Trong ngày 17/10, lượng mưa tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế đã giảm, nước rút chậm, nhưng thiệt hại tiếp tục tăng. Ủy ban quốc gia về tìm kiếm cứu nạn cho biết, ngày 16/10 có 24 người chết, 9 người mất tích. Ngày 17/10, số người chết thống kê được là 35 và 4 người mất tích, trong đó Quảng Bình 22, Hà Tĩnh 9, Nghệ An 3...
Hứng trận mưa kỷ lục trong lịch sử quan trắc, Quảng Bình thiệt hại nặng nhất với 93.000 ngôi nhà bị ngập, tiếp đó là Hà Tĩnh với 25.000 căn và Nghệ An gần 3.000. Tổng số nhà ngập tăng gần 22.000 so với hôm trước. Hàng nghìn hécta hoa màu và nuôi trồng thủy sản chìm trong lũ.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, tình trạng ngập lụt tại các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) giảm dần. Lũ trên các sông Hà Tĩnh và Kiến Giang (Quảng Bình) đang xuống chậm.
Dự báo ngày mai 18/10, mực nước sông Ngàn Sâu xuống mức 11,3 m, dưới báo động 2 là 0,7 m; tại Hòa Duyệt xuống mức 9,3 m, trên báo động 2 là 0,3 m; sông La xuống mức dưới báo động 1; sông Kiến Giang dưới báo động 2 là 0,4 m.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh, từ đêm 13/10, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra Nghệ An có mưa rất to. Tâm mưa là Quảng Bình với tổng lượng mưa đo được trong 4 ngày ở tất cả trạm từ 670 đến 880 mm. Cá biệt trong 24 giờ (từ đêm 13 đến ngày 14/10) lượng mưa tại trạm Đồng Hới lên tới 747 mm - cao nhất trong lịch sử quan trắc ở tỉnh này. Mưa lớn kết hợp với nhiều thủy điện xả lũ khiến mực nước sông suối đồng loạt dâng cao, tràn vào làng xã, gây ngập nặng ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An.
Trong khi người dân miền Trung đang gồng mình khắc phục hậu quả mưa lũ, thì ngoài khơi cơn bão Sarika được Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định "nguy hiểm và mạnh nhất trong vài năm trở lại đây" đang di chuyển vào đất liền. Bão hướng Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất 150 km/h, tương đương cấp 13.
Vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão sẽ tiến vào vịnh Bắc Bộ ngày 19/10. Khoảng 16h ngày 17/10, bão Sarika còn cách quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) khoảng 110 km, sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16. Sau Sarika, ngoài khơi Philippines xuất hiện bão Haima và có khả năng vào biển Đông, ảnh hưởng đến Việt Nam, gây nguy cơ bão chồng bão.
Để chủ động ứng phó bão, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có công điện lúc 19h gửi UBND các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, yêu cầu thông báo cho chủ tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Các địa phương cần trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo tình hình.
Phạm Hương