Thời nhỏ, căn bệnh này khiến người phụ nữ khó ghi chép hoặc làm bài kiểm tra, do mồ hôi đổ ra làm ướt giấy, nhòe mực. Đến khi đi làm, chị không dám bắt tay đối tác, bạn bè vì bàn tay lúc nào cũng ẩm ướt, nhớp nháp. Mồ hôi tay tiết ra nhiều hơn vào mùa hè hoặc khi tâm trạng hồi hộp, căng thẳng.
"Trước khi bắt tay hoặc viết lách, tôi phải dùng khăn hoặc lau tạm tay vào quần. Mồ hôi cũng nhiều hơn khi tiếp xúc với chất nhớt. Sống chung với mồ hôi 35 năm rồi nhưng chứng này ngày càng nặng khiến tôi không thể chịu được nữa", chị Yến nói.
Đầu tháng 8, chị tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị, muốn loại bỏ chứng mồ hôi tay phiền toái. Tiến sĩ, bác sĩ Dương Trọng Hiền, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật nội soi, cho biết bệnh nhân đã được phẫu thuật hôm 2/8.
Theo bác sĩ Hiền, trường hợp của chị Yến không hiếm gặp. Ước tính 1-3% người dân mắc chứng tăng tiết mồ hôi ở các vùng cơ thể khác nhau, như bàn tay, bàn chân, nách... Độ tuổi người mắc đa dạng từ trẻ em tới người già.
![Bác sĩ Hiền khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật điều trị chứng ra mồ hôi tay, ngày 3/8. Ảnh: Chi Lê](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/08/03/kham-bn-mo-hoi-tay-abc-7190-1659508721.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5GfN-hB7-CxoE2qbAwic-g)
Bác sĩ Hiền khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật điều trị chứng ra mồ hôi tay, ngày 3/8. Ảnh: Chi Lê
Bác sĩ Hiền giải thích tuyến mồ hôi giúp hạ nhiệt cơ thể khi vận động, làm việc hoặc ở trong môi trường nóng bức. Tuyến này do tuyến hệ thống thần kinh giao cảm kích thích, là phản ứng tự nhiên, cơ thể không thể tác động thông qua ý muốn. Do đó, các yếu tố kích thích như lo lắng sợ hãi hoặc uống thuốc... sẽ làm ảnh hưởng hệ thần kinh giao cảm, kích thích tăng tiết mồ hôi.
Tuy nhiên, mồ hôi ra quá nhiều có thể tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, ví dụ ở nách gây mùi khó chịu, dễ viêm, nấm da tay. Đây là lý do chứng tăng tiết mồ hôi cần được thăm khám và tư vấn điều trị nếu ở mức độ nặng hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý.
Có hai nguyên nhân gây chứng tăng tiết mồ hôi là nguyên phát và thứ phát. Nhóm nguyên phát thường bị tiết mồ hôi đều hai bàn tay, ít nhất có một lần trong tuần bị ra mồ hôi rất nhiều, gây ảnh hưởng khi dùng tay để làm việc hoặc gây ướt quần áo. Nhóm thứ phát là hệ quả của các bệnh như cường tuyến giáp, rối loạn hormone, suy thận, suy dinh dưỡng...
Theo bác sĩ Hiền, hiện có nhiều phương pháp điều trị tăng tiết mồ hôi, gồm một số thuốc đông y giúp giảm tiết mồ hôi, hoặc thuốc chống lại hệ giao cảm. Tuy nhiên, các thuốc cũng có tác dụng phụ, ví dụ thuốc chống hệ giao cảm tác động toàn thân gây khô miệng, khô mắt, giảm tuyến nước bọt, cũng khá khó chịu... Một số biện pháp khác chỉ tác dụng ngắn trong thời gian từ 3-6 tháng. Phương pháp mổ nội soi lồng ngực đốt hạch giao cảm hiện có thời gian hiệu quả dài nhất, tuy nhiên không áp dụng cho trẻ dưới 15 tuổi do cơ thể trẻ đang phát triển, chưa ổn định.
Trong ngày 20/8, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ khám và tư vấn miễn phí về chứng ra mồ hôi tay do thần kinh giao cảm, có thể đăng ký trước qua tổng đài của bệnh viện. Buổi khám diễn ra trong một ngày, đón tiếp khoảng 200 người và có thể kéo dài thêm khi số lượng bệnh nhân đến tăng.
Chi Lê