![]() |
Ai mua cơm nắm muối vừng... |
Mỗi sáng, mùa đông cũng như mùa hè, đúng vào giờ ấy, phút ấy... người phụ nữ tên Riệu, bán cơm nắm muối vừng ngõ chợ Khâm Thiên lại cất tiếng rao: "Ai... cơm nắm muối vừng". Và buổi trưa cũng vậy, chính xác như một cái đồng hồ điện tử, tiếng rao lại cất lên ở Bệnh viện K, trên đường Quán Sứ... Vừa cắt cơm nắm thành từng lát cho khách, mắt chị vừa quan sát, để rồi sau đó, chị cẩn thận nhặt tất cả những mẩu cơm khách ăn không hết, gói lại, nhẹm vào thúng. Chị bảo hạt gạo là hạt ngọc của trời... và chị lại cẩn thận vuốt thẳng từng đồng tiền 500, 1000 đồng... bỏ vào chiếc ví thẳng cứng.
Chị Riệu kể rằng, chị bán cơm nắm muối vừng từ 4 năm nay: "Ơn trời đã cho tôi biết các nghề này, có vất vả thật đấy nhưng thu nhập được. Con tôi mới vào đại học nửa năm rồi". Người Hà Nội lâu nay đã quá quen với món ăn "chân quê" này, cơm nắm đi nghỉ cuối tuần gọi đặt qua điện thoại phục vụ tận nơi, cơm nắm đi vào công sở. Cái tiện là không quá một ngàn đồng một nắm cơm thơm vừng, ăn lại chắc dạ. Tất cả cơm nắm đều được lấy từ Lạc Đạo đem lên Hà Nội bán.
"Làng tỷ phú":
Lạc Đạo là một xã thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội chừng 20 cây số. Nghề làm cơm nắm đã có ở làng này hơn chục năm nay.
Gà gáy canh hai, ấy là khi dân Lạc Đạo thức dậy. Bên ngọn lửa bập bùng, mỗi nhà từ trẻ con đến người lớn cứ theo công việc mà làm. Người đãi gạo, người thổi cơm; người rang, giã muối vừng, người nắm cơm... Cơm nắm muốn ngon phải mua đúng gạo C70 hoặc Q4. Ngâm nước xát kỹ cho đến khi trắng xanh. Cơm sôi đảo đều, nhỏ lửa, cho sôi "rúc rích" cho đến khi sền sệt thì tắt lửa, ủ tro nóng quanh nồi. Không vội, vội là hỏng. Cơm chín đem ra nắm. Nắm cơm phải chắc, cắt ra giữa ruột phải nhuyễn mà không nhão, nhão là có mùi cháo chứ không còn mùi cơm. Cơm nắm đúng độ để lâu cũng không sợ thiu.
Cứ như vậy cho đến sáng, khi cơm nắm làm xong được đem bán. Người mua, kẻ bán, mối nào theo mối ấy. Cho đến khi chuyến xe cuối cùng của xã chuyển những người bán dạo cơm nắm muối vừng lên Hà Nội tỏa về các ngõ phố... Lạc Đạo mới trở lại cuộc sống bình yên thường nhật. Mãi đến khuya, người bán mới trở về điểm hẹn, cùng lên xe để quay về, chợp mắt cho đến canh hai.
Người Lạc Đạo tự đi bán cũng nhiều mà người nhận cơm nắm đi bán cũng lắm, mỗi gia đình như một "xí nghiệp", cả xã như một "liên hiệp các xí nghiệp"... cơm nắm.
Nhờ có cơm nắm muối vừng mà cả xã Lạc Đạo hôm nay có cả chục chiếc ô tô, 600-700 cái xe máy, và xấp xỉ 300 chiếc máy điện thoại nhà riêng. Người Hưng Yên không gọi Lạc Đạo là "làng tỷ phú' mà gọi là "xã anh cả", anh cả trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo. Năm 2000 vừa qua, ước tính con số tổng thu nhập toàn xã đạt khoảng 50 tỷ đồng. Bình quân thu nhập đầu người trên 4 triệu đồng. Nhà tầng liền dãy như phố xá. Tất nhiên, không phải chỉ nhờ từ mảnh đất làm sào ruộng khoán, mà là cơm nắm muối vừng đã làm nên sự thay đổi kỳ diệu ở làng quê này.
Ông Chủ tịch xã nói rằng, người Lạc Đạo năng động lắm, mỗi lúc một nghề, họ biết đến lúc nào thì làm nghề gì phù hợp. Người xã khác cho đó là sự tinh khôn, cái "quái" của "anh cả xóa đói giảm nghèo". Nói cách nào cũng đúng, nhưng chẳng có gì đã cho bằng, giữa cảnh phồn hoa đô thị trong thiên niên kỷ mới lại thấy các anh chị ăn mặc lịch lãm, điện thoại di động áp tai, giơ tay vẫy một chị nông dân khi nghe tiếng rao: "Ai... cơm nắm muối vừng đâ...i...y"
Nguyễn Thế Thịnh, Thanh Niên, 13/1).