Các quan chức cấp cao Mỹ và Nga ngày 18/2 gặp trực tiếp tại Riyadh, Arab Saudi, để bàn hướng đi kết thúc chiến sự Ukraine. Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai nước từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát tháng 2/2022, diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tuần trước.
Cuộc gặp có đủ đặc điểm của một sự kiện ngoại giao lớn. Không khí trang trọng, nhưng căng thẳng và nghi ngờ lẫn nhau, AFP mô tả. Các bên tỏ ra thận trọng bởi họ đều hiểu rõ tầm quan trọng của sự kiện.

Phái đoàn Mỹ (trái) ngồi đối diện phái đoàn Nga tại bàn đàm phán ở Riyadh, với vai trò trung gian của các quan chức Arab Saudi (giữa) ngày 18/2. Ảnh: AFP
Cuộc họp giữa phái đoàn Nga và Mỹ diễn ra tại Cung điện Diriyah của hoàng gia Arab Saudi. Các nhân viên của nước chủ nhà hiện diện khắp nơi. Quốc kỳ Nga và Mỹ được treo phía trên lối vào và trong phòng họp.
Phái đoàn Mỹ tham gia đàm phán có Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff. Phía Nga có các đại diện là Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, và Giám đốc Quỹ Đầu tư Quốc gia Nga (RDIF) Kirill Dmitriev. Sự xuất hiện của ông Dmitriev cho thấy Nga còn muốn đề cập vấn đề kinh tế tại cuộc gặp.
Sự kiện bắt đầu lúc hơn 10h30 ngày 18/2, chậm hơn một chút so với kế hoạch ban đầu. Đại diện các bên ngồi quanh bàn gỗ lớn, ở giữa là các bó hoa lớn màu trắng. Họ không mỉm cười hay bắt tay, cũng không đưa ra phát biểu nào với truyền thông trước khi họp.
Ông Rubio, 53 tuổi, ngồi đối diện với ông Lavrov, 74 tuổi. Hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga chưa từng gặp trực tiếp, mới chỉ điện đàm hôm 15/2. Ông Waltz ngồi bên trái ông Rubio, đối diện với ông Ushakov. Các bên đều thể hiện vẻ mặt nghiêm nghị.
"Sự hoài nghi bộc lộ rõ, hai bên dường như ngầm đánh giá và thăm dò ý định của nhau", AFP mô tả.
Ngoại trưởng Arab Saudi Faisal bin Farhan và Cố vấn An ninh Quốc gia Musaad bin Mohammad al-Aiban là hai quan chức đại diện nước chủ nhà dự phiên mở đầu đàm phán, rồi cùng các phóng viên rời khỏi phòng họp.
Phái đoàn Mỹ và Nga trước khi bắt đầu đàm phán tại Riyadh, Arab Saudi ngày 18/2. Video: AFP
Cuộc đàm phán bắt đầu, với phiên đầu tiên kéo dài hai giờ rưỡi. Hai bên nghỉ giải lao 15 phút rồi tiếp tục làm việc sau bữa trưa. Ông Dmitriev tham gia đàm phán trong phiên thứ hai. Giám đốc RDIF có vai trò quan trọng trong thương lượng với ông Witkoff để thực hiện đợt trao đổi tù nhân Nga - Mỹ ngay trước khi ông Trump và ông Putin điện đàm.
Theo ông Dmitriev, ngoài vấn đề Ukraine, phái đoàn Nga và Mỹ còn trao đổi về tiềm năng hợp tác kinh tế và giá năng lượng.
"Tôi có thể nói các bên đã có các trao đổi quan trọng. Về cuối sự kiện, hai bên đưa ra nhiều lời trêu đùa. Quan trọng là hai quốc gia cần chú ý đến việc liên lạc với nhau, một cách tôn trọng và bình đẳng", ông Dmitriev trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nga Russia-24.
"Các lời trêu đùa thực sự đã giúp không khí trở nên dễ chịu hơn. Ngoại trưởng Lavrov cùng những người khác đều hưởng ứng", ông Dmitriev bổ sung, nhưng không nêu cụ thể họ nói gì.
Khi cuộc họp kết thúc khoảng hơn 15h, một trợ lý Điện Kremlin cho biết "rất khó để nói" liệu lập trường của Nga và Mỹ có đang tiến lại gần nhau hay không và còn quá sớm để đề cập về ngày tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Putin.
Sự kiện không có sự tham gia của đại diện nào từ Ukraine hay các nước châu Âu. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố không chấp nhận bất cứ kết quả nào từ cuộc đàm phán bởi Kiev không có mặt, và hoãn kế hoạch thăm Arab Saudi ngày 19/2 sang tháng 3.
Châu Âu cũng bày tỏ lo ngại khi Tổng thống Trump gạt họ sang một bên. Jana Puglierin, nhà nghiên cứu tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại (ECFR), cảnh báo đàm phán Mỹ - Nga ở Arab Saudi có thể định hình lại an ninh châu Âu.
"Châu Âu nguy cơ phải đứng bên lề, bất lực nhìn các nền tảng an ninh khu vực sụp đổ", bà Puglierin nói với DW.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Mỹ Marco Rubio. Ảnh: AFP
Sau đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ Rubio nói hai bên đã nhất trí bắt đầu làm việc về lộ trình hướng đến giải pháp hòa bình cho chiến sự Ukraine và khám phá "những cơ hội đáng kinh ngạc hiện hữu để hợp tác với Nga", cả về địa chính trị lẫn kinh tế.
"Tôi tin rằng cuộc trò chuyện rất hữu ích. Chúng tôi đã lắng nghe nhau và tôi có lý do để tin rằng phía Mỹ đã hiểu rõ hơn lập trường của chúng tôi", ông Lavrov cho biết.
Giới chuyên gia đánh giá cuộc gặp Nga - Mỹ tại Arab Saudi cho thấy Washington đã có sự thay đổi về cơ bản trong chính sách với Moskva, Dmitry Suslov, thành viên Hội đồng Nga về Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, nói với RT. Emma Ashford, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Stimson, trụ sở Mỹ, mô tả đây là "bước tiến đáng kể" trong quan hệ Mỹ - Nga.
Một số quan điểm cho rằng vòng đàm phán hiện tại khó mang đến đột phá, bởi Mỹ và Nga cần có thời gian thích nghi sau nhiều năm gần như cắt đứt liên lạc với nhau. "Đây mới chỉ là bước khởi đầu", Cui Heng, giảng viên Đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải, bình luận với RIA Novosti.
Như Tâm (Theo France 24, BBC, RIA Novosti)