Dự án Bữa ăn học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Công ty Ajinomoto Việt Nam triển khai từ năm 2012. Hội nghị Tổng kết triển khai dự án Bữa ăn học đường giai đoạn 2017 – 2018 và Định hướng triển khai cho giai đoạn tiếp theo do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức vào 29/10.
Dự án bao gồm các nội dung: Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, áp phích giáo dục dinh dưỡng Ba phút thay đổi nhận thức và xây dựng mô hình bếp ăn mẫu bán trú theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Sau 8 năm, dự án mang đến bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho 4.000 trường bán trú tại 62 tỉnh, thành và giáo dục kiến thức dinh dưỡng về thực phẩm cho học sinh.
Hà Nội là một trong những tỉnh thành đầu tiên được triển khai thí điểm từ năm 2015. Tháng 4/2017, dự án triển khai cho các trường tiểu học bán trú trên toàn thành phố. Trong quá trình triển khai, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã phối hợp cùng Sở và các Phòng Giáo dục và Đào tạo tập huấn trực tiếp cho các phòng Giáo dục và đào tạo, hướng dẫn giáo viên, hỗ trợ trao đổi thông tin dự án đến phụ huynh học sinh. Tính đến tháng 8, dự án đã cử chuyên viên đến tập huấn cho 261 trường tiểu học bán trú tại Hà Nội.
Theo ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dự án đã góp phần cải thiện tình trạng trẻ béo phì, suy dinh dưỡng. Việt Nam là đất nước nông nghiệp song nỗi lo thiếu ăn mới chỉ chấm dứt nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, khi cuộc sống đầy đủ hơn, trẻ em thành phố đối mặt với nguy cơ thừa cân, béo phì vì chế độ dinh dưỡng thừa đạm và chất béo gây mất cân bằng. Khảo sát của Viện Dinh dưỡng, cho thấy tỷ lệ trẻ bị thừa cân, béo phì trong các trường Tiểu học ở Hà Nội chiếm phần lớn. Trong khi đó, trẻ em ở miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn tình trạng suy dinh dưỡng vì chế độ ăn thiếu dưỡng chất.
"Để cơ thể phát triển khỏe mạnh, cần 60 chất dinh dưỡng. Trong đó, có 20 chất cơ thể tự tổng hợp, 40 chất cần phải được bổ sung từ bữa ăn. Tuy nhiên, một số phụ huynh và thầy cô chưa ý thức được việc bổ sung đủ 40 chất vào bữa ăn cho trẻ tiểu học để đảm bảo an toàn dinh dưỡng. Sau giai đoạn vàng 1.000 ngày đầu đời, giai đoạn tăng tốc tiền dậy thì – khi trẻ học tiểu học có tầm ảnh hưởng lâu dài đến tầm vóc và trí lực của con người. Vì vậy, ngoài bữa ăn ở nhà, bữa ăn tại trường học cần được đảm bảo cân bằng", ông Lê Danh Tuyên cho biết.
Theo ban dự án, các thực đơn trong phần mềm đã được tính toán đảm bảo cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, cân đối giữa 4 nhóm chất và được kết hợp đa dạng với trên 10 loại thực phẩm (không bao gồm gia vị) từ ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm. Các thực đơn của phần mềm được phát triển trong hơn một năm, trải qua nhiều quá trình từ khảo sát, phân tích, phát triển công thức, thực nghiệm đến điều chỉnh kỹ càng. Thực đơn được Hội đồng thẩm định của Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận định, những hoạt động của dự án Bữa ăn học đường được nhiều trường tiểu học và phòng Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn Hà Nội đánh giá cao, giảm bớt những khó khăn cho cán bộ bán trú trong quá trình xây dựng thực đơn, góp phần cải thiện tình trạng dưỡng và nâng cao kiến thức cho học sinh. Để áp dụng thành công dự án bữa ăn học đường cần có kế hoạch cụ thể, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức cho cha mẹ học sinh. Nhiều bậc phụ huynh mong muốn bữa ăn có nhiều thịt, cá, bắt mắt nhưng không quan tâm đến chế độ ăn uống. Thầy cô và nhà trường phải bắt đầu áp dụng dần dần thực đơn dự án từ một ngày mỗi tuần và hoàn thiện với năm ngày mỗi tuần.
"Nhà trường tích cực sử dụng Phần mềm bữa ăn học đường để lên thực đơn cho học sinh. Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục dinh dưỡng cho các em học sinh thông qua áp phích ‘Ba phút thay đổi nhận thức’ giúp các em ghi nhớ giá trị dinh dưỡng và lợi ích của thực phẩm, trò chuyện với cha mẹ về bữa ăn ngon ở trường, từ đó xây dựng thói quen ăn uống khoa học và lành mạnh", bà Nguyễn Bích Thùy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Hà Nội chia sẻ.
Nha Trang