Các ngư dân ra sân bay Kinabalu lúc 2h sáng nay, nối chuyến đến Kuala Lumpur về Tân Sơn Nhất (TP HCM) và đáp xuống Đà Nẵng hơn 22h cùng ngày.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng gia đình ngư dân tập trung trước sảnh chờ nhà ga hành khách quốc nội Đà Nẵng, trong khi một số người nóng lòng đã bay vào TP HCM để bắt chuyến bay về cùng. Nhiều người bật khóc, ôm chầm lấy người thân sau 5 tháng ra khơi rồi bị giam giữ (tàu rời bến ngày 25/4).
Ngồi trên băng ghế sân bay Tân Sơn Nhất với gương mặt hốc hác, anh Trần Văn Việt, 31 tuổi, thuyền viên tàu QNa 95005 TS, kể sáng 11/6 khi đang chuẩn bị dụng cụ hành nghề câu mực thì phát hiện tàu Malaysia bám sát, liên tục hú còi.
Những người trên tàu hoảng sợ, tài công vội đánh lái qua hướng khác và tìm cách liên lạc nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, tàu của ngư dân bị tàu Malaysia tông trúng, suýt chìm. 42 người trên tàu bị bắt sau gần 4 tiếng tháo chạy.
"Nghĩ lại vẫn không tin mình sống sót. Trong suốt ba tháng bị giam giữ, chúng tôi mong từng giây, từng phút được trở về đoàn tụ với gia đình", anh Việt nói.
Tàu cá QNa 95005 TS cùng 42 ngư dân bị giới chức Malaysia ngăn chặn và bắt giữ tại khu vực Tanjung Simpang Mengayau Kudat, hôm 11/6 với lý do vi phạm luật thủy sản 1985 của nước này.
Tuy nhiên, theo văn bản ngày 29/6 của UBND tỉnh Quảng Nam, hệ thống giám sát của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ghi nhận tàu QNa 95005 TS hoạt động cách bãi đá Công Đo thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam, khoảng 9 hải lý về phía đông nam thì bị cảnh sát biển Malaysia bắt.
Dữ liệu giám sát hành trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho thấy, từ ngày 25/4 đến 11/6, tàu QNa 95005 TS hoạt động trong vùng ranh giới cho phép khai thác thủy hải sản của Việt Nam.
5 ngư dân tuổi vị thành niên và người có bệnh nền đã được chủ tàu phối hợp với giới chức sở tại giải quyết thủ tục đưa về nước hôm 14/7. 37 người còn lại tiếp tục bị giam giữ để giới chức Malaysia điều tra.
Làm thuyền trưởng 13 năm, nhiều lần đến vùng biển trên đánh bắt, nhưng anh Trần Văn Mạnh, 41 tuổi, cho biết chưa từng bị tấn công, bắt giam và phạt tiền. "Như những lần trước, chúng tôi lần theo bản đồ đến khu vực này hành nghề, nhưng không rõ có xâm phạm vào vùng biển nước bạn hay không", anh nói.
Ngày 30/8, Tòa án Kota Kinabalu (Malaysia) đưa vụ án ra xét xử. Theo các ngư dân, thuyền trưởng Mạnh phải nộp phạt 150.000 RM (hơn 900 triệu đồng), 36 ngư dân mỗi người bị phạt 20.000 RM. Sau phiên tòa, họ đã nộp phạt, nhưng phải chờ hơn 20 ngày mới được trả tự do về nước.
Ghì chặt chồng là anh Mạnh ở sân bay, chị Trần Thị Tình, 38 tuổi, cho biết ba tháng qua đã cùng con trai nhiều lần gửi đơn kiến nghị các cấp cứu giúp ngư dân. Ngoài tiền phạt, chị đã thuê luật sư tại Malaysia bào chữa cho chồng hết 30.000 RM (hơn 150 triệu đồng), chi phí cho mỗi người thân sang hỗ trợ pháp lý hết 25 triệu đồng. Tổng số tiền người nhà 37 ngư dân nộp hơn 5 tỷ đồng.
Toàn bộ tàu và thủy sản của ngư dân sau 2 tháng đánh bắt bị tịch thu. Riêng con tàu của anh Mạnh trị giá hơn 6 tỷ đồng (bao gồm cả ngư lưới cụ mới mua). Dù mất mát, vợ chồng chị Tình vẫn mong muốn được hỗ trợ để tiếp tục bám biển.
Thời gian qua, nhiều tàu cá Việt Nam bị cảnh sát biển nước ngoài bắt giữ. Theo chuyên gia luật Hoàng Việt, Việt Nam với Malaysia có phân định vùng thềm lục địa, nhưng còn vùng đặc quyền kinh tế chưa phân định được, mới dừng ở thỏa thuận.
"Cho đến bây giờ việc giải quyết chủ yếu bằng biện pháp ngoại giao, vì sự việc xảy ra ở giữa biển, không có bên thứ ba để xác định. Thông thường khi cảnh sát biển bắt ngư dân Việt sẽ đưa về cho tòa án và phán quyết ngay lập tức theo pháp luật của họ", luật sư Việt nói.
Ông Việt đề xuất để tránh tình trạng ngư dân bị bắt giữ, phạt rất nhiều tiền khi đánh bắt ở vùng biển khơi xa, các quốc gia, trong đó có Việt Nam và Malaysia, cần thỏa thuận vùng đánh cá chung ở nơi còn chồng lấn; có cơ chế phối hợp tuần tra chung trên biển, nếu phát hiện ngư dân nước nào vi phạm thì cùng xử lý.
Nguyễn Đông - Gia Minh