Làm việc trong đêm khuya
Nhiều người quan niệm rằng, buổi sáng trong lành sẽ đem đến cho họ một tinh thần tốt, trí não sáng suốt sau một giấc ngủ dài. Điều đó giúp họ có được sự minh mẫn nhất trong học tập và làm việc.
Tuy nhiên nghiên cứu mới chỉ ra rằng làm việc vào buổi tối muộn hay trong hoàn cảnh khó khăn sẽ giúp bạn có được sự tập trung và sáng tạo tốt nhất, dù nó có gây chút tác hại. Lý do là, thời gian này, cả thế giới dường như chỉ có bạn và công việc, bạn sẽ hoàn toàn tập trung và suy nghĩ tốt hơn, sáng tạo hơn.
Các nhà khoa học Đại học Liege, Bỉ tuyển vài chục tình nguyện viên và yêu cầu một nhóm ngủ sớm và thức dậy sớm làm việc; nhóm còn lại thức khuya hơn.
Sau đó, các tình nguyện viên thực hiện một số công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ. Trong khi tình nguyện viên làm việc, nhóm nghiên cứu sử dụng máy chụp cộng hưởng từ tốc độ cao, họ theo dõi hoạt động của các vùng não liên quan tới khả năng tập trung.
Kết quả cho thấy, lúc đầu, mức độ tập trung của tất cả tình nguyện viên là như nhau ngay sau khi thức giấc. Nhưng sau 10 tiếng đồng hồ, hoạt động trong các vùng não điều khiển sự tập trung của nhóm dậy sớm giảm rõ rệt, trong khi mức độ tập trung của nhóm thức khuya vẫn không đổi. Khi thực hiện công việc vào buổi tối, nhóm dậy sớm dễ ngủ gật hơn và thực hiện các thao tác chậm hơn so với nhóm thức khuya. Do đó, những nhà khoa học thực hiện nghiên cứu khẳng định, người thức khuya sáng tạo hơn, ghi nhớ tốt, thao tác nhanh hơn.
Vẽ nguệch ngoạc trên giấy
Một thí nghiệm mới đây chỉ ra, việc vẽ nguệch ngoạc trên giấy có thể kích thích khả năng sáng tạo của chúng ta; chứ không đơn thuần là sự tiêu phí thời gian và giấy mực.
Nhiều cuộc thí nghiệm được thực hiện để chứng tỏ sức mạnh của việc vẽ nguệch ngoạc, từ chuyện đó là một hoạt động giải trí hoặc thư giãn, cho tới chuyện hỗ trợ khả năng sáng tạo.
Các nhà khoa học tại Đại học Stanford thực hiện thí nghiệm trên hai nhóm người. Cả hai nhóm được yêu cầu đưa ý tưởng để phát triển đề tài. Kết quả chỉ có khoảng ba ý tưởng được đưa ra ở mỗi người.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đưa cho mỗi người một mảnh giấy và yêu cầu họ vẽ bất cứ thứ gì họ muốn. Có người vẽ nguệch ngoạc các đường tròn liên tiếp, nhóm còn lại vẽ hình đứt đoạn.
Cuối cùng, người tham gia thí nghiệm được yêu cầu đưa ý tưởng cho một đề tài khác. Kết quả, mỗi người đều chỉ ra số ý tưởng nhiều gấp đôi so với ban đầu.
Các nhà khoa học cho rằng, não bộ sẽ từ từ khởi động để sản xuất, tạo ra những ý tưởng mới. Đặc biệt ở những nét vẽ liền mạch không bị đứt khúc, não sẽ làm việc "trôi chảy" hơn.
Mở to mắt và nhướn lông mày
Hành vi nhướn lông mày, hay mở to mắt thường thể hiện sự ngạc nhiên trước một sự việc. Tuy nhiên, một nghiên cứu của trường Đại học Chicago và Maryland ở Mỹ mới đây chỉ ra rằng, việc mở to mắt, nhướn lông mày sẽ kích thích Adrenaline - một hormone do tuyến thượng thận tiết ra có tác dụng làm tăng lưu lượng máu truyền dẫn đến hệ thần kinh, giúp bạn suy nghĩ sáng suốt.
Không chỉ vậy, các nhà nghiên cứu còn cho rằng, khi mở to mắt, nhướn lông mày sẽ kích thích trí tưởng tượng của con người nhiều hơn.
Một thí nghiệm thực hiện trên 2 nhóm người, một nhóm được yêu cầu mở to mắt và nhướn mày; nhóm còn lại thì không. Họ cùng tưởng tượng về hình ảnh chú chó ngậm trong miệng chiếc bánh mì bagel. Sau đó, người tham gia thí nghiệm sẽ miêu tả về hình ảnh mình vừa tưởng tượng.
Kết quả là, nhóm người mở to mắt và nhướn lông mày tưởng tượng về hình ảnh chú chó rất đẹp với bộ lông mượt, mịn. Còn nhóm còn lại chỉ tưởng tượng về chú chó hư, ăn vụng đồ ăn của chủ.
Do đó, các nhà khoa học cho rằng, khi mở to mắt, nhướn lông mày, trí tưởng tượng của con người sẽ trở nên phong phú hơn, kích thích sự sáng tạo nhiều hơn.
Vận động tay
Khoa học chứng minh rằng, khi bạn cố gắng học hay ghi nhớ điều gì, việc sử dụng những cử chỉ ở cả hai tay giúp bạn học nhanh hơn và nhớ tốt hơn.
Lý do là bởi bộ phận ghi nhớ luôn cùng vận động với bộ phận điều khiển tứ chi của não bộ. Khi suy nghĩ, nhiều người có thói quen xoa bàn tay vào nhau, đi lại xung quanh vị trí nhất định, hoặc khi muốn trình bày điều gì, họ thường quay tay theo quỹ đạo tròn như một cách để giúp não tưởng tượng tốt hơn.
Theo nghiên cứu, hành vi cử động tay kích thích suy nghĩ trong não bộ, xây dựng những ám hiệu giúp não tưởng tượng tốt hơn. Nhiều người dùng hai tay để "phác họa" hay "hình ảnh hóa" những gì họ đang nghĩ, hành động này giúp họ nhanh chóng tìm ra lời giải cho vấn đề cần giải quyết.
Các nhà khoa học Đại học Roschester Mỹ đã mời các trẻ em tiểu học cùng tham gia thí nghiệm. Họ chia chúng thành hai nhóm, nhóm một đọc khẽ bài, nhóm hai sẽ vừa đọc, vừa dùng ám hiệu, cử chỉ tay để tưởng tượng lại đề bài. Kết quả, những đứa trẻ nhóm hai sẽ đưa ra kết quả nhanh hơn, chúng cũng nhớ tới 92% đề bài toán và cách giải. Trong khi đó, nhóm một chỉ nhớ khoảng 33% đề bài.
Theo Trí thức trẻ