Viện Công nhân và Công đoàn ngày 23/5 công bố kết quả khảo sát tháng 3/2017 về tiền lương, giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp được thực hiện tại 14 tỉnh thành với gần 2.600 người lao động tham gia. Kết quả có gần 33% lao động cho biết thu nhập của họ thấp, phải chi tiêu tằn tiện, sống kham khổ; 12% thu nhập và tiền lương không đủ sống, phải làm thêm; 16% có thu nhập dôi dư nằm trong nhóm công nhân mỏ, khai khoáng.
Theo TS Vũ Minh Tiến, Viện phó Viện Công nhân và Công đoàn thì 36% làm thêm giờ chỉ vì muốn có thêm một bữa ăn ca; 49% lao động trả lời không muốn làm thêm giờ. "Lương của họ quá thấp, không đủ tiền thuê nhà, nuôi con nên muốn làm thêm giờ để đủ ăn chứ không phải làm giàu", ông Tiến cho hay.
Cuộc sống tằn tiện của công nhân
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Mai Đức Chính phân tích, công nhân ngoài lương cơ bản dao động từ 3,5 đến 4 triệu thì tăng ca có thể thêm được một triệu đồng, cộng tiền hỗ trợ xăng xe, đi lại thì tổng thu nhập khoảng 5 triệu. Thu nhập tăng lên một chút nhưng hệ lụy tới sức khỏe rất nhiều.
"Đây cũng là lý do khiến Tổng liên đoàn không đồng ý đề xuất tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba giờ làm thêm khi góp ý về Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động", ông nói.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý lần hai dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Trong đó, Bộ đề xuất tăng thời gian làm thêm tối đa từ 300 giờ mỗi năm như hiện hành lên 400 giờ mỗi năm. Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và làm thêm không quá 12 tiếng mỗi ngày. Chủ doanh nghiệp chỉ được huy động làm thêm giờ khi người lao động đồng ý.
Theo quy định hiện hành, giờ làm thêm tối đa của người lao động không quá 30 giờ mỗi tháng, không quá 200 giờ mỗi năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.