Đây là dự án thí điểm quy mô lớn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), công bố ngày 23/4. Khoảng 360.000 em bé ở hai nước Kenya và Ghana, châu Phi, bắt đầu sử dụng vắcxin trong vài tuần tới.
Vắcxin ngừa sốt rét có tên RTS, S, còn được biết đến với tên Mosquirix, được điều chế bởi hãng dược GSK (Anh) năm 1987. Mosquirix đã trải qua nhiều năm thử nghiệm và được nhiều tổ chức ủng hộ, bao gồm PATH, một tổ chức y tế phi lợi nhuận. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng của WHO, vắcxin có thể ngăn ngừa khoảng 4/10 ca sốt rét.
Vắcxin được tiêm bốn mũi. Ba mũi đầu tiêm cho trẻ từ 5 đến 9 tháng tuổi. Mũi thứ tư tiêm lúc trẻ lên hai tuổi.
Alena Pance, nhà khoa học cấp cao tại Viện Wellcome Trust Sanger cho biết vắcxin này "không hiệu quả quá mức". "Song, đến nay đây là loại vắcxin duy nhất có hiệu quả trong phòng ngừa bệnh sốt rét", Pance nói.
"Chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp phòng chống sốt rét trong 15 năm qua và đạt được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên như thế là chưa đủ, cần các giải pháp hiệu quả hơn. Loại văcxin mới này hứa hẹn cứu sống hàng chục nghìn trẻ em", tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO nói.
Sốt rét là bệnh ký sinh trùng lây truyền qua vết cắn của muỗi Anopheles. Bệnh khiến 435.000 người chết mỗi năm, trên thế giới.
Trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh dễ tử vong nhất. Theo WHO, thế giới cứ mỗi hai phút có một em bé chết vì sốt rét, đặc biệt ở châu Phi. Mỗi năm có hơn 250.000 trẻ em châu Phi chết do sốt rét.
Thuỳ An ( Theo CNN )