Theo báo cáo của Quảng Ninh, Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lào Cai và Yên Bái, tính đến 7h sáng nay, đã có 32 người chết (tăng 11 người so với ngày 27/9). Trong đó, nhiều nhất là Sơn La (13 người, riêng huyện Bắc Yên đã có 6 người), tiếp đến là Lạng Sơn (8 người), Bắc Giang (6 người), Quảng Ninh (4 người) và Vĩnh Phúc (1 người bị nước cuốn trôi).
Ngoài ra, hiện vẫn còn 5 người mất tích và 36 người bị thương. Chỉ riêng Sơn La có 3 người mất tích và 23 người bị thương.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, 1 giờ sáng nay, ở khu vực quần đảo Hoàng Sa lại xuất hiện áp thấp nhiệt đới, với sức gió ở gần tâm lên tới cấp 6 (39 - 49 km một giờ). 24 giờ tới, áp thấp hầu như ít di chuyển. Hiện, lũ trên sông Lục Nam tại Lục Nam (Bắc Giang) đạt đỉnh lúc 11h ngày 27/9 là 7,88 mét, lớn hơn báo động III là 2,08 mét, tương đương lũ lịch sử năm 1986. Hôm nay, mực nước trên sông Cầu và sông Thương tiếp tục dâng cao. |
Mưa lũ cũng đã đánh đổ và cuốn trôi gần 900 căn nhà ở 5 tỉnh. Trong đó, gần 230 gia đình ở huyện Bắc Yên (Sơn La) và 250 gia đình ở huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) trở thành vô gia cư. Sơn La và Quảng Ninh hiện là địa phương có số nhà bị cuốn trôi, đổ sập nhiều nhất.
Trong tổng số hơn 8.000 căn nhà bị ngập, hư hại, tốc mái, Lạng Sơn đã chiếm gần một nửa, với 3.600 căn, tiếp đó là Quảng Ninh với 3.400 căn, Sơn La hơn 1.000 căn, Bắc Giang hơn 240 căn và Cao Bằng chỉ có 2 căn.
Mưa to do hoàn lưu sau bão đã làm gần 20.000 ha lúa và hoa màu của 7 tỉnh bị ngập úng. Chịu thiệt hại nặng nhất hiện là Bắc Giang, với gần 13.000 ha hoa màu chìm trong nước. Lạng Sơn có gần 4.000 ha, Sơn La hơn 1.000 ha...
Bên cạnh đó, cầu cống bị hư hại, đường sá bị sạt lở đã khiến gia thông tại nhiều tuyến đường bị tắc nghẽn trong nhiều giờ, nhiều ngày. Theo thông tin từ nhiều địa phương, do thông tin liên lạc, giao thông... bị gián đoạn nên nhiều địa phương chưa thể báo cáo thiệt hại.
Ngày 27/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương kiên quyết không để nhân dân bị đói, rét và thiếu nơi trú ngụ. Đồng thời, ưu tiên tối đa cho việc đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân, huy động mọi phương tiện vận chuyển tiếp tế lương thực, thuốc men, quần áo, nhà bạt, nhu yếu phẩm và đồ dùng cần thiết để tổ chức cuộc sống cho nhân dân vùng ngập lũ.
Đồng thời, Hội chữ Thập đỏ Việt Nam đã xuất 1.000 thùng hàng gia đình cứu trợ cho các địa phương, trong đó Bắc Giang được 400 thùng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La mỗi tỉnh 200 thùng. Mỗi gia đình có người chết được hỗ trợ 2 triệu đồng một người. Ngoài ra, mỗi tỉnh này còn được hỗ trợ tạm thời 100 triệu đồng.
Dưới đây là những hình ảnh thiệt hại do mưa lũ.
Thị trấn Lục Nam, huyện Lục Nam (Bắc Giang) bị ngập trong lũ. Ảnh: TTXVN. |
Một ngôi chùa ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) ngập trong lũ. Ảnh: TTXVN. |
Sạt lở trên Quốc lộ 4A đoạn qua địa phận huyện Văn Lãng (Lạng Sơn). Ảnh: TTXVN. |
15h45 đến 18h chiều 27/9, trên Quốc lộ 6, đoạn qua thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) đất trên đồi Hong Thánh lại tiếp tục sạt lở làm tắc nghẽn giao thông. Ảnh: TTXVN. |
Chuẩn bị hàng cứu trợ khẩn cấp đến với những hộ dân bị cô lập ở Bắc Giang. Ảnh: TTXVN. |
Người dân ở thị trấn Lục Nam (Bắc Giang) nhận hàng cứu trợ. Ảnh: TTXVN. |
Tiến Dũng