Kỳ sát hạch công nghệ thông tin (CNTT) lần thứ 42 của Việt Nam diễn ra ngày 23/10, tại 5 Hội đồng Sát hạch Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, với 380 thí sinh thực hiện sát hạch.
Hệ thống sát hạch CNTT do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo Công nghệ cao (HITC) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc thực hiện. Các chuẩn kỹ năng được xây dựng theo mô hình chuẩn kỹ năng của Nhật Bản, trên cơ sở khung kiến thức chung về CNTT, kiến thức chuyên sâu đối với từng loại hình công nghệ kết hợp với các yêu cầu về khả năng và kinh nghiệm làm việc thực tế đối với từng lĩnh vực. Trong số các chuẩn kỹ năng được HITC xây dựng có chuẩn kỹ năng Kỹ sư CNTT Cơ bản (FE), Kỹ sư ứng dụng CNTT (AP) và Hộ chiếu CNTT (IP) đã được công nhận tương đương với Nhật Bản.
Các thí sinh đỗ sát hạch sẽ được cấp Giấy chứng nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ, có giá trị tương đương với chứng nhận do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cấp tại Nhật Bản và các nước trong khu vực.
Kết quả kỳ sát hạch giúp đánh giá chất lượng nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam, giúp các doanh nghiệp tuyển chọn được các nhân lực đạt chuẩn quốc tế, các nhà quản lý đánh giá thực trạng qua đó làm cơ sở hoạch định các chính sách và chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Sát hạch chuẩn kỹ năng CNTT được bắt đầu theo sáng kiến "Chuẩn kỹ năng chung của châu Á đối với kỹ sư CNTT" do Chính phủ Nhật Bản đề xuất tại Hội nghị Bộ trưởng ở Chiangmai, Thái Lan năm 2000. Những năm qua HITC đã triển khai thích nghi và xây dựng Hệ thống Chuẩn kỹ năng CNTT của Việt Nam.
Đến nay đã có 41 kỳ sát hạch tại Việt Nam, trong đó có 33 kỳ thi chung với các nước trong Hội đồng ITPEC với tổng 16.000 thí sinh đăng ký và có 3.000 thí sinh đạt kết quả sát hạch, tương đương khoảng 22%.
Sát hạch kỹ sư CNTT theo các chuẩn kỹ năng là một trong những hoạt động quan trọng trong tiến trình phát triển nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Kỳ sát hạch đóng góp cho thị trường nguồn nhân lực đạt chuẩn được công nhận tương đương với các nước trong khu vực, đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Như Quỳnh