh bình hơn; đường thông, hè thoáng y hệt như mấy ngày Tết. Phụ nữ của chúng ta sẽ trút bỏ được những bộ trang phục đi xe máy trông giống những phần tử “khủng bố, sẵn sàng chết, tử vì đạo” làm cho Hà Nội và TP HCM sẽ tươi đẹp hơn nhiều lần.
Nguyễn Đức Thắng
Chia sẻ bài viết về các phương pháp cải thiện giao thông đô thị tại đây