Một du khách Thụy Điển ôm con trai ngồi trong sân bay U-tapao. Ảnh: Reuters. |
Quan chức cấp cao Bộ Du lịch Sasithara Pichaichannarong cho biết số hành khách này, gồm cả người nước ngoài đến du lịch và người Thái định ra nước ngoài, không thể rời Thái Lan vì sân bay bị phong tỏa.
Bà cho biết Bộ Du lịch sẽ yêu cầu nội các chi 28 triệu USD nhằm giải cứu những du khách nước ngoài đang mắc kẹt và đưa những người Thái còn bị tắc ở nước ngoài về nước. Theo ước tính của cơ quan này, gần 10 nghìn người Thái không về nước được vì sân bay ở thủ đô ngừng hoạt động.
Khách du lịch nước ngoài đang xếp hàng dài ở sân bay quân sự U-tapao, cách Bangkok khoảng 180 km. Sân bay nhỏ chỉ có một máy quét an ninh và sức điều vận 40 chuyến bay mỗi ngày.
Một số du khách tìm đường về qua các sân bay ở những tỉnh xa hơn như Phuket hay Chiang Mai. Pháp, Tây Ban Nga và Australia đã điều các chuyến bay đặc biệt tới Thái Lan để đưa công dân về nước.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng thiệt hại của sân bay Suvarnabhumi có thể từ 3,7 tỷ USD đến 6 tỷ USD, nếu bị đóng cửa kéo dài đến tháng 12. Ngành công nghiệp tổ chức hội nghị chuyên nghiệp ở Bangkok cũng chịu tổn thất khoảng 310 triệu USD. Tăng trưởng GDP của Thái Lan năm nay có thể sẽ giảm từ 4,5% như ước tính xuống còn 4%, mức thấp nhất trong 7 năm qua.
Thái Lan lâm vào khủng hoảng chính trị từ khi Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2007 vốn được kỳ vọng đã không giải quyết được cuộc khủng hoảng này, sau khi một đảng gồm các đồng minh cũ của Thaksin giành chiến thắng và trở lại nắm quyền.
Sau thời gian nhùng nhằng, kể từ tháng 8 năm nay, phe đối lập là Liên minh Nhân dân vì Dân chủ đã mở chiến dịch biểu tình rầm rộ chống chính phủ và chiếm đóng trụ sở của nội các. Căng thẳng lên đến cực điểm kể từ tối 25/11, khi hàng nghìn người biểu tình tràn vào sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, khiến sân bay này tê liệt. Một ngày sau đến lượt sân bay thứ hai của Bangkok là Don Muang cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Ngọc Sơn (theo AFP)