Chiều 10/3, tại hội thảo tổ chức ở Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Hội liên hiệp Bảo tồn thiên nhiên Vương quốc Anh (JNCC), cho biết tổ chức này đã lập báo cáo về mức độ tác động của ô nhiễm môi trường đến đa dạng sinh học trên toàn thế giới giai đoạn 2021-2022.
Báo cáo được hình thành theo phương pháp chồng chập các bản đồ phạm vi cư trú của các loài bị đe dọa do ô nhiễm, số liệu các loài được lấy từ IUCN. Kết quả trong 20 quốc gia ODA hàng đầu có các loài bị đe dọa nhiều nhất do ô nhiễm, Indonesia đứng thứ nhất với 608 loài, Philippines 463 loài, Malaysia 450 loài, Việt Nam đứng thứ tám với 335 loài, chiếm 32% trong tổng số loài bị đe dọa.
Cụ thể, 298 loài bị ảnh hưởng do nguồn thải nông nghiệp, lâm nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, xói mòn đất, bồi lắng. Nước thải sinh hoạt đô thị ảnh hưởng tới 258 loài. Nguồn thải công nghiệp, quân sự tác động 245 loài. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới 211 loài. Trong số này rất nhiều loài bị tác động bởi nhiều nguồn ô nhiễm.
Phân tích tác động của ô nhiễm không khí đến đa dạng sinh học, tiến sĩ Phạm Thị Hải Hà (Đại học Xây dựng Hà Nội) thông tin những năm 2010 môi trường không khí Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do các nhà máy nung gạch ngói, xi măng.
"Các chất bụi PM 2.5, PM 10, SO2, NO2, CO do các nhà máy này gây ra đã tác động rất lớn đến hệ sinh thái nông nghiệp ở các vùng xung quanh", tiến sĩ Hà nói và lấy ví dụ những vụ lúa bị lép, hoa quả rụng trong nhiều năm liên tiếp.
Ngoài ra, các chất ô nhiễm không khí đi vào khí quản của động vật gây tắc nghẽn hô hấp, suy giảm miễn dịch. Các chất SO2, NO2 dưới tác dụng của bức xạ và hơi nước gây mưa axit khiến các loài sinh vật chết.
Đồng tình với quan điểm ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ cho biết trong mạng lưới hơn 3.400 con sông ở Việt Nam thì nhiều sông đang ô nhiễm nặng nề. Kết quả quan trắc giai đoạn 2016-2020 của lưu vực sông Nhuệ, Đáy cho thấy chất lượng nước thường xuyên ở mức kém, hơn 60% trạm quan trắc đo được chất lượng nước xấu, hơn 30% ở mức ô nhiễm nặng. Các thông số quan trắc đều vượt quy chuẩn Việt Nam.
"Ngay cả nước biển ven bờ cũng cho thấy giá trị amoni vượt quy chuẩn, trong đó cửa sông Nhật Lệ, sông Gianh, sông Dinh ở Quảng Bình các năm quan trắc từ 2018 đến 2020 đều cho thấy chỉ số cao hơn 3-4 lần so với quy chuẩn Việt Nam", giáo sư Nhuệ nói.
Chuyên gia này khẳng định, khi ô nhiễm nước xảy ra, các loại tảo sẽ phát triển gây giảm oxy, làm chết các loài thực vật, động vật. "Chúng tôi kiểm tra thì đã có nhiều nguồn nước chết chỉ tồn tại màu đen và không có bất kỳ loài động thực vật nào sinh sống", ông nói.
Theo báo cáo quốc gia lần thứ 6 về Công ước đa dạng sinh học (2019), Việt Nam có khoảng loài 51.400 sinh vật, bao gồm 7.500 chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; 10.900 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt; và hơn 11.000 loài sinh vật biển khác.