Báo cáo có tên Billionaire Census dự đoán số tỷ phú toàn cầu có thể vào khoảng 3.600 - 4.000 năm 2020. Nghiên cứu cũng chỉ ra 55% người giàu nhất thế giới là tỷ phú tự thân nam giới. Còn số lượng giàu lên nhờ thừa kế đang giảm dần.
Bên cạnh đó, 35% tỷ phú thế giới không có bằng đại học. Còn những người đã qua cử nhân lại thường học lên MBA hoặc Ph.D. Vì vậy, báo cáo cũng khẳng định bằng cấp không nhất thiết phải là điều kiện để trở thành tỷ phú.
Tính trung bình, mỗi người giàu có 3,1 tỷ USD tài sản, năm nay 63 tuổi và sau 40 tuổi mới thành tỷ phú. Phần lớn họ đều đã lập gia đình.
Tính trung bình, tỷ phú thế giới có 3,1 tỷ USD tài sản. Ảnh: Reuters |
Về phân bố, châu Âu vẫn là khu vực đóng góp nhiều nhất với 775 đại diện. Theo sau là Bắc Mỹ với 609 và châu Á với 560. Xét về quốc gia, Mỹ là nước nhiều tỷ phú nhất thế giới với 571, xếp nhì là Nga với 114.
Việt Nam cũng có hai đại diện trong danh sách của Wealth-X với tổng tài sản 3 tỷ USD. Năm ngoái, Việt Nam chỉ có một tỷ phú với một tỷ USD. Tuy nhiên, hãng không công bố tên tuổi hai người này.
Khu vực châu Á có tốc độ tăng tài sản nhanh nhất thế giới với 18,7%, lên 1.410 tỷ USD. "Sự tăng trưởng của các nền kinh tế lớn ở châu Á đã bắt đầu. Và tài sản các tỷ phú chính là bằng chứng cho sức mạnh của khu vực này. Nó cũng cho thấy châu Á đang mở ra rất nhiều cơ hội để tích lũy của cải", báo cáo nhận xét.
Nghiên cứu cũng lọc ra danh sách những thành phố nhiều người giàu nhất thế giới. 5 vị trí dẫn đầu lần lượt thuộc về New York (Mỹ), Moscow (Nga), Hong Kong (Trung Quốc), London (Anh) và Bắc Kinh (Trung Quốc).
Báo cáo Billionaire Census được Wealth-X và UBS được thực hiện hàng năm, phân tích số liệu về tỷ phú thế giới. Mục tiêu của họ là chỉ ra xu hướng, các đặc điểm chính và xây dựng hồ sơ về "một tỷ phú điển hình", gồm độ tuổi, tài sản trung bình, nguồn tiền, gia đình, sở thích và các hoạt động từ thiện.
Hà Thu